Có một vị giám mục viết văn

Có một vị giám mục viết văn
TP - Nhân việc kết nạp hội viên của Hội Nhà văn năm nay đang hoàn tất thủ tục, tôi chợt nghĩ đến lời phàn nàn của không ít người  viết rằng cánh cửa của Hội Nhà văn có vẻ chưa được rộng mở lắm? Tự dưng tôi nghĩ ngay đến một vị giám mục viết văn người Việt! Trên thế giới có nhiều vị linh mục, giám mục như thế, nhưng ở ta thì...

Tôi quen giám mục Nguyễn Văn Sang là do nhà thơ Trần Anh Thái ở Báo Quân đội và nhà báo Huy Thông giới thiệu.

Trong hàng giáo phẩm công giáo Việt Nam, trước khi trở thành giám mục, cha Nguyễn Văn Sang (ngài lấy danh Thánh thương khó nghèo hèn Phanxico Xavie làm tên thánh bổn mạng) được Chúa chọn là người vinh dự can dự vào rất nhiều sự kiện?

Trước khi là giám đốc đại chủng viện Hà Nội, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục (HĐGM) Việt Nam, cha là linh mục thư ký cho hai đức hồng y tiên khởi là Trịnh Như Khuê và Trịnh Văn Căn.

Năm 1978, cha tháp tùng hồng y Trịnh Như Khuê đi Roma dự lễ tang hai đức giáo hoàng và dự lễ bầu Giáo hoàng Jean Paul II. Do thông thạo nhiều ngoại ngữ nên nhiều lần cha được chọn đi dự các hội nghị quốc tế về tôn giáo. Cha cũng là người chứng kiến giây phút Chúa gọi các đấng hồng y Trịnh Như Khuê và Trịnh Văn Căn về.

Người ta cứ nghĩ, con đường thăng tiến của vị giám mục từng là thư ký cho các đấng hồng y sẽ thênh thang. Nhưng năm 1990, địa phận Thái Bình đang rất cần một nhân sự mới, giáo hội chú mục vào Phanxico Xavie Nguyễn Văn Sang này...

Dịp đó, nhân một hội nghị quốc tế ở Roma, không biết bằng cách nào mà Đức Giáo hoàng Jean Paul II biết được hoàn cảnh của cha Sang mà vị chủ chăn thay mặt cho Chúa Kito dưới trần thế này cho gọi cha Sang tới: Ta biết con đang có hai thứ phải chọn. Một là sẽ làm mục vụ ở một nơi xa vắng thương khó hai là được cất nhắc với chức sắc cao hơn. Nhưng có lẽ Chúa đã chọn. Ta sẽ tặng cho con cái xe tàng tàng của ta cho con đi làm mục vụ...

Cái xe của Đức Giáo hoàng thì giám mục Nguyễn Văn Sang không dám nhận nhưng ngài đã vui vẻ về chăn chiên ở quê lúa Thái Bình với chức danh tổng giám mục địa phận.

Có lẽ khỏi kê ra ở đây công sức của ngài qua 18 năm làm mục vụ ở địa phận Thái Bình đã trải bao thương khó gian nan làm sầm uất thêm xứ đạo cùng với làn gió đổi mới lộng thổi khắp đất nước nói chung và Thái Bình nói riêng.

Văn dĩ tải đạo

Trong trật tự của thế giới hiện đại, đối thoại là âm hưởng chủ đạo để tìm ra chân lý. Có phải đạo và đời gặp gỡ ở sự đối thoại này?

Chợt nghĩ thêm, cố Giáo hoàng Jean Paul II từng kêu gọi cuộc đối thoại giữa đức tin và nền văn hóa trong thời đại hiện nay là lãnh địa mang tính sinh tử...

Những lần được hầu chuyện ngài đều thú vị. Nhất là khi  nghe chuyện của ngài rồi chợt đối chiếu, liên tưởng đến những trang viết sinh động rất đời nhưng vẫn nhuần nhuyễn cân bằng chừng mực của một thầy tu trong Bước đường hành hương mang lại nhiều dư vị khoát hoạt cho người đọc.

Mạo muội nghĩ thêm Hội Nhà văn ta có một giám mục? Tại sao không? Chưa hẳn là Hội vời được một vị giám mục, một trong những hàng giáo phẩm quan trọng của Thiên Chúa giáo (mà hình như trong Hội mình, chưa có vị sư sãi cao tăng nào, ấy là bên Phật giáo! Còn Thiên Chúa giáo chưa có một tu sĩ, một linh mục lại càng không có vị giám mục nào viết văn?)

Nội sức viết của vị giám mục này cũng là đáng nể. Sơ sơ gần 20 đầu sách của những NXB Hà Nội, NXB Hội Nhà văn (cuốn Hành hương và thăm viếng với hàng ngàn trang in được tái bản đến 3 lần), NXB Tôn giáo... Sách dịch cũng có đến 5 cuốn, rồi thơ 2 tập, cả kịch nữa vv...

Có một vị giám mục viết văn ảnh 1
Bút tích giám mục Nguyễn Văn Sang tặng sách tác giả - Ảnh: X.B

Điều độc đáo trong những ấn phẩm của vị giám mục này, tỷ trọng giáo lý văn dĩ tải đạo chiếm chỉ khiêm tốn thôi, còn là chứa chan, ăm ắp những chuyện đời thường, đời sống trần thế mà không cứ người bình thường không tôn giáo hay con chiên và cả các đấng chăn chiên cũng phải chiêm nghiệm nếm trải.

Những quy luật tình cảm - quy luật muôn đời giúp cho ranh giới ngăn cách (nếu có) giữa tôn giáo và đời sống trần tục đỡ hoăm hoắm sâu thẳm.

Lần ấy về Thái Bình, trong văn phòng của ngài, thấy tôi cứ ngó mãi tấm ảnh chụp chung với Hòa thượng Thích Thanh Tứ hình như trong một cuộc họp của Mặt trận Tổ quốc, ngài cười đưa cho cuốn Đối thoại tôn giáo  mà ngài là tác giả. Sách mới in của NXB Tôn giáo.

Hóa ra tấm ảnh ấy được in ở bìa 4 của cuốn sách. Hai vị chức sắc của hai tôn giáo này hóa ra từng quen biết nhau từ lâu! Chắc khi cho in bức ảnh ở bìa 4 này, chả phải chỉ là ghi lại dấu ấn của một kỷ niệm? 

Cũng chợt thêm một ý nghĩ, nếu như hai tôn giáo này trên thế giới hòa hợp ở mức độ nào đó, mà tìm được tiếng nói chung ở những lĩnh vực nào đó thì quả là hồng phúc cho nhân loại? Và với dân Việt mình nữa chứ?

Cứ ngó hai vị cao lão chức sắc hai tôn giáo đang hòa hợp vững chãi với nhau trong thế đứng trên đất Việt, đồng một hướng nhìn vị nhân sinh như thế này thì đức tin những lương dân Việt nào mà lại không yên tĩnh?

Về nhà lật giở thêm cuốn Đối thoại tôn giáo dày gần 600 trang, ngạc nhiên chưa phải là sức nghĩ sức đọc và cả sức đi được thể hiện trong cuốn sách của vị giám mục đã cao niên này...

Trong trật tự của thế giới hiện đại, đối thoại là âm hưởng chủ đạo để tìm ra chân lý. Có phải đạo và đời gặp gỡ ở sự đối thoại này? Chợt nghĩ thêm, cố Giáo hoàng Jean Paul II từng kêu gọi cuộc đối thoại giữa đức tin và nền văn hóa trong thời đại hiện nay là lãnh địa mang tính sinh tử...

Và nữa, trong một sứ điệp của Hội đồng Giám mục Á Châu cũng thủ thỉ sự đối thoại được khuyến khích ở mọi cấp độ ở gia đình và cộng đoàn. Đối thoại cơ bản nhất là đối thoại bằng trái tim và tâm hồn...

40 câu hỏi cũng là 40 vấn đề được lần lượt trình bày  kèm câu giải đáp trong phần I với 378 trang in trong Đối thoại tôn giáo  từ những vấn đề đơn giản đến phức tạp như Tôi nghĩ rằng không có đức chúa trời? Tại sao những người làm ác ở thế gian này thường được thành công? Thế ra Chúa ủng hộ những người xấu ư?

Đạo được ích gì đâu, tôi thấy khối người giữ đạo mà chả tốt hơn người khác cứ gì người công giáo mới thánh thiện, rất nhiều anh hùng vĩ nhân quân tử hơn cả người công giáo do đó cần gì phải gia nhập giáo hội?

Giáo hội vẫn dạy yêu thương bác ái nhưng thời trung cổ lại lập ra thập tự chinh để gây chiến với người Hồi giáo? Giáo hội là tay sai, là công cụ đắc lực cho tư bản bóc lột dân nghèo vv... và vv...

Rõ ra không phải là cái sự  thích đến đâu thì giải đến đấy hoặc nói lấy được mà vị giám mục này đã sử dụng phương pháp tư duy logíc để tiếp cận dẫn dắt cũng như lý giải vấn đề.

Nguyên tắc mà ngài đặt ra là sự hiểu biết không thấu đáo, suy nghĩ phiến diện do thiên vị chủ quan, vơ đũa cả nắm, lý luận không logic  thì khó mà can dự vào sự đối thoại như thế này.

Phần II, với ưu thế của một người viết, giám mục Nguyễn Văn Sang đã trình bày những dạng vấn nạn của đời sống và tôn giáo bằng những truyện ngắn ghi chép khá sinh động.

Vậy nên Đối thoại tôn giáo không hẳn là thích hợp với những đối tượng nghiên cứu tôn giáo nói riêng mà nhiều bạn đọc có đạo và không có đạo đều có thể tiếp cận một cách thú vị. Để mà tự tin hơn ở vị thế, vị trí của mình! Để mà cân bằng yên tĩnh hơn trong cõi ta bà nhân sinh vô thường này?

Tôi nhớ thêm, dịp NXB Tôn giáo ấn hành tập thơ Dâng, ngài cũng cho người đem sách đến. Dịp Lễ Kim khánh nhân sự kiện 50 năm ngài làm linh mục, 25 năm ở chức giám mục, ngài cũng thân đánh giấy tới.

Năm 2007, tôi có mặt trong lễ khánh thành nhà thờ chính tòa Thái Bình. Nhà thờ được xây mới từ ngôi nhà thờ cũ đổ nát được xây từ năm 1906. Người ta nói vui là nhà thờ mới này nhất Bắc Kỳ nhì Đông Dương, ý muốn tôn vinh vị giám mục này đã góp công sức rất lớn để giáo phận Thái Bình có nơi thờ phượng chúa khang trang!

Ngắm ngài nổi trội trong hàng phẩm phục,  như trẻ lại hơn cái tuổi 77  hào sảng đọc những câu văn vần cảm ơn quan khách và các con chiên dịp khánh thành nhà thờ chính tòa Thái Bình, thấy tự dưng dậy lên cảm giác an lành đẹp đạo tốt đời!

Mùa Noel năm Sửu 

MỚI - NÓNG