Khi còn là sinh viên Khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Diệp nhận kèm một trẻ tự kỷ. Năm 2003, cô về dạy tại Trường Tiểu học Tô Hiến Thành, được giao nhiệm vụ kèm một học sinh tự kỷ nặng. Em không thể ngồi tập trung học, không nghe lời cô. Vì thế, ngoài giờ học, cô dành thời gian để hướng dẫn em từng việc nhỏ, dần dần hướng em vào hoạt động học tập bình thường.
Cô nhớ mãi, học trò nhỏ mắc chứng tự kỷ và ung thư máu ở Trường Tiểu học Vĩnh Hưng. Ba năm liền cô đến nhà riêng dạy miễn phí cho học trò. Tình cảm cô trò gắn bó như ruột thịt, nhưng không may đến lớp 8, trò mất để lại trong cô khoảng trống và sự day dứt, thôi thúc cô phải trau dồi kiến thức, kỹ năng để dạy những đứa trẻ thiệt thòi.
Ngày thường đi dạy, cuối tuần cô đi học tại các lớp học, trung tâm hỗ trợ trẻ tự kỷ của các tổ chức phi chính phủ… Buổi tối, tham gia CLB cha mẹ trẻ tự kỷ để nghe phụ huynh chia sẻ về biểu hiện, hành vi của trẻ. “Khi nghe phụ huynh tâm sự, đa số họ bất lực, không biết phải làm thế nào với những đứa trẻ lên 5-6 vẫn chỉ nói được vài từ ú ớ, sẵn sàng nổi cơn điên lên…, tôi thương họ vô cùng nên lao vào đọc tài liệu và kiên nhẫn với từng con ở lớp”, cô Diệp nói.
Năm 2006, được biên chế về Trường Tiểu học Tân Mai, cô kiêm thêm dạy trẻ mắc chứng tăng động, tự kỷ. Có lớp có 1-2 bạn biểu hiện tự kỷ, tăng động, có lớp có 4-5 bạn.
Trương Thăng là học trò đồng hành lâu nhất với cô - 16 năm. Lớp 1, Thăng nói năng khó khăn, không muốn giao tiếp. Đều đặn mỗi ngày cô Diệp qua nhà dạy riêng cho em từng kỹ năng cơ bản, rèn cách phát âm. Đến nay, Thăng 22 tuổi, hằng tuần, cô Diệp vẫn đến nhà dạy Toán, Tiếng Việt. Thăng đã giải được các dạng Toán tiểu học và làm được việc nhà.
Làm phần mềm hỗ trợ trẻ
Sau nhiều năm gom nhặt kinh nghiệm và mày mò nghiên cứu, năm 2018-2019, cô Diệp thiết kế phần mềm hỗ trợ trẻ tự kỷ, tăng động, giảm tập trung học Toán, Tự nhiên xã hội lớp 1, 2, 3. Cô thiết kế bài học đơn giản, đưa nhiều hình ảnh, biểu tượng, sơ đồ tư duy giúp trẻ dễ tiếp thu.
Phần mềm cũng giúp phụ huynh cho con tự học tại nhà, tự rèn luyện, có góc tương tác với giáo viên. Sản phẩm được Sở GD&ĐT đánh giá sáng tạo, mới mẻ của khối tiểu học và dịp 20/11 năm nay, cô Diệp được UBND TP Hà Nội vinh danh, tặng danh hiệu “Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo”.
Khi trẻ làm được, cô giáo và các bạn khen ngợi, trẻ rất hào hứng để thực hiện các bài học khác. Nhờ đó, học sinh rút ngắn thời gian tiếp thu bài học.
Năm 2004, cô Diệp lập gia đình. Con đầu lòng được 4 tháng tuổi cô đã đi dạy, bất kể mưa hay nắng, cứ tan học ở trường cô lại cần mẫn đến nhà học sinh để kèm từng em học, ngày nào cũng 9 giờ tối mới về nhà. Chồng cô ban đầu khó chịu, muốn vợ dành thời gian cho con nhưng khi thấy nhiều phụ huynh đến nhà tâm sự, gửi gắm, anh hiểu và thông cảm hơn với công việc của vợ.