Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Chậm và kém hiệu quả

Bộ Xây dựng vẫn nắm giữ 97% vốn tại Tổng Cty Lilama.
Bộ Xây dựng vẫn nắm giữ 97% vốn tại Tổng Cty Lilama.
TP - Phải hết quý I/2017, kế hoạch cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2015 mới hoàn thành. Tuy nhiên, thành tích này chỉ đạt được về số lượng DN, còn chất lượng hay mục tiêu giảm vốn nhà nước chưa được như kỳ vọng.

Chậm tiến độ, lo ngại chất lượng

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), đến hết tháng I/2017, các đơn vị đã hoàn thành kế hoạch CPH theo Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 - 2015 (chậm hơn 1 năm so với kế hoạch). Tổng cộng có 571 DNNN được phê duyệt phương án và CPH, với tổng giá trị thực tế là 796.646 tỷ đồng. Trong đó, giá trị vốn nhà nước 213.043 tỷ đồng. Còn nếu xét về số vốn bán ra mới đạt khoảng 8% tổng vốn nhà nước tại DN (nhà nước vẫn nắm khoảng 92% vốn).

Về việc chậm triển khai CPH, hoặc “cố giữ” cổ phần nhà nước tại DN, Bộ Tài chính không ít lần “kêu” về các DN thuộc Bộ Xây dựng. Như Tổng Cty Lilama, do Bộ Xây dựng vẫn quyết nắm giữ cổ phần chi phối, nên khi thực hiện bán ra đã thất bại, dù không ít nhà đầu tư quan tâm. Tới nay, Nhà nước vẫn nắm giữ 97% vốn tại Lilama. Hay tại Tổng Cty Viglacera, hiện Nhà nước vẫn nắm giữ 78% cổ phần…

Hay một số DN làm ăn có lãi, đã được bán cổ phần từ 7 đến 8 năm trước, nhưng chậm đưa lên sàn chứng khoán, điển hình trong số này là các DN bia rượu. Như tại Habeco, Chính phủ đặt mục tiêu thoái thêm vốn trong năm 2016, nhưng tới nay vẫn chưa biến chuyển. Năm 2008-2009, Carlsberg được chọn làm nhà đầu tư chiến lược tại Habeco, nắm 17% cổ phiếu tổng công ty này. Thời điểm đó, việc lựa chọn cổ đông chiến lược tại DNNN được ưu tiên bán cho đối tác có kinh nghiệm hoạt động trong cùng lĩnh vực. Carlsberg trở thành cổ đông chiến lược của Habeco và được ưu tiên mua lại khi Nhà nước rút vốn khỏi Habeco. Đổi lại, Carlsberg phải thực hiện các cam kết đầu tư phát triển Habeco. Điều này vô tình trở thành điểm nghẽn cho thời hiện tại, khi Nhà nước muốn rút hết vốn tại Habeco.

Thực hiện cam kết, Carlsberg đầu tư vào nhà máy bia Vũng Tàu, với tham vọng đưa thương hiệu Bia Hà Nội xâm nhập thị trường phía Nam. Nhưng khoản đầu tư này không mang lại hiệu quả như kỳ vọng, nhưng không được xử lý dứt điểm, trong khi điều khoản ưu tiên mua cổ phần Habeco vẫn được bảo lưu cho Carlsberg. Dẫn tới, cả năm qua, việc đàm phán với Carlsberg để Nhà nước rút toàn bộ vốn khỏi Habeco gặp khó khăn. Nhà đầu tư chiến lược này muốn mua lại Habeco với giá “phải chăng” và thấp hơn so với giá tham chiếu trên thị trường chứng khoán (hiện ở mức trên 80.000 đồng/cổ phiếu). Do vướng mắc từ cổ đông chiến lược nên nhà đầu tư khác chưa thể tham gia, tới nay việc thoái thêm vốn Nhà nước tại Habeco vẫn chưa thể thực hiện.

Vào cuối nhiệm kỳ của mình, nguyên Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cũng từng bày tỏ lo lắng trước việc CPH DNNN hiện nay. Đặc biệt, khi phần vốn Nhà nước được bán ra chưa nhiều. Theo ông Vinh, quá trình CPH mới tính trên đầu DN, chưa tính trên hiệu quả. “Nếu chỉ bán 5-7% vốn rồi nói đã CPH thành công là chưa đúng. CPH như vậy đâu có gì thay đổi, khi bộ máy, cơ chế vẫn như cũ. Thậm chí, nếu chỉ bán 5% vốn rồi trao cho DN đó cơ chế DN tư nhân càng nguy hiểm, khi vẫn là vốn nhà nước nhưng nhà nước quản lý ít hơn, DN nhiều quyền hơn. Chúng ta phải xác định, ngành nghề Nhà nước nắm cổ phần chi phối càng hẹp càng tốt, lĩnh vực nào tư nhân làm tốt nên để tư nhân làm”, ông Vinh nói.

Nhìn nhận lại quá trình CPH giai đoạn 2011 – 2015, ông Vinh cho rằng, không nên đặt tiêu chí phấn đấu theo số lượng DN được CPH nữa. Thay vào đó, phải đặt tiêu chí về số lượng cổ phần được bán bao nhiêu, số đó có đủ để tư nhân nắm quyền chi phối DN chưa? “Chỉ khi tư nhân nắm quyền chi phối mới giúp DN thay đổi quản trị, con người, chiến lược kinh doanh, làm DN thay đổi về bản chất. Còn bán vài phần trăm cổ phần bản chất vẫn là DNNN”, ông Vinh nói thêm.

Phải xử người đứng đầu

Trả lời báo chí mới đây, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN cho biết, vừa qua, đã có một số người đứng đầu bị xử lý do chậm CPH DN, nhưng còn khiêm tốn. Đáng chú ý nhất là trường hợp ông Nguyễn Cảnh Việt (Tổng Giám đốc Tổng Cty Hàng hải - Vinalines) và ông Vũ Tuấn Hùng (Tổng Giám đốc VNPT), bị điều chuyển công tác khác do không hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu DN, trong đó có chậm thực hiện CPH.

Nhìn lại quá trình CPH DNNN giai đoạn 2011-2015, Bộ Tài chính cho rằng, tiến trình này thời gian qua đã bộc lộ một số bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi. Như một số bộ ngành, địa phương chưa tích cực chỉ đạo triển khai CPH, tỷ lệ CPH còn thấp nên chưa thu hút nhà đầu tư tham gia. Hiệu quả hoạt động của DNNN còn thấp, nhiều DN làm ăn thua lỗ. Ngoài ra, việc DN đã CPH chậm bàn giao cho SCIC, chậm niêm yết trên sàn chứng khoán… cũng ảnh hưởng tới chất lượng thoái vốn nhà nước.

Theo ông Tiến, thời gian qua, việc CPH DNNN dù đạt số lượng, nhưng tỷ lệ bán vốn tại các DN vẫn thấp. Do một số cơ quan chủ quản DN có tư tưởng muốn giữ DN trong lĩnh vực mình quản lý. Ngoài ra, một số lãnh đạo DNNN còn tâm tư, khi bán hết vốn nhà nước rồi mình sẽ về đâu? “Bản thân lãnh đạo DN tự xây dựng phương án CPH, nên cũng phải tính toán sao cho mình vẫn được ở lại DN. Hoặc ít nhiều có lợi ích ở đấy nên đó cũng là lý do làm chậm tiến trình CPH”, ông Tiến nói.

Theo Quyết định 58/2016 của Thủ tướng, giai đoạn 2016-2020, nhà nước chỉ nắm giữ 100% vốn tại 103 DN trong một số lĩnh vực như: Kinh doanh xổ số; Bưu chính công ích; Xuất bản; In, đúc tiền, sản xuất vàng miếng; Tín dụng chính sách; Sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ; Truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia; Quản lý đường sắt; Dịch vụ không lưu; Bảo đảm hàng hải…

MỚI - NÓNG