Một thời hoàng kim...
5 giờ chiều. Giờ tan tầm nên hiệu ảnh Sơn Hà ở thôn Lai Xá vắng khách. Ông Nguyễn Minh Nhật, chủ hiệu ảnh, chầm chậm rót ra hai chén trà đinh nóng hổi. Nắng chiều xuyên qua làn hơi mỏng, vương lại vài giọt trên miệng chiếc chén sứ. Vừa thưởng trà, ông vừa lấy những bức hình, mảnh ký ức tươi đẹp ra lau chùi, đánh bóng lại. Niềm vui mỗi ngày của nghệ nhân nhiếp ảnh 80 tuổi chỉ giản dị như vậy.
Theo lời ông Nhật, nghề nhiếp ảnh thôn Lai Xá từng có quá khứ huy hoàng. Nửa đầu thế kỷ XX, Lai Xá là nơi sản sinh ra những nhiếp ảnh gia tài năng và giàu có nhất. Thời đó, trải dài khắp ba miền Tổ quốc là hơn 200 hiệu ảnh của người Lai Xá. Sau này, họ còn vươn tới cả một số nước như Lào, Campuchia, Thái Lan… Cụ Phạm Uyển, một trong những người giỏi nhất ở Lai Xá, có thể kiếm được số tiền tương đương hai chiếc xe đạp Peugeot trong một tháng. Ngày xưa, một chiếc xe đạp Peugeot đắt ngang một căn nhà mặt phố ở Hà Nội.
Người Lai Xá được mệnh danh là “vua” ảnh chân dung. “Nhiếp ảnh gia gạo cội Võ An Ninh từng nói rằng, ông ấy có thể là bậc thầy của người Lai Xá về ảnh phong cảnh, nhưng chỉ là học trò của họ về ảnh chân dung!”, ông Nhật tự hào.
“Theo tôi, lãnh đạo bảo tàng nên bắt đầu tổ chức những cuộc triển lãm về đời sống hàng ngày của người dân Lai Xá, những nhân vật đặc biệt trong làng, hay phản ánh sự thay đổi của làng qua thời gian… Khi được chiêm ngưỡng hình ảnh của chính mình, người dân sẽ tới thăm bảo tàng nhiều hơn”.
PGS Nguyễn Văn Huy
Nhưng vào cuối năm 1959, các hợp tác xã (HTX) nhiếp ảnh đã xuất hiện và thay thế hầu hết các hiệu ảnh tư nhân, đánh dấu buổi hoàng hôn của nghề nhiếp ảnh Lai Xá. Đang từ kinh doanh tư nhân chuyển sang làm công ăn lương, rất nhiều nhiếp ảnh gia không còn động lực phấn đấu. Không chỉ vậy, các HTX chỉ nhập được nguyên, vật liệu từ Trung Quốc và Liên Xô không thể “xịn” bằng đồ nhập từ Pháp của các hiệu ảnh tư nhân trước đó. Vậy nên chất lượng của nghề ảnh Lai Xá ngày càng đi xuống.
Năm 1986, kinh tế thị trường quay trở lại, nhưng đã quá muộn để phục hưng nghề nhiếp ảnh Lai Xá. Chụp ảnh đã trở nên phổ thông với tất cả mọi người. Ai cũng có thể tự mình “tác nghiệp” bằng máy ảnh kỹ thuật số hoặc smartphone. Và có đến hàng ngàn ứng dụng, phần mềm chỉnh sửa ảnh, hàng trăm nền tảng lưu trữ trực tuyến như Flickr, Dropbox, Google Drive…
Ngoài ra, nhu cầu của khách hàng cũng thay đổi hoàn toàn. Theo anh Lương Xuân Trường, chủ hiệu ảnh Văn Lai ở thôn Lai Xá, hiện khách chỉ ra hiệu ảnh để chụp ảnh thẻ, ảnh kỷ yếu hoặc ảnh cưới. Tiêu chí hàng đầu là rõ mặt, da trắng không tì vết, tóc tai gọn gàng và phải có ảnh thật nhanh. Vì vậy mà nhiều kỹ thuật chụp, chỉnh sửa và rửa ảnh truyền thống của người Lai Xá đều đã lỗi thời, không thu hút được thế hệ trẻ theo đuổi, gìn giữ. Người trẻ ở thôn vẫn học nhiếp ảnh, nhưng học để chụp chơi thôi chứ chả mấy ai theo nghề…
Cầm cự qua ngày để “nuôi” bảo tàng
Tới thăm Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, lại càng cảm nhận rõ sự ảm đạm của nghề nhiếp ảnh nơi đây. Được xây dựng, bày trí công phu với nhiều hiện vật quý giá, nhưng bảo tàng không hề có sức sống vì vắng bóng con người. “2 năm vừa rồi, dù chỉ mở cửa vào hai ngày cuối tuần nhưng khách tới thăm bảo tàng vẫn rất ít”, ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá nói. Đầu ngón tay ông dính đầy bụi sau khi quẹt nhẹ lên cánh cửa ra vào của bảo tàng. Bên cạnh, tấm banner quảng cáo cho một sự kiện diễn ra từ tháng 5/2021 đã ố vàng.
Không có nguồn thu từ du lịch nên việc duy trì hoạt động của bảo tàng gặp rất nhiều khó khăn. Ông Thắng buồn rầu nói, mọi kinh phí trong suốt gần 6 năm hoạt động của bảo tàng đều do ông và 3 người nữa trong ban giám đốc tự bỏ tiền túi lo. Họ đã nhiều lần thuyết phục lãnh đạo xã Kim Chung hỗ trợ thêm cho bảo tàng, nhưng chưa từng được đáp ứng.
Những năm qua, đã có nhiều doanh nghiệp tư vấn cách để bảo tàng thu hút được nhiều khách hơn. Đó là mở dịch vụ chụp ảnh lưu niệm, hoặc dịch vụ trải nghiệm kỹ thuật chụp ảnh và rửa ảnh của người Lai Xá xưa để vừa giúp bảo tàng có thêm nguồn thu, tiến tới bán vé, vừa tạo thêm việc làm cho người dân trong làng. Nhưng khi động tới câu hỏi “tiền đâu”, thì mọi thứ lại đi vào ngõ cụt.
“Mấy anh em chúng tôi người trẻ thì gần 60, người già thì hơn 80 tuổi rồi, không còn nhiều sức lực nữa. Nhờ lớp trẻ hơn tiếp quản bảo tàng thì chẳng ai chịu làm. Người thì nói không có thời gian, người thì bảo không có chuyên môn về bảo tàng... Xin xã, huyện hỗ trợ cũng không được, vì có quen vị lãnh đạo nào đâu. Thế nên chúng tôi đành cố gắng cầm cự qua ngày để nuôi bảo tàng…”, ông Thắng trầm ngâm.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, người góp công chính trong việc xây dựng nên Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, lý do chính khiến bảo tàng không có khách là bởi thôn Lai Xá chưa được coi là một điểm đến du lịch. Có người cho rằng phát triển du lịch bảo tàng tại thôn Lai Xá là chưa cần thiết.
Người dân là hiện vật quý giá nhất
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, để bảo tồn và phát huy được nghề nhiếp ảnh Lai Xá, đầu tư vào thế hệ trẻ vẫn là điều cốt lõi nhất. Nên khởi đầu từ các trường học tại thôn bằng việc giáo dục về nhiếp ảnh cho học sinh. Người trẻ ở Lai Xá vẫn yêu thích chụp ảnh, nhưng chỉ chụp chơi vì không được đào tạo bài bản. Không chỉ vậy, rất cần có thêm những câu lạc bộ (CLB) nhiếp ảnh cho người trẻ, hoạt động xung quanh Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá để tạo nên một cộng đồng vững chắc và có chiều sâu. Trên thế giới, mô hình các CLB nghệ thuật hoạt động xung quanh bảo tàng đã phổ biến từ lâu.
“Thôn Lai Xá hiện giờ vẫn còn những người giỏi, yêu nghề, hoàn toàn có thể đứng lớp giảng dạy về nhiếp ảnh cho người trẻ, nhưng họ đang tập trung vào công việc riêng của mình quá” PGS Huy nói, “nếu lãnh đạo xã, thôn và các trường học có thể tạo điều kiện cho họ trở thành những giảng viên nhiếp ảnh thì quá hay, cần gì phải tìm kiếm đâu xa...”.
Nhưng để có nguồn kinh phí thực hiện những ý tưởng trên, xã phải được giải bài toán về du lịch cho Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá trước. Theo PGS Huy, lãnh đạo bảo tàng cần phải thay đổi cách tiếp cận: Coi người dân Lai Xá là hiện vật quý giá nhất thay vì những chiếc máy ảnh, máy rọi, máy sấy ảnh, cuộn phim... đang được trưng bày ở bảo tàng. Nếu chỉ bám vào nghề nhiếp ảnh truyền thống đang mai một từng ngày, bảo tàng sẽ chết. Bảo tàng cần phải thở hơi thở của cuộc sống đương đại, cần phải đồng hành cùng người dân Lai Xá.