'Cô gái vàng' Nguyễn Thị Oanh: Vượt qua bạo bệnh chạy tới…vinh quang

Nguyễn Thị Oanh trên đường đua. Ảnh: P.T
Nguyễn Thị Oanh trên đường đua. Ảnh: P.T
TP - Nguyễn Thị Oanh là một trong những vận động viên giàu thành tích nhất SEA Games 30 với 3 tấm huy chương Vàng ở các cự ly khắc nghiệt nhất của điền kinh. Nghị lực phi thường của “cô gái Vàng” Thể thao Việt Nam đã mang lại nguồn cảm hứng cho tất cả những đồng đội, đồng nghiệp thi đấu tại kỳ đại hội trên đất Philippines.  

Gồng mình để lấy huy chương

Trong số các vận động viên thể thao thành tích cao tại SEA Games 30, Nguyễn Thị Oanh là tấm gương tiêu biểu nhất của nghị lực và “tinh thần Việt Nam”. Cô gái nhỏ nhắn chỉ cao 1m48 và nặng có 46 kg này đăng ký thi đấu 3 nội dung rất khó là 1.500m, 5.000m, 3.000m vượt chướng ngại vật - những nội dung được đánh giá là “khốc liệt” trên đường chạy thì vô địch cả ba. Cô thậm chí còn phá kỷ lục SEA Games ở nội dung thi cuối cùng, ở trạng thái “sức tàn lực kiệt”.

Thật khó để tưởng tượng rằng, một nữ vận động viên nhỏ bé, sáng chạy 5.000m về nhất, nghỉ vài tiếng lại chạy ở cự ly 3.000m vượt chướng ngại vật. Vừa cán đích, cô ngã lăn trên mặt đất, người co giật, mồ hôi vã như tắm. Khoảnh khắc xúc động này đã trở thành một trong những hình ảnh biểu tượng của thể thao Việt Nam ở kì đại hội trên đất Philippines.

Khi khoác lên mình cờ Tổ quốc, Oanh bật khóc nức nở vì hạnh phúc: “Tôi rất mệt. Mỗi giải đấu, tôi luôn phải gồng mình lên vì thường xuyên mất ngủ. Từ tháng 4 đến nay, tôi không biết mình phải gồng mình lên biết bao nhiêu lần nữa vì mục tiêu SEA Games 30. Ngay khi bước vào nội dung thứ 3, tôi gần như kiệt sức. Tôi không được nằm nghỉ phút nào sau khi thi nội dung 5.000m buổi sáng. Khi chuẩn bị thi đấu, tôi hít thở sâu, quên hết mệt mỏi phía sau, dành toàn lực cho nội dung cuối cùng”.

Nhìn Nguyễn Thị Oanh đứng lên bục nhận huy chương Vàng SEA Games 30, nhiều người nhớ đến hình ảnh của cô tại SEA Games 29 cách đây 2 năm ở Malaysia. Cũng tại nội dung chạy 5.000 m, chứng kiến Phạm Thị Huệ ngã gục sau vạch đích, Nguyễn Thị Oanh nhanh chóng tiến lại xốc đồng đội dậy thay vì ăn mừng chiến thắng. Những gì mà Nguyễn Thị Oanh và Phạm Thị Huệ đã thể hiện cho thấy những nỗ lực không biết mệt mỏi của các vận động viên để mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Bà Nguyễn Thị Hưởng (mẹ của Oanh) chia sẻ với báo chí: “Hôm Oanh thi đấu chúng tôi cũng nghỉ làm ở nhà để theo dõi con. Khi thấy con liên tục giành huy chương chúng tôi vui sướng, tự hào lắm, mọi người cũng gọi điện chúc mừng nhiều. Nhìn thấy con mệt ngã ra sân chạy, bậc làm cha làm mẹ ai mà không sót. Chúng tôi xem mà rớt nước mắt nhưng thấy con khoẻ lại ngay cũng mừng, chỉ biết động viên con cố gắng”.

Gia đình là điểm tựa vững chắc

Nguyễn Thị Oanh sinh năm 1996, trong gia đình có đến 8 chị em, bố mẹ làm nghề nông thiếu thốn đủ đường. Năm 15 tuổi, cô được gọi vào đội điền kinh Bắc Giang, thử sức ở nhiều nội dung để rồi quyết định gắn với cự ly 3.000 m vượt chướng ngại vật, phù hợp nhất nhưng cũng gian khổ nhất. Một năm sau, cô có tên trong đội tuyển trẻ quốc gia.

Oanh nhớ lại, đó là quãng thời gian mà cô không bao giờ quên với những buổi tập đến kiệt sức, không đi nổi, chẳng ăn được vì quá tải. Ông Nguyễn Văn Chuyền (bố của Oanh) chia sẻ ban đầu gia đình thương con, không muốn Oanh gắn với nghiệp thể thao, nhưng thấy con gái kiên trì và quyết tâm nên đành chiều lòng.

Ít ai ngờ tới rằng, để vươn tới đỉnh cao vinh quang như ngày hôm nay, Oanh từng suýt nhiều lần phải giã từ sự nghiệp. Cô từng bị loại khỏi đội năng khiếu vì thể hình hạn chế, không đủ chiều cao. Sau này khi lên tuyển, dù đã rất nỗ lực tập phát triển thể hình nhưng cô cũng chỉ cao chưa đến 1m50. Năm 2014 là năm sóng gió nhất trong sự nghiệp của Oanh, khi đang tập trung đội tuyển, cô không may mắc bệnh viêm cầu thận khiến cơ thể bị phù nề. Cô bị đội tuyển trả về, phải nhập viện điều trị kèm lời cảnh báo của bác sĩ “cấm tập luyện thể thao”. Nhiều tháng trời, Oanh phải chiến đấu với bệnh tật, mặt sưng phồng, cơ bắp bị teo đi và phải ăn uống kiêng khem. Khi sức khỏe ổn định, Oanh nỗ lực tập luyện trở lại với quyết tâm quay lại đường chạy. Chính khoảng thời gian đẫm mồ hôi, nước mắt đó đã đưa Oanh lên đỉnh vinh quang hôm nay.

Dù con đường đầy chông gai, nhưng Oanh may mắn có được điểm tựa vững chắc là gia đình tràn đầy yêu thương để cô vững bước đi tiếp. “Chúng tôi luôn động viên con trên con đường đã chọn. Với những thành tích con đạt được, chúng tôi không mong mỏi gì nhiều, chỉ biết động viên con cố gắng vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc”, bà Nguyễn Thị Hưởng tâm sự.

Giấc mơ Olympic

Sau những thành công trong năm 2019, Nguyễn Thị Oanh đã nhận được phần thưởng xứng đáng khi được bầu chọn là vận động viên tiêu biểu Việt Nam năm 2019. Cô vượt qua hai đối thủ nặng ký là kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên và Nguyễn Huy Hoàng để nhận danh hiệu cao quý này.

Mục tiêu tiếp theo mà Nguyễn Thị Oanh hướng tới là Olympic. “Tôi từng có vinh dự tham gia lễ xuất quân của đoàn thể thao Việt Nam dự ASIAD 2014 rồi… ở nhà. Đã được tranh tài ở Á vận hội và giờ đây, tôi lại mơ góp mặt tại Olympic. Tại sao không nhỉ sau biết bao cố gắng của bản thân, của thầy trò và của đội tuyển điền kinh Việt Nam?”, Oanh chia sẻ sau khi giành 3 huy chương Vàng SEA Games.

Hiện để trang trải cho cuộc sống và giúp đỡ gia đình, bên cạnh sự nghiệp VĐV đỉnh cao, Nguyễn Thị Oanh có thêm nghề bán hàng online. Cô kinh doanh quần áo và giày thể thao.

Trước thềm SEA Games, Oanh đã tạm ngừng bán hàng để tập trung toàn lực cho việc thi đấu 3 nội dung đăng ký. Cô gái vàng Thể thao Việt Nam cho biết, sẽ tiếp tục tập trung vào mục tiêu Olympic bởi với cô thể thao mới là đam mê và quan trọng nhất.

Để có được thành tích hôm nay, Nguyễn Thị Oanh đã phải chiến đấu với bệnh tật một thời gian dài. Nghị lực phi thường của cô gái sinh ra tại Bắc Giang đã mang lại nguồn cảm hứng cho tất cả những đồng đội, đồng nghiệp thi đấu tại SEA Games 30. Đó cũng là động lực giúp những vận động viên vượt qua chính mình để giành lấy vinh quang cho Tổ quốc.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.