Có nên gọi học trò là con: Không nên can thiệp?

TPO - Các nhà tâm lý, nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng gọi học trò là con trong trường học chẳng có gì là sai và không nên can thiệp vào cách xưng hô của cô- trò.

Có nên gọi học trò là các con? Mới đây, câu hỏi này được “xới” lên bởi các học giả có tiếng. Họ đưa ra lí lẽ để khẳng định không nên gọi học trò bằng con, bởi không ích lợi về nhiều mặt, trước hết và trên hết, không tốt cho trò.

PGS-TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, “Vấn đề được nêu lên từ lâu rồi. Cách đây gần hai chục năm giới ngôn ngữ học đã bàn đến các cặp xưng hô phù hợp trong nhà trường”. 

GS Trần Đình Sử chính là một trong những người “châm ngòi” cho cuộc tranh luận: Có nên gọi học trò là các con, trên facebook hiện nay.

TS. Nguyễn Đức Mậu, Viện Văn học Việt Nam hưởng ứng nhiệt tình, anh đăng dòng trạng thái: “Cực lực phản đối gọi học sinh bằng con”. Trước thái độ của các giáo sư, tiến sỹ, dư luận “nóng” lên.

Có nên gọi học trò là con: Không nên can thiệp? ảnh 1

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội 

Không nên can thiệp, đó là quyền của thầy trò với nhau

Về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, cách xưng hô như vậy có gì là sai.

TS Lâm cho rằng, cách xưng hô phụ thuộc vào thói quen, biểu cảm và mối quan hệ nên giáo viên tùy độ tuổi mà có cách xưng hô với học sinh là “con” hay “em”.  Nếu ai gọi tùy tiện thì không phù hợp thôi. Theo tôi không nên can thiệp. Nhân cách của thầy cô mới là quan trọng.

“ Tôi cho rằng, nếu thầy cô và học sinh cảm thấy  không phù hợp thì sẽ không có cách xưng hô này. Đó là quyền của thầy và trò với nhau. Thầy cô- học trò là mối quan hệ lâu dài. Cách xưng hô cô- con hay cô- em không hạ thấp nhân cách của học sinh hay giáo viên”- TS Lâm nhấn mạnh

TS Lâm cho rằng, cần tôn trọng cách xưng hô của thầy cô với học sinh nhưng cần đưa các nguyên tắc, cũng như điều kiện, hòan cảnh, lứa tuổi để có cách xưng hô phù hợp.

Không có gì là sai, đó là sự đa dạng trong giao tiếp

Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng, cách xưng hô “con” hay được sử dụng ở hệ mầm non. Ở trong trường, một số trường sử dụng cách xưng hô là “con” và cả từ “em”  nữa.  Đa số các con sử dụng từ “con” nhiều.

Tuy nhiên, theo nhà tâm lý này, dù hình thức nào thì không quan trọng mà cách xưng hô trong nhà trường thể hiện được lòng biết ơn, sự giáo dục trên dưới, sự tôn trọng. Đương nhiên cách xưng hô cô - con mang tính chất gần gũi hơn.

“Dù xưng hô là “con” hay “em” đều là cách xưng hô sử dụng sự tôn trọng. Tôi nghĩ,  cách xưng hô là anh chị, hay xưng hô không đúng như gọi thầy cô là ông,  bà thì điều đó nên tránh”- TS Hà nêu quan điểm.

Thạc sĩ Thu Hà cho rằng, cách xưng hô “con” hay “em” về chuẩn mực xã hội đều được chấp nhận.

Có ý kiến cho rằng, ở bậc mầm non và tiểu học, thầy/cô giáo gọi các cháu là các con thì được, thậm chí tốt. Còn từ THCS trở lên thì không nên gọi trò là con nữa. Thạc sĩ tâm lý này cho rằng, xưng hô giữa thầy cô và học trò chỉ là 1 phần trong giáo dục nhà trường. Điều quan trọng ở mối quan hệ thầy – trò  là ở đó luôn luôn khuyến khích và tôn trọng các con có chính kiến.

"Khi  tôi dạy học sinh cấp 3 các học sinh vẫn xưng “con” bình thường. Điều này vẫn thể hiện sự tin tưởng, tôn trọng. Việc xưng hô không ảnh hưởng gì đến mối quan hệ cô trò cả. Quan trọng là chúng ta hỗ trợ và tương tác với các học sinh như thế nào thôi"- nhà tâm lý này cho biết.

Nhiều ý kiến của phụ huynh phản đối cách xưng hô “con” vì cho rằng đó là quan hệ xưng hô trong gia đình, huyết thống?  Về vấn đề này, Thạc sĩ Hà cho rằng, việc xưng hô giữa học sinh và giáo viên rất đa dạng. Đây là tính đa dạng của ngôn ngữ.

“Thầy cô gọi học sinh bằng em hay con, cách gọi đó không có gì là sai cả. Đó là sự đa dạng trong giao tiếp. Thầy cô và học sinh cần linh hoạt. Trong trường hợp này gọi thế này trong trường hợp khác lại gọi khác. Có chăng cần một sự giới hạn và đảm bảo yếu tố cách gọi đó là tốt và tích cực. Chứ không phải ở hệ học sinh tiểu học thì nên gọi “con” còn các trò lớn hơn thì không nên gọi bằng con?"- nhà tâm lý này nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG