Từ năm 2008-2010:

Cơ hội cho 90.000 người đi lao động tại Qatar

Cơ hội cho 90.000 người đi lao động tại Qatar
TP - Việc Chính phủ Qatar vừa đồng ý cho các DN trong nước nhận thêm 25.000 lao động VN và 3 năm tới sẽ đưa tổng số người lao động Việt Nam làm việc tại Qatar lên 100.000 người đang mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đưa lao động sang thị trường này.
Cơ hội cho 90.000 người đi lao động tại Qatar ảnh 1
Lao động Cty AIRSECO tại Qatar

PV Tiền phong vừa có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hòa - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.

Ông Hòa cho biết, Bộ LĐ-TB&XH vẫn xác định Trung Đông là thị trường giàu tiềm năng. Vấn đề là phải tìm ra cách làm mới để duy trì và phát triển thị trường này.

Hiện nay, nếu lao động có tay nghề sang Trung Đông làm việc thì sẽ đạt khoảng 500-700 USD.

Việc ký Hiệp định về hợp tác lao động giữa Chính phủ Việt Nam và Qatar liệu có tạo ra đột phá mới để phát triển thị trường này không, thưa ông?

Hiệp định sẽ tạo khung pháp lý đầy đủ và chặt chẽ để thực hiện hợp tác đưa lao động Việt Nam sang Qatar. Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động và Xã hội Nhà nước Qatar sẽ thành lập một ủy ban để phối hợp thực hiện các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện hiệp định.

Hiện nay, mới chỉ có 10.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Qatar, nhưng với việc ký kết hiệp định sẽ tạo ra bước phát triển mới trong lĩnh vực hợp tác về lao động và xã hội giữa hai nước.

Theo hiệp định, Chính phủ Qatar đồng ý cho doanh nghiệp trong nước nhận thêm 25.000 lao động Việt Nam và trong 3 năm tới sẽ nâng tổng số người lao động Việt Nam làm việc tại Qatar lên tới 100.000 người. Đây sẽ là cơ hội cho 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc tại Qatar trong thời gian tới.

Cơ hội cho 90.000 người đi lao động tại Qatar ảnh 2
Ngành xây dựng của Qatar đang thu hút nhiều lao động nước ngoài

Chúng ta cần phải làm gì để đáp ứng về số lượng và chất lượng lao động theo yêu cầu của phía bạn, thưa ông?

Bộ sẽ chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, tập trung làm mạnh hơn, bài bản hơn đối với thị trường Trung Đông. Cụ thể, người lao động trước khi sang Trung Đông làm việc dứt khoát phải được đào tạo nghề.

Đây là vấn đề then chốt và rất mừng là nhiều doanh nghiệp hiện đã nhận thức được việc này. Doanh nghiệp nào đã có trường thì tập trung đào tạo nghề cho người lao động; doanh nghiệp chưa có trường thì phải liên kết để đào tạo về nghề, ngoại ngữ và nâng cao ý thức cho người lao động.

Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp tập trung khai thác các hợp đồng nhận lao động có tay nghề cao, thu nhập khá và tổ chức tốt công tác quản lý, bảo vệ quyền lợi người lao động. Yêu cầu các doanh nghiệp phải thành lập ngay văn phòng đại diện khi Việt Nam mở Đại sứ quán tại Qatar.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phải chú ý đến việc khai thác nguồn lao động. Đây là trở ngại lớn nhất trong việc đẩy mạnh XKLĐ sang các thị trường nói chung và Qatar nói riêng.

Hơn nữa, tình hình đưa lao động đi trong năm 2007 cho thấy, thị trường hiện nay đang có bước chuyển biến rõ rệt sang nhu cầu nhận lao động có tay nghề và tay nghề cao. Vì thế, các doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động đi làm việc tại Qatar phải chú ý đến xu hướng này.

Cảm ơn ông! 

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Tổng GĐ Cty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC): Phải nghiêm khắc hơn với NLĐ

Đối với một đất nước đạo Hồi như Qatar thì rất hà khắc đối với những hành vi như: uống rượu, đánh nhau, trộm cắp... Đây là những hành vi mà người lao động Việt Nam thường mắc phải trong quá trình làm việc tại Qatar.

Uống rượu như là thói quen của người lao động Việt Nam, nhất là đối với những lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng. Vì thế, trong con mắt của một số chủ sử dụng lao động Qatar hình ảnh lao động Việt Nam không tốt bằng lao động một số nước khác.

Thời gian qua, uy tín của người lao động Việt Nam bị giảm sút cũng chỉ vì những thói quen xấu. Vì thế, để tiếp tục giữ vững và đưa thêm nhiều lao động sang Qatar, việc cần phải làm là phải thông tin đầy đủ cho người lao động về con người, văn hóa, phong tục, tập quán ở Qatar.

Trong quá trình đào tạo, doanh nghiệp phải chú trọng vào việc nâng cao ý thức cho người lao động. Tuyệt đối không tuyển những lao động có các hành vi và thói quen xấu như: ăn trộm, ăn cắp, cờ bạc, rượu chè, hay gây gổ đánh nhau.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải cử cán bộ sang Qatar để quản lý người lao động và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh. Sẽ trục xuất về nước đối với những lao động có hành vi như kể trên.

Ông Nguyễn Thanh Minh - Giám đốc Cty Vinamex: Bắt buộc 100% đối tác phải phỏng vấn NLĐ trực tiếp tại VN

Để thẩm định được hợp đồng, tốt nhất là doanh nghiệp phải làm việc trực tiếp với chủ sử dụng lao động Qatar. Trường hợp thông qua môi giới thì đối tác đó phải được phía Qatar cho phép. Ngoài ra, doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mức lương như đã ký với NLĐ, để khi NLĐ sang Qatar làm việc sẽ được hưởng đúng mức lương đó.

Tránh tình trạng doanh nghiệp đưa mức lương cao hơn so với mức thực tế mà NLĐ nhận được tại Qatar. Một vấn đề quan trọng nữa là phải bắt buộc 100% đối tác trực tiếp sử dụng lao động tại Qatar phải sang phỏng vấn thi tay nghề tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mân - Trưởng Văn phòng phía Bắc Trung tâm dịch vụ và cung ứng lao động OSC: Nên đào tạo tập trung

Để giữ vững và phát triển thị trường Qatar, dứt khoát các doanh nghiệp phải đào tạo tập trung. Doanh nghiệp phải có đầy đủ các mô hình, dụng cụ, thiết bị phù hợp với các công trình (xây dựng) tầm cỡ mà người lao động Việt Nam đang tham gia làm việc tại Qatar.

Bên cạnh đó, cần phải chú trọng đào tạo ngoại ngữ gắn liền với các nghề mà NLĐ làm việc tại Qatar. Trong quá trình đào tạo, doanh nghiệp chú ý nâng cao ý thức cho NLĐ. Nếu phát hiện những lao động nào có thói quen xấu, hay vi phạm các nội quy của đạo Hồi sẽ kiên quyết gửi trả về gia đình và địa phương.

Bộ LĐ-TB&XH nên đưa ra các tiêu chí và chọn những doanh nghiệp đã có kinh nghiệm và uy tín đối với thị trường Qatar để lấy lại uy tín cho lao động Việt Nam tại thị trường này.

Tuyệt đối không chạy theo số lượng như những năm trước để rồi bị hạn chế visa như thời gian vừa qua. Cơ quan quản lý nhà nước nên  giám sát cụ thể từng doanh nghiệp theo các tiêu chí đã được đề ra.

Phong Cầm
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.