Tham gia Diễn đàn này là khoảng 80 cơ sở đào tạo đại học trong và ngoài nước và sự tham gia của một số đại sứ quán và cơ quan chính phủ quốc tế. Tại Diễn đàn này, các bên sẽ chia sẻ, báo cáo một số kinh nghiệm phục vụ cho quá trình hội nhập quốc tế của các cơ sở đào tạo đại học châu Âu cũng như của Việt Nam.
Đồng thời kêu gọi và thúc đẩy xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực giáo dục trong bối cảnh nguồn vốn vay ODA sẽ chấm dứt vào năm 2018, và các viện trợ song phương cũng như nguồn học bổng của Chính phủ các nước cấp ngày càng hạn hẹp.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, các nước Châu Âu nhiều năm qua đã cấp học bổng cho công dân Việt Nam đi du học sau đại học. Chính phủ Việt Nam cũng gửi nghiên cứu sinh Việt Nam sang học bằng nguồn học bổng của Chính phủ Việt Nam như các đề án 322, 911 và 599.
Tuy nhiên, thứ trưởng Ga cho rằng, sự hợp tác giữa Việt Nam và các nước Châu Âu còn khiêm tốn so với tiềm năng của cả 2 bên, các trường đại học Việt Nam, sinh viên Việt Nam chưa có nhiều thông tin về hệ thống các trường đại học của các nước Châu Âu.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định diễn đàn hôm nay và triển lãm giáo dục tổ chức ngày mai (4/11) tại ĐH Bách khoa Hà Nội là một cố gắng của Bộ GD&ĐT Việt Nam nhằm tạo cơ hội cho các trường, các nhà quản lý giáo dục, giảng viên và các nhà khoa học kết nối với nhau, chi sẻ kinh nghiệm về quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, thăm dò các cơ hội hợp tác song phương và đa phương để phát triển các chương trình liên kết đào tạo, các dự án hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi giảng viên, sinh viên và nghiên cứu viên khoa học, trao đổi giảng viên, sinh viên và nghiên cứu viên, trao đổi học bổng và tiến tới ký kết các văn bản thỏa thuận hợp tác.
Cũng tại diễn đàn, trong phần nội dung cơ hội hợp tác khác, bà Zenda Tan – Giám đốc kinh doanh ICDL Châu Á chỉ ra rằng nhiều người tự cho mình đã có đủ các kỹ năng kỹ thuật số cần thiết cho công việc cũng như cuộc sống. “Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rất nhiều người hiện nay không có đủ kỹ năng công nghệ thông tin để làm việc hiệu quả. Họ phải tốn rất nhiều thời gian để để giải quyết các vấn đề về máy tính do thiếu hụt các kỹ năng căn bản” – bà Zenda Tan khẳng định.
Thời gian qua, ICDL Việt Nam đã có nhiều hoạt động hợp tác với hơn 20 trường đại học, cao đẳng trên cả nước để đưa mô hình này vào triển khai. Phản hồi từ một số trường như Đại học Thái Nguyên cho thấy ICDL rất phù hợp để phổ biến thành chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin tại Việt Nam. Chứng chỉ này không chỉ đáp ứng các nhu cầu về tuyển dụng, làm viêc tại Việt Nam mà còn giúp người lao động dễ dàng thích nghi với môi trường việc làm quốc tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng kinh tế Asean, người lao động rất cần các chứng chỉ được công nhận ở cấp quốc tế để thuận tiện trong tìm kiếm việc làm.