Có khả năng hình thành bão trên biển Đông

TP - Ngày 1/7, Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai có công điện yêu cầu các tỉnh miền Bắc, miền Trung (từ Quảng Ngãi trở ra) và các bộ ngành khẩn trương ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão trên biển Đông.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều qua (1/7), vùng áp thấp trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành ATNĐ. Đến 15 giờ hôm nay (2/7), ATNĐ cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 80km về phía Đông, sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới phía Bắc vĩ tuyến 17, phía Đông kinh tuyến 110.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 13km/h và khả năng mạnh lên thành bão. Khoảng 15 giờ ngày 3/7, bão nằm ngay trên khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ, sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 11.

Theo cơ quan dự báo, việc hình thành, phát triển ngay trên biển Đông trong thời gian ngắn, kết hợp với yếu tố nhiệt độ bề mặt nước biển cao, tương tác với các hệ thống thời tiết ở lục địa nên diễn biến của ATNĐ có khả năng mạnh thành bão sẽ rất phức tạp. Bão khả năng di chuyển về phía đất liền và ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc bộ, Bắc Trung bộ trong các ngày 3-4/7 tới.

Từ đêm 2-4/7, do ảnh hưởng ATNĐ/bão, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 100-250mm/đợt). Vùng núi phía Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt). Các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to (lượng mưa phổ biến 50-100mm/đợt).

Đáng lưu ý, sau thời gian dài nắng nóng, cháy rừng ở khu vực Bắc Trung bộ, bề mặt thảm phủ bị suy giảm, mưa lớn trên diện rộng gây nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ do nghẽn dòng, lũ bùn và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.

Trước tình hình trên, rút kinh nghiệm bão số 1 năm 2016 gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống lưới điện và sản xuất nông nghiệp ở Bắc bộ, Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương ven biển thông báo cho tàu thuyền di chuyển thoát khỏi vực nguy hiểm.

Cùng đó, quản lý chặt chẽ việc tàu thuyền ra khơi, kể cả tàu vận tải, tàu du lịch, các lồng bè nuôi trồng thủy…; kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo. Tùy theo diễn biến ATNĐ, các địa phương chủ động cấm biển.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.