Cô giáo soạn giáo trình riêng cho từng học sinh

0:00 / 0:00
0:00
Cô giáo H’Khuyn bên học sinh của mình
Cô giáo H’Khuyn bên học sinh của mình
TP - Lớp có gần 30 học sinh, cô giáo H’Khuyn có chừng đó giáo trình áp dụng riêng cho từng em, không ai giống ai. Học sinh của cô H’Khuyn có biên độ tuổi tác cách nhau khá xa, người lớn nhất gần 30 tuổi, người nhỏ nhất mới 6 tuổi. Chúng chỉ giống nhau ở bất hạnh vì đều là nạn nhân của chất độc màu da cam/dioxin.

Duyên nợ của cô giáo người Jrai

Tính đến nay, H’Khuyn (32 tuổi, người Jrai ở làng Chuét 1, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) làm cô giáo của lớp học đặc biệt trong Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng bán trú cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Gia Lai đã gần 10 năm. H’Khuyn là giáo viên duy nhất ở đây, một mình đảm nhận rất nhiều vai trò: cô giáo, bảo mẫu, bác sĩ tâm lý, là mẹ, là chị... Bởi học sinh của H’Khuyn đều “có lớn mà chưa có khôn” nên việc chăm sóc, dạy dỗ khó khăn hơn nhiều so với những lớp “mẫu giáo” khác.

22 tuổi, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, H’Khuyn đã gắn bó với lớp học này. Khi đó, đứng trước hai lựa chọn: làm cô giáo mầm non tại một trường mầm non bình thường và làm “cô giáo đặc biệt” tại Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng bán trú cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, chị đã gần như không đắn đo chọn vế thứ hai.

“Lần đầu tiên trông thấy lũ trẻ mình rất sốc, có em còn cao hơn cả cô giáo nhưng mặt mũi ngây thơ như trẻ lên ba. Trong lớp đứa đứng đứa ngồi, đứa úp mặt vào góc tường chăn kiến, nhìn thương lắm. Tự nhiên cứ như có một duyên nợ gắn kết nào đó, mình quyết định ngay là sẽ làm việc ở đây dù trước mắt có rất nhiều khó khăn. Làm giáo viên mầm non lớp chỉ có ba chục học sinh cũng có hai cô giáo thay nhau, nhưng ở đây chỉ mình mình xoay sở. Nhưng mà rồi cũng quen, thậm chí mấy năm đi dạy còn chả dám ốm, mình ốm thì ai chăm tụi nó”, H’Khuyn chia sẻ.

Làm cô giáo của những học trò “không biết phân biệt đúng sai” quả thật rất khó. H’Khuyn bảo không phải không có lúc mệt mỏi, muốn đi, muốn đổi công việc, nhưng nghĩ kỹ lại thì vẫn không đành, thế là gắn bó đến giờ.

Học sinh lớn, lại không biết kiểm soát cảm xúc, nên cô giáo rất nhiều lần bị “ăn đòn”. Trên ngón trỏ của H’Khuyn còn hẳn một vết sẹo dài do bị học sinh cắn.

“Có những ngày trái gió trở trời, nhiều em bị đau đầu dữ dội, gào thét, cào cấu liên hồi, cắn xé quần áo rồi xông vào ôm cô mà cắn. Mình chỉ biết ôm chặt các bé trong lòng, mặc sức để cho chúng cấu vào tay mình. Cứ thế, cô khóc, trò gào, đến khi các bé dịu cơn đau mới thôi. Có lần, do không phản ứng kịp, mình bị cậu học trò lớn tuổi trong lớp cắn vào ngón tay rất sâu, không ngừng chảy máu, vết thương còn để lại sẹo đến giờ”, H’Khuyn kể.

Những giáo trình đặc biệt

Mỗi học sinh ở Trung tâm có một thể trạng và mức độ nhận thức khác nhau, không ai giống ai. Cô giáo H’Khuyn phải soạn riêng giáo án cho từng người để theo dõi tiến bộ của các em.

“Học sinh nào cũng phải nâng như trứng mỏng ấy. Có người hỏi mình, điều khó nhất khi làm giáo viên cho trẻ khuyết tật là gì, mình bảo, chỉ cần kiên nhẫn, kiên nhẫn nữa, kiên nhẫn mãi. Không được nổi nóng, không được sốt ruột, rồi dần dần mình cũng tìm ra cách để giao tiếp và dạy dỗ cho học trò”, cô giáo người Jrai cho biết.

Nhờ sự kiên nhẫn ấy của cô giáo H’Khuyn, nhiều học trò ở đây đã có những tiến bộ vượt bậc. Nói thêm là mức độ tiến bộ của học trò khuyết tật không giống tiêu chí bình thường: các em có thể tự mặc quần áo, tự đánh răng, tự xúc cơm, tự bê bát của mình ra chỗ rửa, tự xếp sách vở vào đúng chỗ... đã là những thành tích khiến cô giáo và phụ huynh vui cả tháng trời.

Phan Huyền Bảo Trâm, 15 tuổi nhưng bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh, lúc mới đến lớp lúc nào cũng chỉ ngồi co ro một góc, không giao tiếp, không để ý đến ai. Thế giới của Trâm chỉ có hai màu đen và xám, kể cả khi học bài tô màu lên hoa lá hay mặt trời. Suốt 7 năm, ngày ngày nhẫn nại chuyện trò, khuyến khích, cô giáo H’Khuyn đã biến Trâm thành một học sinh hay cười, thích đi học và thân thiện với mọi người.

Phan Vũ Quang Minh, thanh niên 16 tuổi cao lớn hơn cả cô giáo nhưng khi mới đến lớp Minh gần như không biết gì, nói không tròn câu. Nếu có ai hỏi đến hoặc trông thấy người lạ, Minh sẽ xấu hổ núp vào một chỗ. Đến nay, Minh bắt đầu biết hát, giọng còn bập bẹ nhưng Minh đã nhớ được cả một đoạn dài: “Mẹ của em ở trường/Là cô giáo mến thương/Cô yêu em vô hạn/Dạy dỗ em ngày tháng”.

Nhiều phụ huynh từ chỗ còn hoài nghi về khả năng sư phạm của cô giáo, dần dần đã an tâm khi gửi gắm đứa con thiệt thòi của mình cho H’Khuyn.

Bà Nguyễn Thị Ý Nguyệt (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) cho biết: “Tôi gửi con gái theo học cô H’Khuyn đã 9 năm nay. Mỗi cháu có một khuyết tật và đặc điểm riêng nên khi dạy dỗ, cô H’Khuyn lại áp dụng một giáo án và cách chăm sóc riêng. Gần gũi với nhau từ sáng đến tối nên con tôi và nhiều em ở đây đều xem cô H’Khuyn như người mẹ thứ hai của mình”.

Không chỉ dạy kỹ năng sống, dạy chữ hay đơn giản là dạy những cô cậu học trò đã 19-20 tuổi phân biệt màu sắc, H’Khuyn còn phải làm chị, làm mẹ chăm sóc các em từ miếng ăn, giấc ngủ không khác gì chăm những đứa trẻ lên ba lên bốn. Nhiều em nóng không biết cởi áo ấm, lạnh không biết đắp thêm chăn, H’Khuyn đều phải cầm tay chỉ việc, gần như ngày nào cũng lặp lại chừng đó động tác. Vất vả, chậm chạp là thế, nhưng chỉ cần Trâm biết thêm một màu mới, Tri nhớ thêm một chữ cái, Minh thuộc thêm được một câu hát... là cô H’Khuyn đã cảm thấy mọi cố gắng của mình đều không uổng phí.

MỚI - NÓNG