“Giải mã” thất bại của đội tuyển Việt Nam

Có hay không những “vết nứt” trong đội tuyển?

Có hay không những “vết nứt” trong đội tuyển?
TP - Thất bại của đội tuyển Việt Nam tại lượt đi AFF Cup trên SVĐ Mỹ Đình không đơn giản chỉ là sự thất bại trong khuôn khổ một trận đấu.
Có hay không những “vết nứt” trong đội tuyển? ảnh 1

Đó là hệ quả của một quá trình và với những người có thời gian theo dõi đội tuyển một cách liên tục, họ nhìn ra bên trong cái vẻ yên lành của đội tuyển lại là những nết nứt.

Phân cấp ở đội tuyển

Với những gì mà HLV A.Riedl đã thể hiện trong các lần cầm quân trước đây, bản thân các cầu thủ trong đội tuyển thừa hiểu rằng: Dù bản danh sách đăng ký có là 20 hay 25 cầu thủ đi chăng nữa thì HLV A.Riedl cũng chỉ dùng chủ yếu khoảng 13 hay 14 cầu thủ, không hơn.

Họ là những quân bài trụ cột mà chỉ có những lý do bất khả kháng như chấn thương, đau ốm của họ hoặc ở những trận đấu quá dễ dàng, A.Riedl mới đưa các cầu thủ dự bị vào sân.

Nói A.Riedl không tạo điều kiện cho các cầu thủ dự bị thì không đúng nhưng đôi khi tất cả chỉ dừng lại ở cái gọi là tạo điều kiện chứ không làm cho các cầu thủ dự bị phát huy hết khả năng của mình.

>> “Giải mã” thất bại của đội tuyển Việt Nam

>> Những hạn chế của A.Riedl

Ở đội tuyển, sự phân cấp khá rạch ròi: Nhóm đá chính gồm 11 cầu thủ trụ cột cộng 2 hay 3 người thường xuyên vào sân từ băng ghế dự bị và nhóm thứ hai là những cầu thủ dự bị… chuyên nghiệp.

Ngay tại vòng bảng AFF Cup, nhóm dự bị “chuyên nghiệp” gồm những cầu thủ như thủ môn Hồng Sơn, Thế Anh, trung vệ Minh Đức, Mạnh Dũng, tiền vệ Đức Dương, Minh Chuyên, Hữu Thắng, Vũ Phong, tiền đạo Phương Nam và tiền đạo Đặng Văn Thành.

Nhiều người trong số đó an phận với cái ghế dự bị của mình mà chẳng buồn cố gắng, bởi có cố gắng, thậm chí có thể hay hơn cả những đồng đội cùng vị trí được A.Riedl ưu ái cho đá chính nhưng khả năng ra sân là rất thấp.

Ý kiến bạn đọc

lVới tư cách là những người hâm mộ bóng đá Việt Nam, chúng tôi thất vọng về đội tuyển Việt Nam một nhưng lại thất vọng về VFF gấp mười lần.

VFF có cả một Hội đồng HLV quốc gia song dường như không thấy Hội đồng này làm gì, góp ý gì cho HLV A.Riedl về chuyên môn, hay phải chăng VFF đã khoán trắng thành tích của đội tuyển cho ông Riedl?

Ông Riedl còn là Giám đốc kỹ thuật của VFF nhưng chúng tôi thấy ông Riedl chẳng làm công việc gì của một Giám đốc kỹ thuật cả. (giangcm...@yahoo.com)

lTôi thấy đội tuyển Việt Nam tập trung và thi đấu liên tiếp suốt từ tháng 8/2006 đến nay là một khoảng thời gian quá dài.

Thật tình, là người hâm mộ được xem đội tuyển thi đấu thì cũng thích nhưng để các cầu thủ thi đấu tới 5 giải (Cúp Thủ đô, Agribank Cup, Cúp Bách Việt, ASIAD 15 và King’s Cup) trước khi bước vào AFF Cup, không hiểu VFF có tính toán tới điểm rơi cho các cầu thủ?

Chưa kể sức ép phải vô địch mọi giải đấu thì đến Mourinho cũng bó tay chứ đừng nói đến Riedl. (lanmanh_ng...@yahoo.com)

Sự ưu ái của A.Riedl dành cho các vị trí chính thức vô tình đã tạo ra những lằn ranh trong nội bộ đội tuyển, bởi vậy không có gì khó hiểu khi một số cầu thủ thường bị chính các đồng đội mình gọi là “con của A.Riedl”.

Tắt động lực thi đấu

Đã có lần A.Riedl được hỏi về việc tại sao lại dùng quá ít những cầu thủ dự bị, ông thầy người Áo này nói rằng: “Tôi muốn tạo ra sự ổn định trong đội bóng”. Nhưng để có được sự ổn định về con người, A.Riedl đã làm mất dần sự ổn định của từng cá nhân cầu thủ.

Với những cầu thủ thường xuyên đá chính thì họ coi như đã có một chỗ trên sân, thậm chí chỉ thi đấu với 70-80% phong độ nhưng vẫn được tin dùng kiểu như Công Vinh sau chấn thương, như Huy Hoàng ở trận lượt đi bán kết, của Hồng Minh… Có những ý nghĩ len lỏi rằng không cần cố gắng nhiều vẫn có suất đã chính và điều đó là sự thật.

Ngược lại, những cầu thủ dự bị cũng bị tắt động lực thi đấu bởi họ biết có cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa cũng không vươn được qua sự cứng nhắc của HLV trưởng.

Khi đội tuyển sang tới Singapore, dư luận trong nước rất bất ngờ trước chấn thương của tiền đạo Anh Đức. Anh Đức từng là cầu thủ “son” của A.Riedl tại các giải đấu nhỏ như Capital Cup hay một số trận đấu tập huấn nhưng chừng đó chưa đủ để Anh Đức “qua mặt” Thanh Bình - cầu thủ bỗng nhiên “vụt sáng” với hattrick vào lưới… Banglades tại ASIAD 15 cho dù trước đó phong độ của Bình khá kém.

Đã có các phóng viên đặt câu hỏi rằng phải chăng Anh Đức cảm thấy những cố gắng của mình không được đền đáp xứng đáng và khả năng đá chính không cao nên chấp nhận ngồi ngoài đội tuyển?

Bản thân HLV Lê Thụy Hải cũng nói rằng: “Tôi không nghĩ Đức chấn thương, chắc chắn có một vấn đề gì khác nữa. Đức đã chơi rất tốt thời gian qua và tôi nghĩ anh ấy có vai trò quan trọng trong đội tuyển hiện nay”.

Một trường hợp khác như  Vũ Phong, cầu thủ này đã có phong độ rất tốt ở CLB nhưng khi lên đội tuyển thì không hiệu quả. Đơn giản vì A.Riedl chỉ đầu tư Vũ Phong ở cánh trái trong khi tại CLB Bình Dương, cầu thủ này chơi rất hay trong vị trí hậu vệ và tiền vệ phải.

Và cả Minh Chuyên - một cầu thủ từng được A.Riedl khen nức nở ở Capital Cup hay Cúp Bách Việt đã không hề được tạo cơ hội ra sân tại vòng bảng cũng như trận lượt đi. Tại sao? Chỉ có A.Riedl mới biết.

Có hay không những “vết nứt” trong đội tuyển? ảnh 2
Đội hình chính thức mà Riedl lựa chọn ổn định tới mức HLV Thái Lan Chanvit thuộc lòng từng vị trí vì từ King’s Cup đến AFF Cup không có biến hóa nào

Ngược lại, những trường hợp được tin dùng một cách thái quá đã gây ra phản ứng ngược. Đó là trường hợp thủ môn Tô Vĩnh Lợi. Khi Lợi sai sót ở Agribank Cup thì lẽ ra A.Riedl cần tạo cho cầu thủ này một khoảng lặng và cần phải có một thủ môn khác thay thế.

Nhưng không, Tô Vĩnh Lợi vẫn buộc phải đứng dưới khung gỗ ở ASIAD 15 và lại mắc sai lầm. Cái cách làm ấy chỉ có hại cho cầu thủ và cựu thủ môn Dương Ngọc Hùng - thầy của Tô Vĩnh Lợi đã phải kêu lên rằng: “Có thể đội tuyển đã làm thui chột một tài năng”.

Những vết nứt vô hình đã tạo ra khoảng cách giữa những cầu thủ dự bị và chính thức và tai hại hơn là nó không khiến chúng ta mạnh hơn mà làm tắt động lực thi đấu cần thiết.

Đã có ai đặt ra vấn đề tại sao Công Vinh và Thanh Bình hầu như không phối hợp với nhau? Ngoài chuyên môn liệu có điều gì khiến hai chủ công “tắt điện thoại” để rồi tất cả các khán giả Việt Nam ngóng chờ nhưng chưa một lần thấy hai tiền đạo con cưng của A.Riedl cùng chung tiếng nói, tạo ra sức mạnh nơi hàng công?

Những vết nứt trong đội tuyển bóng đá Việt Nam, ngay cả người ngoài cũng đã nhìn ra nhưng tại sao BHL, đặc biệt là các trợ lý nội không lên tiếng. Phải chăng họ cũng phó mặc cho ông thầy ngoại?

Kỳ tới: Vai trò các trợ lý ở đâu?

MỚI - NÓNG