Cơ hội mới cho chung cư cũ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chiều 23/9, HĐND Thành phố Hà Nội thông qua Đề án về cải tạo chung cư cũ với lộ trình, giải pháp khá cụ thể. UBND thành phố cho biết sẽ lựa chọn triển khai ban đầu 10 khu chung cư cũ giai đoạn 2021 – 2025.

Trong đó lựa chọn 6 khu có tính khả thi cao như Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân… và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D gồm Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp; đôn đốc 14 dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư đang triển khai; rà soát bổ sung triển khai đối với nhà chung cư đơn lẻ cấp D...

Thực ra, cách đây hàng chục năm trước, Hà Nội cũng đã khá nhộn nhịp với thông tin cải tạo chung cư cũ. Thành phố cũng đã đưa ra kế hoạch đầy tham vọng. Nhiều nhà đầu tư lao vào nghiên cứu, lập quy hoạch, khảo sát, làm việc với các hộ dân…nhưng rồi hầu hết đều ôm đầu máu bỏ chạy lấy người do vướng mắc về quy định chính sách chậm được tháo gỡ, sự quan liêu của chính quyền và cán bộ có trách nhiệm, quyền lợi của các bên chưa thực sự được quan tâm, nhất là với nhà đầu tư.

Dự án cải tạo thí điểm chung cư cũ Nguyễn Công Trứ vật vã nhiều năm mới xong được tòa căn hộ đầu tiên và dậm chân nằm chờ đủ thứ về quy hoạch, cơ chế chính sách. Chủ đầu tư nhà B4-B14 Kim Liên thì khốn khổ với giải phóng mặt bằng khi số hộ dân cơi nới lấn chiếm phát sinh quá nhiều đòi hỏi quyền lợi, “đánh đu” với doanh nghiệp. Dự án cải tạo B6 Giảng Võ rơi vào cảnh “người dân bị bắt làm con tin” khi nhà đầu tư năm lần bảy lượt xin điều chỉnh quy hoạch cục bộ chiều cao tầng. Do vướng mắc kéo dài, không ít người dân nhà B6 Giảng Võ sau khi nghỉ hưu đã chết tại nơi tạm cư mà chưa biết hình hài căn nhà tương lai ra sao!

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng nhấn mạnh, Hà Nội những năm qua mới tập trung vào xây dựng các khu đô thị mới mà chưa thực sự quan tâm tái thiết đô thị cũ. “Nhiều khu chung cư cũ đã xuống cấp nguy hiểm. Nếu đổ sập xuống thì hậu quả không lường hết được. Trách nhiệm đầu tiên chính là của chính quyền thành phố”, ông Chiến nói. Vấn đề đặt ra theo ông Đỗ Viết Chiến, nếu thiếu tiền thì Hà Nội phải có cơ chế đủ mạnh, đủ hấp dẫn nhà đầu tư, đảm bảo quyền lợi của người dân thì vướng mắc trong cải tạo chung cư mới được tháo gỡ.

Hy vọng với Đề án vừa được phê duyệt, cơ hội mới sẽ đến với hàng vạn người dân đang sống chật hẹp trong gần 2000 tòa chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn thành phố.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.