Có nên ôm “đô” lúc này?

Có nên ôm “đô” lúc này?
Chiều 14/11, giá USD liên ngân hàng thương mại có giảm nhẹ, song vẫn còn ở mức cao: 16.970 đồng/USD. Tuy nhiên, trên thị trường tự do, giá USD quy đổi tiếp tục đứng ở mức 17.400 đồng/USD
Có nên ôm “đô” lúc này? ảnh 1

Nguyên nhân gì khiến USD tăng vọt và liệu từ nay đến cuối năm, tỷ giá của ngoại tệ này sẽ diễn biến ra sao đang là mối quan tâm của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

USD trong nước sẽ giảm hay tăng?

Dù từ đầu tháng 11, nhiều nhà kinh tế đã dự đoán rằng giá USD sẽ giảm dần đến cuối năm do nguồn ngoại hối đổ về nước sẽ tăng dần lên, nhưng những diễn biến trên thị trường tài chính những ngày gần đây hoàn toàn trái ngược.

Trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VND từ mức 16.900 đồng/USD vào cuối tháng 10, đến nay đã vọt lên 17.400 đồng/USD, tăng 500 đồng/USD. Mặc dù vậy, giao dịch USD tại liên ngân hàng và trên thị trường tự do vẫn diễn ra khá nhộn nhịp.

Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng USD đang tăng. Lãnh đạo Ngân hàng Xuất Nhập khẩu (EximBank) cho biết, những ngày gần đây USD liên tục tăng giá so với tiền đồng là do một số đối tượng chuyên nhập khẩu hàng tiêu dùng qua đường tiểu ngạch (nhập lậu) đang cần USD để tập kết hàng hóa về phục vụ cho thị trường Giáng sinh và Tết Nguyên đán.

Hơn nữa, trước sự leo thang giá USD, hiện nhiều doanh nghiệp cũng đang “thủ USD” để chuẩn bị thanh toán hợp đồng cuối năm. Một trong những nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng là hiện tượng “đôla hóa” trong giao dịch thanh toán các linh kiện điện tử, điện máy…. vẫn tồn tại và đang nhộn nhịp trở lại vào mùa cuối năm.

Chuyển vốn sang USD: Thận trọng!

Theo nhiều chuyên gia, cầu USD đang tăng trong những tháng cuối năm là điều ai cũng có thể nhìn thấy được, tuy nhiên hơn ai hết các nhà đầu tư cần hết sức cân nhắc khi có ý định “ôm USD” vào thời điểm này.

Vì hiện nay để tránh cho đồng tiền nước mình không mất giá trước đồng USD, hàng loạt quốc gia như Nga, Nhật, Trung Quốc… đang tung ra nhiều biện pháp để giải cứu đồng tiền của nước mình.

Bên cạnh đó, theo thông tin từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư, vừa qua đã có thêm 2,02 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, nâng tổng nguồn vốn (FDI) cần được giải ngân hiện nay đã lên đến 58,3 tỷ USD. Đây cũng là một yếu tố có thể làm giá USD giảm trong thời gian tới.

Ngoài ra, việc “sốt” giá USD do tâm lý như giữa tháng 7 vừa qua sẽ khó tái lập vì theo như tuyên bố của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu thì Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có đủ khả năng để bình ổn thị trường.

Theo Lê Mai Thi
SGGP

MỚI - NÓNG