Cố hương

0:00 / 0:00
0:00
TP - Lần thứ hai trong lịch sử Thế vận hội kể từ 2016, lá cờ Olympic thay mặt cho quốc kỳ được rước bởi một đoàn thể thao không thuộc về một quốc gia nào cả, tại Olympic Tokyo 2020 đang diễn ra. Đó là 29 VĐV trong một tập thể được chính thức gọi là "Đoàn thể thao người tị nạn".

Những lực sĩ tị nạn ấy đến từ Syria, Nam Sudan, Venezuela, Iran, Afghanistan, CHDC Congo, Cameroon, Eritrea.,…mà nhiều nơi trong số này đang xảy ra xung đột hoặc nội chiến khiến việc trở về của họ sẽ trở nên quá nguy hiểm.

Lần đầu tiên, khẩu hiệu truyền thống của Olympic có từ năm 1894 "Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn", đến kỳ này được thêm hai chữ "cùng nhau". Đại dịch thế kỷ đã và đang khiến nhiều thứ sẽ được ghi vào lịch sử.

Vậy là từ sáng nay ngày 1/8, dòng người ly loạn bằng mọi cách chạy về quê tránh dịch trải dọc thiên lý bắc nam những ngày qua sẽ dừng lại. Theo công lệnh khẩn của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, người dân ở TPHCM và các tỉnh phía Nam ngoài việc "ai ở đâu ở đấy", thì chính quyền phải có nghĩa vụ "tổ chức hỗ trợ, cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ. Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc. Tổ chức hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân…". Sứ mệnh chính trị và lương tâm được trao trực tiếp cho chính quyền sở tại và lãnh đạo các địa phương có công dân của mình đang "mắc kẹt" nơi tâm dịch.

Em bé 9 ngày tuổi người dân tộc ở miền núi Tương Dương Nghệ An vừa theo bố mẹ chạy xe máy hàng ngàn cây số nắng mưa từ Bình Dương về quê tránh dịch. Khi bố mẹ di cư vào Nam hòng thoát khỏi cảnh khó nghèo, em bé đang còn ở thế giới nào xa lắm. Còn giờ đây đã đến thế giới loài người, chỉ với hơn một tuần tuổi, chưa kịp nhận biết món đồ chơi đầu tiên trong đời, em đã phải vào cuộc hành hương vạn dặm.

Hàng triệu con người trên thế giới này buộc phải xa cố hương trong những tình thế khác nhau. Những vận động viên tị nạn, và dòng người di cư tìm đất lành mưu sinh, dù khác nhau về tính chất, nhưng cùng thân phận ly hương. Cùng nỗi niềm cố hương, dù lúc gặt hái vinh quang, hay rơi vào cay đắng. Là quê hương chứ không phải ngôi nhà hiện hữu. Nói như một bác sĩ kiêm thi nhân người Mỹ, ngôi nhà là đôi chân mà con người có thể rời đi, nhưng quê nhà mới là trái tim vĩnh cửu của chúng ta. Huống gì với em bé 9 ngày tuổi tha hương kia, và với bố mẹ em, với ngàn vạn người đồng cảnh, một mái nhà yên ổn vẫn đang ở thế giới nào xa lắm.

Dòng người hồi hương trong đại dịch sẽ dừng lại. Đồng nghĩa với trách nhiệm và lương tâm sẽ càng nặng nề hơn với lãnh đạo các địa phương, những người được mệnh danh là công bộc của dân.

Lịch sử sẽ không quên từng thời khắc, những ngày này.

MỚI - NÓNG