Có những 'lối yêu' khác nhau

Có những 'lối yêu' khác nhau
TP - Vật chất trong tình yêu? Thực ra tôi không thích cách đặt vấn đề này như diễn giải của một số bạn tham gia Diễn đàn lười yêu báo Tiền phong cuối tuần mấy số báo gần đây.
Có những 'lối yêu' khác nhau ảnh 1
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Tôi nghĩ cách ứng xử với những lợi ích vật chất là vấn đề lối sống nói chung của mỗi người, và lối sống này, khi yêu, nó sẽ vận vào để trở thành một lối yêu.

Chính vì quan niệm như thế nên tôi cho rằng cái cần bàn ở đây là “lối yêu”. Cụ thể, khi đã là người thích vật chất (không chỉ phụ nữ, mà có cả những người đàn ông), luôn đặt quyền lợi vật chất lên hàng đầu của mọi ứng xử, thì khi thấy quyền lợi này bị đe dọa, họ sẽ lập tức “bye bye” là điều tất yếu.

Vật chất không mâu thuẫn gì với tình yêu đích thực” - như tên bài của chị Nguyễn Thị Minh Hòa (Hội An, Quảng nam), một cách nhìn tách bạch, cũng có lý của chị, nhưng kỳ thực, đã là người đã có tính “tham vàng, bỏ ngãi” thì không thể có tình yêu vô vị lợi, không tính toán được.

Tôi cũng là phụ nữ, và cũng hiểu được những gì chị viết, “đằng sau một tình yêu là chuyện xây dựng gia đình, mà đã vậy tức là phải nghĩ đến công việc, thu nhập cho cuộc sống.

Và kể cả chưa kết hôn thì trong lúc yêu, cũng không thể bỏ qua hoàn toàn chuyện này”. Tuy nhiên, giới hạn của những điều phải nghĩ này ở đâu?

Ngày còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, tôi đã có một tình yêu đẹp, nếu nhìn vào những gì là biểu hiện bên ngoài. M (tên tắt của người con trai ấy) học giỏi, nhưng nhà nghèo. Chúng tôi cũng đã có một tình yêu “xe đạp ơi”, những ngày giúp nhau đèn sách, những buổi đi xem hội diễn ca nhạc sinh viên...

Tôi thích không khí ký túc xá, thích đời sống sinh viên đạm bạc nhưng hào hứng. Dù rằng, ba tôi giữ một cương vị khá cao ở thành phố. Nói như ngôn ngữ bình dân, tôi là con “cán bộ cốp”.

Tôi yêu, bỏ qua mọi điều eo xèo ngoài tai, nghĩ rằng tất cả chỉ là chuyện thị phi, những rào cản người đời tự đặt ra với những “đẳng cấp”, những “bậc thang”...

Nhưng... Một ngày gia đình tôi hụt hẫng khi ba tôi vướng vào một vụ rắc rối. Tôi không đủ hiểu biết về những chuyện đó, nhưng thấy ba rất mệt mỏi và sau đó chừng nửa năm, ba tôi về nghỉ hưu sớm...

Điều đáng nói là trong lúc tôi hoang mang nhất thì M cũng “hoang mang”. Chỉ ít ngày sau, tôi giật mình khi thấy M khác quá. Khi tôi cần tình cảm và một bờ vai vững chãi thì M lặng lờ rồi lảng tránh. M sợ tai tiếng? M sợ ảnh hưởng?... Tôi không dám nghĩ thêm.

Vâng, tôi biết Không phải con gái đều là những kẻ “đào vàng” (tên bài của Minh Thắng (Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội) đăng trên Tiền phong cuối tuần số 35, với tôi có lẽ nên đổi là “con trai”!!! Tôi biết có Những nẻo “tìm vàng” (tên bài của Hoàng Thế H (Quận Bình Thạnh, TpHCM) đăng trên Tiền phong cuối tuần số 34...

Tôi đã phải tự trấn an sau cú sốc tình cảm liền kề với cú sốc gia đình.

Với tôi, lấy được người đàn ông yêu thương mình, và đáng mặt đàn ông quan trọng hơn rất nhiều vấn đề “có khả năng để mình có thể dựa vào”. Mà tại sao phụ nữ lại cứ phải “xác định” cái tâm thế “dựa vào” như thế?

Thế nên, đến nay tôi vẫn một mình, nhưng tôi không sợ căn bệnh “lười yêu” vì tôi vẫn nghĩ chàng trai của mình đang chờ ở một nơi nào đó.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.