‘Cố gắng’ đừng ‘cố chấp’ với ‘cố đô’

‘Cố gắng’ đừng ‘cố chấp’ với ‘cố đô’
TP - Khi xem qua bộ sách hơn 2.700 trang này, với cách làm từ điển ngôn ngữ phái sinh, thì sẽ thấy “cố gắng”, “cố chấp”, “cố đô”… tuy cùng bắt đầu bằng “cố”, nhưng chúng không có gốc rễ với nhau, nên không thể xếp theo ABC đơn thuần.

Dựa theo cấu trúc nền tảng của cuốn Oxford Advanced Learner’s Dictionay, sau hơn 10 năm mày mò, với ban biên soạn trên 20 người, bộ Từ điển Việt - Anh (NXB Khoa học xã hội, 2011) mới ra mắt, với số từ được xem là nhiều nhất từ xưa đến nay. Trong lịch sử làm tự/từ điển Việt - Anh, Việt Nam có rất ít bộ từ điển đúng nghĩa, mà thường chắp vá theo kiểu lượm từ sẵn có rồi xếp ABC một cách tự động. Những bộ lớn như Từ điển Việt - Anh của Nguyễn Văn Tạo (2.000 trang, tháng 4/1975); Từ điển Việt - Anh của Bùi Phụng (xấp xỉ 320.000 từ, 2004) là một nền tảng đáng ghi nhận.

Ban biên soạn từ điển Gia Vũ, vì ra đời muộn hơn, với tài chính và nhân lực được quy động công phu, đã kế thừa, khắc phục các ưu/nhược, với mong muốn đạt đến một chuẩn mực mới. Cách thực hiện như sau, đầu tiên làm một quyển từ điển tiếng Việt, với các định nghĩa và phân loại từ rõ ràng, nhằm có được những từ vựng khả tín, sau đó mới tiến hành dịch sang tiếng Anh. Vốn tiếng Việt được gom góp từ hai nguồn chính: theo thứ tự chữ cái và theo khả năng tạo từ của hệ thống phái sinh. Riêng việc dịch ra tiếng Anh thì dựa vào nguyên tắc sinh ngữ và tương đương, nghĩa là không bám vào chữ, mà bám vào thực tế tư duy của mỗi nền văn hóa. Nhất là các từ, thành ngữ, tục ngữ… mang chứa tư duy đặc trưng của mỗi dân tộc, việc tìm nghĩa tương đương quan trọng hơn tìm từ vựng tương đương. Ví dụ “gần đất xa trời”, “cưới chạy tang”, “ăn cháo đái bát”, “đâm bị thóc chọc bị gạo”… trong tiếng Việt, dịch ra tiếng Anh, phải tìm nghĩa và tư duy tương đương, không thể dịch theo từ vựng.

Trở lại với từ “cố” ở trên, trong từ điển này, sẽ thấy có sự phân biệt rõ qua nhiều gốc nghĩa (từ nguyên) khác nhau. Ví dụ “cố” trong ông bà cố khác với “cố” trong: Cố đấm ăn xôi; cố nông; cố tổng thống; biến cố; gia cố; cầm cố; chiếu cố… Riêng các từ ghép phái sinh, có tính đột biến, đều được xét như những mục từ độc lập, không xếp vào minh họa cho từ gốc.

Cuối cùng, cũng từ hệ thống phái sinh này, người đọc có thể thấy từ điển không chỉ làm “nghĩa vụ” phiên dịch Việt – Anh, mà còn là công trình tập trung vào việc xây dựng “một đời sống khác” của tiếng Việt, với ngữ vựng phong phú, có bề sâu. Có tham vọng chuẩn hóa và trình bày một thứ tiếng Việt tường minh, dễ tiếp cận, nên không chỉ người nước ngoài, người muốn dịch Việt - Anh quan tâm, mà cả những ai yêu tiếng Việt cũng phải tham cứu. Làm từ điển Việt - Anh nhưng vẫn giữ được “trách nhiệm” tôn vinh tiếng Việt.

Từ điển Việt - Anh do nhóm Gia Vũ thực hiện được xem là cột mốc mới. Ban biên soạn này gồm: Nguyễn Lương Ngọc (chủ biên), Tô Vân Sơn, Vũ Đình Thân, Dương Ngọc Dũng, Nguyễn Thanh Chương, Phạm Vũ Lửa Hạ, Nguyễn Văn Liên, Trần Lương Ngọc, Jacqueline Volkaerct, James B.Nguyên, Tô Sơn Lâm, Yvonne Nguyễn, Vũ Thị Quế Hương, Tô Sơn Phong, Bùi Thức Phước, Nguyễn Tôn Nhan, Cung Tích Biền, Phạm Viêm Phương, Nguyễn Anh Vũ, Nguyễn Thành Nhân…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.