Có gì trong Ngày Học sinh sinh viên?

Có gì trong Ngày Học sinh sinh viên?
Ngày truyền thống học sinh - sinh viên năm 2013 tại TP.HCM được bắt đầu bằng lễ tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn tại chính nơi anh đã ngã xuống 63 năm trước, nay là công viên Bách Tùng Diệp (đường Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM).

Có gì trong Ngày Học sinh sinh viên?

> TP HCM: Tuyên dương 94 'Sinh viên 5 tốt'

Ngày truyền thống học sinh - sinh viên năm 2013 tại TP.HCM được bắt đầu bằng lễ tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn tại chính nơi anh đã ngã xuống 63 năm trước, nay là công viên Bách Tùng Diệp (đường Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM).

Bí thư Thành đoàn TP.HCM Lê Quốc Phong (bìa phải) chúc mừng nhóm tác giả đoạt giải nhất lĩnh vực giáo dục Euréka...
Bí thư Thành đoàn TP.HCM Lê Quốc Phong (bìa phải) chúc mừng nhóm tác giả đoạt giải nhất lĩnh vực giáo dục Euréka... .

Năm nay, ngoài Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, ngày HS-SV còn được đưa xuống từng cụm hoạt động tại nhiều trường ĐH, CĐ để đông đảo sinh viên được trải nghiệm một không gian ngày hội của riêng mình.

Khám phá bản thân

Tại Nhà văn hóa Thanh niên, hai sân chơi kỹ năng được mở ra ngay sau phần khai mạc triển lãm với nhiều hình ảnh hoạt động nổi bật của phong trào sinh viên học sinh TP, cùng những gương mặt điển hình sinh viên năm tốt, học sinh ba tích cực. Các bạn sinh viên rất hào hứng với bài nói chuyện về bảy thói quen của bạn trẻ thành đạt. Bạn Đức Ngân (ĐH Ngoại thương) chia sẻ: “Tôi thấy rất thú vị với bảy thói quen của bạn trẻ thành đạt. Bài nói chuyện đó giúp tôi nhận ra mình đã từng làm một số việc tương tự nhưng chưa quyết tâm và làm tới nơi tới chốn. Tôi sẽ bắt đầu lại dù có thể hơi muộn một chút nhưng sẽ quyết tâm hơn cho mục tiêu cuộc đời”.

Trong lúc đó, không gian của diễn đàn khơi dậy tiềm năng lại ngập trong cảm xúc khi diễn giả đưa sinh viên đi qua nhiều cung bậc khác nhau của cảm xúc với hiệu ứng âm nhạc. Bạn Thúy Hằng (ĐH Sài Gòn) tâm đắc: “Tôi thấy tự tin hơn rất nhiều vì soi vào những điều diễn giả vừa trình bày, tôi thấy mình có nhiều khát khao nhưng chưa nhận diện được rõ ràng từng thứ, cũng như chưa hoạch định cách chinh phục khát khao của mình. Và tôi phải thay đổi, không thể cứ nghĩ theo kiểu đến đâu hay đến đó như hiện tại nữa”.

Ngày hội cũng là dịp để nhiều sinh viên nhìn lại vai trò của mình trong nhiều mối tương quan khác. “Đôi khi do cuộc sống sinh viên vất vả nên mình quên rằng còn nhiều điều lớn hơn cần phải làm, phải biết san sẻ với cộng đồng và có trách nhiệm hơn trước nhiều vấn đề lớn trong xã hội. Tôi nghĩ ngày sinh viên đã giúp tôi nhìn lại vị trí của mình trong gia đình, với xã hội” - Văn Tuấn (ĐH Kinh tế TP.HCM) bộc bạch.

Phong phú sân chơi

Có đến năm cụm hoạt động với nhiều sân chơi để các sinh viên chọn lựa tham gia trong ngày sinh viên năm nay. Một số diễn đàn tại các trường đã trở thành nơi chia sẻ kinh nghiệm hoạt động hội, đặc biệt là nơi để các bạn “nói với nhau” cách nào để phấn đấu trở thành sinh viên 5 tốt, để những gương mặt nổi bật trò chuyện với bạn bè mình về hành trình chinh phục danh hiệu “sinh viên 5 tốt” (học tập tốt, đạo đức tốt, thể lực tốt, kỹ năng tốt, hội nhập tốt).

Không khí xuân rộn ràng trong khuôn viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM với những chậu mai, đào khoe sắc dưới bàn tay khéo léo của sinh viên. Nguyễn Thị Mai Ly (ĐH Công nghệ Sài Gòn) nói: “Những chậu hoa này sẽ tặng các bạn sinh viên nghèo về quê đón tết, mang theo bao nhiêu ước vọng của tụi mình, mong muốn các bạn đón một cái tết thật ấm áp”. Gần đó, nhiều bạn khác hí hoáy cắt, dán, vẽ những tấm thiệp xuân gửi tặng chiến sĩ Trường Sa. Theo mỗi cánh thiệp là những lời chúc tốt đẹp, là gửi gắm tin yêu từ đất liền đến đảo.

Sôi động nhất vẫn là khu sân chơi “Sinh viên khỏe” với hàng loạt trò chơi vận động tập thể: kéo co, xây tháp, chân rết... Ngoài ra, sân chơi Rung chuông vàng với nhiều câu hỏi về hoạt động phong trào, lịch sử hội cũng thử thách cân não với 90 gương mặt sinh viên ưu tú nhất của các trường trong TP. Cũng trong hôm qua, sáu nhóm sinh viên đại diện hàng trăm ngàn sinh viên TP đã đến hỏi thăm sức khỏe, tặng quà 23 ba má phong trào sinh viên học sinh Sài Gòn - Gia Định năm xưa - nghĩa cử tiếp nối truyền thống mà bao thế hệ sinh viên học sinh TP đã gầy dựng ngay từ trong chiến tranh đến nay.

Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Luật TP.HCM Trần Anh Tuấn cho rằng ngày hội không chỉ mở ra sân chơi, nơi gặp gỡ giao lưu, học tập mà còn là nơi để sinh viên TP cùng chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng. Các bạn đã đóng góp tại chỗ tiền mặt và tập vở để chuẩn bị làm quà tặng trẻ em nghèo tại mái ấm, nhà mở trong chiến dịch Xuân tình nguyện sắp tới.

Trao thưởng “Tài năng khoa học trẻ VN” 2012

Chuyển giao sáu đề tài Euréka 2012 vào thực tế

Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ VN” 2012 đã được trao cho 226 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên và 71 đề tài nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ các trường đại học, học viện cả nước vào sáng 5-1 tại Đồng Nai. Hội đồng đánh giá cho biết có nhiều công trình có thể ứng dụng, có ý nghĩa thực tiễn như đề tài “Phân tích đặc điểm phân tử các gen HA, NA và M của virút cúm gia cầm H5N1 lưu hành ở miền Bắc VN” của TS Nguyễn Nam Thắng (giảng viên ĐH Y Thái Bình).

Giải thưởng này được Bộ Giáo dục - đào tạo phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ, T.Ư Đoàn, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN tổ chức, được trao cho sinh viên mỗi năm/lần, giảng viên trẻ hai năm/lần. Thứ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Trần Quang Quý khẳng định giải thưởng là sự ghi nhận thành tích và khuyến khích lòng say mê nghiên cứu khoa học ở trường, viện, giúp sinh viên tự tin và khẳng định bản thân.

Chiều 5-1, Thành đoàn TP.HCM đã tổng kết và trao giải Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần 14-2012. Tám giải nhất, 10 giải nhì, 13 giải ba, 30 giải khuyến khích và 21 giải luận văn tốt nghiệp xuất sắc với tổng giải thưởng 271 triệu đồng đã được trao cho các tác giả. Trong đó, sáu đề tài có tính ứng dụng cao đã được chuyển giao để các đơn vị tiếp tục triển khai, ứng dụng thực tế.

Thạc sĩ Đoàn Kim Thành - giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) - cho biết không chỉ sáng tạo, có đầu tư mà nhiều đề tài dự thi năm nay mang tính nhân văn, thiết thực và khả năng ứng dụng thực tế cao như: “Xe di chuyển cho người khuyết tật tay” - sinh viên Đặng Thị Thu Hiền (ĐH Kiến trúc TP.HCM), “Tàu đệm khí” - nhóm tác giả ĐH Bách khoa TP.HCM, “Đĩa CD hỗ trợ giáo dục giới tính dành cho học sinh mù hoàn toàn từ 12-18 tuổi” - nhóm sinh viên ĐH Sư phạm TP.HCM...

50 “Học sinh 3 tích cực” năm học 2012 - 2013

Hội đồng bình chọn Thành đoàn TP.HCM đã bình xét và trao danh hiệu “Học sinh ba tích cực” cấp thành năm học 2012-2013 cho 50 học sinh từ 98 hồ sơ được các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên trong TP đề cử. Lễ tuyên dương và trao danh hiệu cho 50 bạn nói trên sẽ được diễn ra vào đúng Ngày truyền thống học sinh - sinh viên 9-1 sắp tới.

Để nhận được danh hiệu, các bạn phải đạt các tiêu chí: tích cực học tập; tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống và tích cực rèn luyện sức khỏe, tham gia hoạt động xã hội. Trong đó, học sinh có thái độ, động cơ học tập đúng đắn, trung thực trong thi cử, tích cực tham gia hoạt động sáng tạo, chủ động nắm bắt kiến thức; có việc làm cụ thể thực hiện cuộc vận động “Tuổi trẻ VN học và làm theo lời Bác”, chấp hành pháp luật, tác phong nghiêm túc, sống hiếu thảo, giao tiếp ứng xử văn minh, lễ phép với thầy cô; tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, tình nguyện, các hoạt động ngoại khóa, thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe...

Theo Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG