Có nên bỏ khái niệm F1, F0?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Có nên từ bỏ khái niệm F1, F0 hay không khi mà số ca mắc tại Việt Nam liên tục tăng trong những ngày gần đây với phần lớn là ca bệnh nhẹ, điều trị tại nhà là vấn đề nhiều người quan tâm. Các chuyên gia có ý kiến đa chiều về vấn đề này.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết: “Nên từ bỏ khái niệm F0, F1 vì nó chỉ là phân loại trong trường hợp dịch bệnh còn ít và chúng ta có thể khống chế theo kiểu "Zero COVID". Còn thời điểm này, cùng với việc mở cửa, chấp nhận sống chung, thích ứng an toàn, số lượng F0 tăng lên nhanh chóng thì cũng dần coi bệnh COVID-19 là một bệnh thông thường”.

Không chung quan điểm của bác sĩ lâm sàng Phạm Văn Phúc, PGS.TS Trần Đắc Phu, chuyên gia dịch tễ, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), khẳng định hiện vẫn cần phân định rõ về F0, F1 giúp kiểm soát được tình hình dịch vì dịch bệnh hiện đang bùng phát, nếu chủ quan, buông lỏng sẽ dẫn đến hậu quả xấu.

“Việt Nam vẫn chưa thể thả lỏng trước tình hình dịch hiện nay. Phải kiểm soát ở mức độ nhất định để biến chủng này có tốc độ lây chậm lại một thời gian nữa, khi có miễn dịch cộng đồng tăng lên, không gây quá tải hệ thống y tế thì sẽ mạnh dạn nới lỏng”, TS Phu nói.

Theo TS Phu cần giữ khái niệm về F1 để người dân biết cách phòng bệnh. Vẫn phải biết ai là F0 để thống kê, qua đó bám sát tình hình dịch trên cả nước. Ông đồng thời nhấn mạnh giải pháp hạn chế tốc độ lây lan của biến chủng Omicron là người dân phải thực hiện nghiêm "5K", mở cửa các hoạt động để bình thường hóa nhưng không được thả cửa, phải có các phương án an toàn cho các hoạt động như: Lễ hội an toàn, du lịch an toàn, trường học an toàn…

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), xu hướng dịch ở Việt Nam với biến chủng Omicron hiện tương tự các nước trên thế giới, sẽ giảm dần trong thời gian tới. TS Nga cho hay việc giảm số người nhiễm sẽ phụ thuộc phần lớn vào ý thức cá nhân cũng như mức độ tuân thủ "5K" trên cả nước.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết thêm hiện việc cách ly F0, F1 không còn hiệu quả nữa. Vai trò của cá nhân trong cộng đồng là quan trọng hơn cả.

“Ngoài ra, chúng ta nên tập trung bảo vệ người cao tuổi, nhóm có bệnh nền, dễ tử vong, đồng thời củng cố hệ thống điều trị”, ông Nga nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng: “Chúng ta tránh dùng từ F0, F1. Gọi như vậy không còn phù hợp nữa vì có thể tạo ra tư tưởng kỳ thị, mặc cảm trong xã hội. Ai nhiễm virus thì là gọi là người nhiễm, vì nhiễm chưa chắc đã bị bệnh do người dân đã tiêm vắc xin, không có triệu chứng”.

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.