Cổ phiếu bán lẻ tăng vọt sau đề xuất giảm 2% VAT

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày giao dịch đầu tuần (10/4), VN-Index đóng cửa giảm hơn 4 điểm dù mở cửa phiên sáng khá tích cực. Thanh khoản tăng mạnh và áp lực bán ở nhóm vốn hóa lớn cũng tăng dần. Điểm sáng hôm nay là giao dịch của nhóm bán lẻ.

Sự tích cực của VN-Index không thể duy trì về cuối phiên khi nhóm vốn hóa lớn gia tăng áp lực. 10 mã giao dịch tiêu cực nhất lấy đi hơn 6 điểm của VN-Index. Trong khi đó, nhóm dẫn đầu chỉ mang về 2,5 điểm.

Gây áp lực mạnh nhất lên chỉ số chính là BID, VCB, VHM, GAS, HPG, VIC. Ở nhóm VN30, dù chỉ số đại diện chỉ giảm hơn 1 điểm, nhưng 20 cổ phiếu chìm trong sắc đỏ. HPG giảm mạnh nhất 2,4%. Cổ phiếu ngành thép có phiên điều chỉnh mạnh, đồng loạt. VGS giảm 4,5%, HSG giảm 3,7%, NKG, HPG, TLH giảm trên 2%.

Các ngành vốn hóa lớn như bất động sản, ngân hàng cùng đi lùi. Nhóm bất động sản có sắc đỏ lan rộng, toàn bộ nhóm Vingroup hay các cổ phiếu như HDG, NVL, HTN, DXG, DXS... cùng giảm giá. Ở chiều ngược lại, một số mã bất ngờ mạnh hơn thị trường chung, như KBC tăng 5,4%, DIG, TIP, SZC, NLG, KDH... tăng nhẹ.

Cổ phiếu bán lẻ tăng vọt sau đề xuất giảm 2% VAT ảnh 1

Giao dịch đáng chú ý nhất hôm nay là nhóm bán lẻ.

Các cổ phiếu ngân hàng lớn như VCB, CTG, BID đều đi lùi trong phiên. BID giảm 2,1%. Cổ phiếu ngân hàng trên HoSE giao dịch không mấy tích cực. Những mã giữ sắc xanh như HDB, TCB có mức tăng không quá lớn. Tuy nhiên, SHB lại gây bất ngờ khi tăng tới 3,45%, thanh khoản đạt hơn 626 tỷ đồng, cao nhất toàn sàn. Cặp đôi SHB - SHS cùng tăng mạnh. SHS tăng trần, là mã thanh khoản cao nhất thị trường. SHS trao tay hơn 69,7 triệu cổ phiếu, giá trị 712 tỷ đồng, vượt xa SSI đứng thứ 2 (597 tỷ đồng).

Nhóm chứng khoán còn có IVS, VDS tăng trần. Diễn biến tại nhóm này tích hơn nhiều so với thị trường chung, đặc biệt ở các cổ phiếu nhỏ, vừa. Trong khi đó, cổ phiếu lớn như SSI, HCM, VCI lại đi lùi.

Giao dịch đáng chú ý nhất hôm nay là nhóm bán lẻ nhờ tác động sau khi Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) vừa đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) của hàng hoá từ 10% xuống 8%. Thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 1/7 đến hết năm 2023. Đề xuất này ngay lập tức tạo tác động tích cực tới diễn biến của nhóm cổ phiếu bán lẻ. DGW, PET tăng trần. MWG tăng 5,1%, FRT tăng 4,1%. PET đột biến khối lượng giao dịch, tăng hơn 460% so với trung bình 20 phiên.

Năm 2023, các doanh nghiệp bán lẻ đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng. Tại đại hội cổ đông tổ chức ngày 14/4 sắp tới, Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT - FPT Retail (FRT) sẽ trình cổ đông thông qua mục tiêu kinh doanh năm 2023 với doanh thu 34.000 tỷ đồng, tăng 13%; lợi nhuận trước thuế 240 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Thế giới số - Digiworld (DGW) đặt kế hoạch khiêm tốn cho năm 2023, mục tiêu doanh thu là 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 400 tỷ đồng, giảm 9% và 42% so với thực hiện 2022. Công ty cổ phần Thế giới Di động (MWG) cũng chỉ đặt mục tiêu năm 2023 tăng 1% doanh thu lên 135.000 tỷ đồng và lãi hợp nhất sau thuế tăng nhẹ 2% lên 4.200 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,36 điểm (0,41%) xuống 1.065,35 điểm. HNX-Index tăng 0,4 điểm (0,19%) lên 212 điểm. UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (0,22%) xuống 77,99 điểm.

Giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt gần 14.000 tỷ đồng. Dòng tiền trong nước trở lại thị trường mạnh mẽ trong khi khối ngoại tiếp tục bán ròng, giá trị hơn 309 tỷ đồng, tập trung vào HPG, STB, KDH, VPB...

MỚI - NÓNG