Có nên đánh đổi Sơn Trà lấy du lịch?

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh, bán đảo Sơn Trà cần phải được phát triển du lịch để không bị bỏ phí. Song phải phát triển theo hướng du lịch sinh thái bền vững.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh, bán đảo Sơn Trà cần phải được phát triển du lịch để không bị bỏ phí. Song phải phát triển theo hướng du lịch sinh thái bền vững.
TPO - Câu hỏi được các chuyên gia môi trường, kiến trúc sư, những người dân yêu mến bán đảo Sơn Trà đem ra mổ xẻ trong buổi hội thảo “Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà” diễn ra sáng 28/4.

Hội thảo do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pan Nature), Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học nước Việt xanh (GreenViet) và nhóm nghiên cứu – giảng dạy  Môi trường & Tài nguyên sinh vật thuộc ĐH Đà Nẵng phối hợp tổ chức.

Rừng bị “ăn” dần vì quyết định, công trình

Đưa ra một loạt dẫn chứng về quy hoạch và quyết định điều chỉnh diện tích bán đảo Sơn Trà, bà Nguyễn Hoàng Phượng, Trung tâm con người và thiên nhiên cho hay Sơn Trà đang ngày một bị thu hẹp lại.

Năm 1977, Sơn Trà là một trong những khu rừng cấm với diện tích khoảng 4000ha, gồm toàn bộ bán đảo Sơn Trà và vùng xung quanh chân núi kéo dài với bán kính 500m. Đến năm 1992, khu rừng cấm được đổi thành Khu BTTN Sơn Trà với quy mô lâm phận 4.439 ha. Năm 2008, theo quyết định phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng của UBND TP. Đà Nẵng, diện tích rừng đặc dụng và và đất rừng đặc dụng thuộc Khu BTTN Sơn Trà chỉ còn gần 2.600 ha. Sau hành loạt quyết định khác, diện tích rừng Sơn Trà tiếp tục thay đổi, cho tới năm 2014, diện tích rừng và đất lâm nghiệp của Khu BTTN Sơn Trà được xác định là 2.536,7 ha theo quyết định 7263 của UBND TP. Đà Nẵng.

Bà Phượng nói: “Chúng ta không thể biết chính xác diện tích rừng Sơn Trà là bao nhiêu, bao nhiêu dành cho bảo tồn và bao nhiêu dành cho phát triển. Chỉ biết là diện tích ấy ngày càng bị bóp nhỏ lại. Trên thực tế, bán đảo Sơn Trà ba mặt giáp biển nên rõ ràng không có cơ hội mở rộng ra. Biết vậy nhưng nhiều đơn vị vẫn bất chấp đốn hạ cây cối, khai thác thác xây dựng, để bê tông hóa “ăn” dần dần những mảng xanh”.

Cùng nhìn nhận như bà Phượng, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đưa ra hai tấm hình chụp bán đảo Sơn Trà vào hai thời điểm 6/2016 và 3/2017. Mảng xanh sát biển trong tấm hình 6/2017 đã bị “bứng” sạch, thay vào đó màu bạc phếch, lỗ chỗ của đất đá, công trình. Ông nói: “Vì lợi nhuận từ du lịch, vì hoạt động xây dựng nhà hàng, khách sạn mà Sơn Trà bị cày xới nham nhở, diện tích rừng ngày một thu hẹp lại”.

KTS. Hoàng Sừ cũng nhấn mạnh thêm rằng hiện nay Đà Nẵng đã cấp phép đầu tư và giao đất rừng cho 14 doanh nghiệp xây dựng các khu du lịch biệt thự, khách sạn, khu nghỉ dưỡng…với tổng diện tích khoảng 1225 ha, chiếm gần 1/3 diện tích tòa khu bảo tồn.

Vẫn sẽ phát triển du lịch  

Trước một Sơn Trà bị “ăn” dần, câu hỏi nhức nhối đặt ra tại hội thảo: có nên đánh đổi Sơn Trà lấy du lịch?

Ông Huỳnh Tấn Vinh nhìn nhận rằng bán đảo Sơn Trà là một trong những lực hút du khách đến Đà Nẵng. Nếu không có Sơn Trà thì du lịch Đà Nẵng chắc hẳn sẽ kém thú vị. Nhưng thực tế, sự có có mặt của các công trình phục vụ du lịch trên bán đảo Sơn Trà đã thu hẹp môi trường sống của động vật, làm cạn kiệt tài nguyên, đồng thời tiếng ồn và sự có mặt thường xuyên của con người cũng làm các loài vật, nhất là vọoc chà vá chân nâu sợ hãi đi kiếm thức ăn, chỗ trú ngụ.  

Ông Vinh dẫn chứng công viên thiên nhiên đảo Phillip (Úc) nổi tiếng với loài chim cánh cụt. Du khách tới đây muốn tận mắt ngắm nhìn những chú chim này phải mang đồ tối màu, tắt điện thoại, nói chuyện nhỏ nhẹ. “Họ đã phát triển du lịch như vậy, mà không cần sự can thiệp của bê tông hóa. Tại sao chúng ta lại không? Hãy cho khách du lịch được nhìn thấy vẻ đẹp tự nhiên của Sơn Trà, của vọoc chà vá chân nâu, đừng bắt họ lên đó nhìn đồi trọc, nhìn bê tông…”, ông Vinh nói.

Có nên đánh đổi Sơn Trà lấy du lịch? ảnh 1

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng nên kết hợp du lịch sinh thái bền vững với việc bảo tồn bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Thanh Trần.

Theo ông Vinh, Sơn Trà cần phải được phát triển du lịch để không bị bỏ phí. Song phải phát triển theo hướng du lịch sinh thái bền vững. Trước hết  phải có quy chế nghiêm ngặt để giữ tính đa dạng sinh học tự nhiên, đồng thời ban hành quy chế ứng xử của du khách khi lên tham quan Sơn Trà. Ngoài ra phải hạn chế triển khai các dự án ở thềm bờ biển tiếp giáp với núi  Sơn Trà tránh tăng nguy cơ phá hủy rặng sạn hô ven bờ, thay đổi dòng hải lưu… Ông Vinh cũng lưu ý thêm nên sử dụng người dân địa phương, những người am hiểu Sơn Trà làm hướng dẫn viên, hỗ trợ chuyên gia trồng rừng, bảo vệ các loại động vật quý hiếm..

Đồng quan điểm này, KTS Hoàng Sừ cho biết nên có giải pháp vừa bảo tồn thiên nhiên vừa phát triển du lịch để không phí phạm lợi thế. Ông cho rằng nên hạn chế tối đa các dự án chiếm diện tích lớn trên sườn núi, đỉnh đồi, các điểm cao của bán đảo, chỉ xây dựng theo kiểu ẩn mình vào thiên nhiên. Còn bà Nguyễn Hoàng Phượng lại đưa ra khuyến nghị cần xây dựng quy hoạch tổng thể về phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà bao trùm cả các quy hoạch hiện có, đảm bảo các yếu tố đa dạng sinh học được xem xét kỹ lưỡng.

PGS.TS Võ Văn Minh cho hay từ hội thảo này, cần phải rà soát tổng thể hiện trạng HST trên cạn và  dưới nước, các quy hoạch về sử dụng đất, rừng đặc dụng..., các báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) liên quan đến các dự án ở bán đảo Sơn Trà. Theo ông, trước mắt nên giữ nguyên hiện trạng HST tự nhiên, tạm dừng các hoạt động phát triển chưa đủ căn cứ pháp lý. Và sau này sẽ hướng đến mở rộng phạm vi không gian cả trên cạn và  dưới nước.

MỚI - NÓNG