Cơ hội sắp vụt qua tay

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TP - Với tác động cộng hưởng của những nỗ lực cải cách và mở cửa, Việt Nam đã mang lại niềm tin mới cho cộng đồng doanh nghiệp và diện mạo mới cho môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhưng vẫn còn đó nhiều vấn đề quan ngại từ thế giới và trong nước.

Ở trong nước, dù Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng trên thực tế không phải tất cả các bộ ngành, địa phương đều có hành động cụ thể và thực chất.

Điển hình là cải cách về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất - nhập khẩu, dù các bộ ngành có làm, nhưng sau 3 năm thực hiện vẫn còn xa kỳ vọng. Số mặt hàng được loại khỏi diện kiểm tra chuyên ngành chưa tới 6% số đang kiểm tra. Cùng đó, vẫn còn 63/164 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành chưa được các bộ ngành ban hành chính thức, chưa chỉ rõ mã HS từng mặt hàng (chiếm tới 36% số danh mục). Thời gian cho kiểm tra chuyên ngành lên tới 76 giờ/thủ tục, cao gấp 3 lần bình quân các nước ASEAN-4.

Chính phủ yêu cầu tất cả các bộ ngành phải cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh, nhưng đến nay chỉ Bộ Công Thương trình Dự thảo Nghị định lên chính phủ, 4 bộ đang lấy ý kiến (NN&PTNT, Xây dựng, Tài chính, Y tế). Còn lại các bộ khác đang làm gì, làm tới giai đoạn nào, giải pháp cắt giảm có phù hợp không... doanh nghiệp không được biết, cũng không được tham gia ý kiến.

Hay, sau 4 năm thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, mới triển khai được 47/245 thủ tục cần triển khai (chiếm 19% tổng số thủ tục xuất - nhập khẩu). Trong số 47 thủ tục đã được thực hiện cơ chế liên thông 1 cửa, không ít thủ tục vẫn chưa điện tử hóa đồng bộ, nên gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Trước thực tế đó, cộng đồng doanh nghiệp hy vọng Chính phủ tiếp tục cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh. Đây là biện pháp chúng ta luôn có thể chủ động thực hiện, luôn khả thi và ít tốn kém, trong khi hiệu quả lại rất đáng kể. Tận dụng tối đa cơ hội từ việc rà soát chuẩn bị phê chuẩn và thực thi CPTPP, Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU để tạo ra đột phá trong cải cách toàn diện hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế theo các chuẩn mực mới. Qua đó cũng giúp xuất khẩu Việt Nam tìm được con đường riêng, ổn định trong bối cảnh thương mại thế giới diễn biến phức tạp.

Điều này đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực hơn để hướng dẫn, hỗ trợ và tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp. Trước hết, phải rà soát và loại bỏ ngay các bất cập trong thực tiễn đang cản trở doanh nghiệp, tận dụng các ưu đãi mở ra từ các FTA. Đặc biệt, phải cải cách nhanh hơn các thủ tục hành chính liên quan đến xuất - nhập khẩu như đã đề cập, đó là yêu cầu rất cấp bách.

MỚI - NÓNG