Cổ Loa nhận Bằng di tích Quốc gia đặc biệt

Đây là sự tôn vinh, đánh giá giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc nghệ thuật độc đáo, có một không hai của Khu di tích Cổ Loa.

Cổ Loa nhận Bằng di tích Quốc gia đặc biệt

> Xới lại chuyện nỏ thần và danh tướng Cao Lỗ
> Nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật dịp Tết

Đây là sự tôn vinh, đánh giá giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc nghệ thuật độc đáo, có một không hai của Khu di tích Cổ Loa.

Ảnh minh họa.

Ngày 14-2, trong không khí đón chào năm mới 2013, UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Đông Anh cùng toàn thể nhân dân xã Cổ Loa, huyện Đông Anh đã vui mừng dự lễ đón nhận Bằng Di tích quốc gia đặc biệt, Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ di tích Cổ Loa. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đại diện lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, các Bộ, ngành Trung ương, huyện Đông Anh, xã Cổ Loa và bà Katherine Muller Marin – Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam tham dự.

Ngày 27-9-2012, Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa cùng 10 di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh trong cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Đây là quyết định nhằm tôn vinh, đánh giá giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc nghệ thuật độc đáo, có một không hai của Khu di tích Cổ Loa nói riêng và những di tích lịch sử trong cả nước nói chung.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Việc công nhận Cổ Loa là di tích quốc gia đặc biệt không những khẳng định giá trị hào hùng của di tích lịch sử Cổ Loa mà còn khẳng định những giá trị văn hoá ở nơi đây… Có thể thấy Cổ Loa đã giữ vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử lập nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc ta. Lễ hội Cổ Loa hàng năm cho thấy sự gắn kết chặt chẽ của cộng đồng dân cư vùng thành Cổ Loa với vị vua đầu tiên người đã trở thành vị thần bảo trợ cho đời sống tinh thần cho muôn đời con cháu”.

Cổ Loa còn là một quần thể các công trình kiến trúc phong phú với toà thành cổ độc đáo có nhiều lớp thành uốn lượn, đây là toà thành cổ nhất lớn nhất ở Việt Nam và ở vùng Đông Nam Á thời cổ đại được nhận diện qua các di chỉ khảo cổ và vùng phụ cận. Sự phát hiện này đã chứng minh cho sự phát triển liên tục của dân cư thời Phùng Nguyên cho đến các đời sau mà đỉnh cao là văn hoá Đông Sơn, còn được gọi là Văn minh Sông Hồng.

Với việc công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, đã một lần nữa khẳng định giá trị quần thể di tích kinh thành Cổ Loa từ giá trị vật thể đến giá trị phi vật thể là di sản quý báu của quốc gia, phải được gìn giữ để mãi là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau.

Khu di tích Thành Cổ Loa được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia từ năm 1962. Thành Cổ Loa hiện đang lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa gắn với truyền thuyết An Dương Vương như đền thờ An Dương Vương, khu đình Ngự triều Di Qui, am thờ Mỵ Châu… và các di tích gắn với thời kỳ Ngô Quyền.

Được biết, trong thời gian tới, khu di tích Cổ Loa sẽ được xây dựng thành “Công viên Lịch sử – Sinh thái – Nhân văn” của Thủ đô Hà Nội với với quy mô khoảng 860 ha.

Theo Quang Hùng
VOV

Theo Đăng lại