Cơ hội tăng tốc xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ

Cơ hội tăng tốc xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ
TP - Việc Bộ Thương mại Mỹ ngày 21/11/2008 tuyên bố không đủ bằng chứng để tiến hành điều tra chống bán phá giá hàng dệt may của Việt Nam chắc chắn sẽ mở ra  cơ hội mới cho ngành dệt may nước ta.
Cơ hội tăng tốc xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ ảnh 1
Một lượng lớn lao động trẻ được ngành dệt may giải quyết việc làm. Ảnh: N.P.C

Bà Nguyễn Thị Hồng Tín - Trưởng ban Nghiên cứu Xúc tiến Thị trường (Vinatex) cho rằng, trong vòng 5 năm trở lại đây, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ tăng đáng kể.

Mặc dù Chính phủ Mỹ liên tục thay đổi các chính sách thương mại đối với Việt Nam như ban hành quy chế quan hệ thương mại bình thường, áp dụng quota (hạn ngạch) nhập khẩu đối với một số loại sản phẩm... nhưng Việt Nam vẫn luôn tuân thủ những cam kết khi gia nhập WTO.

Thực tế, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng đều và thị phần hàng dệt may của Việt Nam  tại Mỹ cũng dần tăng qua các năm. Tuy nhiên, sản phẩm dệt may Việt Nam khi vào Mỹ vẫn còn nhiều nan giải và thách thức lớn. Thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng khoảng 55% tổng KNXK của Việt Nam và có tốc độ tăng trưởng đều hàng năm.

Tuy nhiên, tình hình tài chính và kinh tế Mỹ đang suy thoái, sức mua của người dân giảm trong đó tiêu dùng với hàng dệt may giảm đáng kể. Từ tháng 2/2009, hàng dệt may vào Mỹ khó khăn hơn, lý do là Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC) đã công bố với các doanh nghiệp dệt may tại TP Hồ Chí Minh về những quy định mới nhất về xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ.

Quốc hội Mỹ cũng vừa thông qua luật mới về an toàn sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ từ 14/8/2008. Luật này có nhiều quy định, các quy định có lộ trình hiệu lực khác nhau. Và tất cả các sản phẩm dệt may xuất khẩu vào Mỹ sẽ phải tuân thủ những quy định mới chính thức có hiệu lực từ tháng 2/2009.

Nhiều chuyên gia dệt may cho rằng, thời gian tới, để hàng dệt may tăng tốc xuất khẩu sang Mỹ, cần phải tạo thương hiệu cho sản phẩm dệt may Việt Nam và làm thế nào để giảm tỷ lệ gia công.

Theo ông Lê Quốc Ân - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thương hiệu liên quan sự sống còn của doanh nghiệp. Phát triển thương hiệu là việc phải làm của lãnh đạo doanh nghiệp.

Lãnh đạo doanh nghiệp cần phải xây dựng chính sách phát triển thương hiệu có mục tiêu rõ ràng (lựa chọn đối tượng khách hàng, phân khúc thị trường); cần phải gắn liền thương hiệu doanh nghiệp với thương hiệu của các tổ chức (hiệp hội, tập đoàn)...

Các doanh nghiệp cũng cần phải đột phá khâu thiết kế kết hợp với xây dựng thương hiệu. Đây là hai biện pháp hữu hiệu để giảm tỷ lệ gia công hàng dệt may. Ngoài ra, để gia tăng sản phẩm dệt may xuất khẩu sang Mỹ, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn cần phải chủ động tìm kiếm các nguồn nguyên-phụ liệu trong nước để góp phần giảm tỷ lệ gia công cho ngành dệt may.

Nếu làm tốt công tác xây dựng thương hiệu và hạn chế tỷ lệ gia công, chắc chắn trong thời gian tới, xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ sẽ có bước đột phá.

MỚI - NÓNG