Cô gái sống chậm ở nơi dịch COVID-19 chưa đặt chân tới

Với Weisi Low, cuộc sống ở quần đảo Svalbard đầy ắp sự phiêu lưu và khám phá đến nỗi cô gần như quên rằng đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tới phần còn lại của thế giới.
Đối với Weisi Low (26 tuổi, người Singapore), tinh thần khám phá và phiêu lưu đã dẫn cô đến cuộc sống ở nơi tận cùng Trái Đất - thị trấn Longyearbyen thuộc quần đảo Svalbard của Na Uy tại vùng Bắc Cực. Những vịnh hẹp phủ đầy băng, ngọn núi tuyết cao vút hay dòng sông băng hoang sơ, hùng vĩ là điểm tham quan thường ngày của Low. Không có ca nhiễm Covid-19 nào được ghi nhận ở đây. 11 tháng qua, Low tận hưởng nhịp sống chậm hơn và tìm thấy cảm giác bình yên giữa thiên nhiên - cuộc sống hoàn toàn khác biệt so với khi cô còn ở Singapore. Hiện cô gái 26 tuổi làm hướng dẫn viên du lịch bằng xe đạp và bán đồ tại một cửa hàng địa phương. Cuộc sống hiện tại đầy ắp sự phiêu lưu và khám phá đến nỗi Low gần như quên rằng phần còn lại của thế giới đang chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Cô gái sống chậm ở nơi dịch COVID-19 chưa đặt chân tới ảnh 1 Weisi Low tận hưởng cuộc sống yên bình ở nơi virus SARS-CoV-2 chưa đặt chân tới.
Mỗi ngày đều là cơ hội khám phá
Tháng 12/2017, Weisi Low lần đầu đến thăm quần đảo Svalbard sau một thời gian làm việc ở Mỹ. Vốn thích sự yên bình và tĩnh lặng, cô lập tức yêu vùng đất biệt lập, gần Bắc Cực, chỉ có hơn 2.000 cư dân địa phương sinh sống. "Tôi hiểu ngay rằng mình muốn sống ở Svalbard. Vì vậy, sau khi hoàn thành việc học ở Singapore vào tháng 5/2019, tôi trở lại quần đảo này và chọn sinh sống ở thị trấn Longyearbyen 11 tháng qua", cô nói. Theo mô tả của Low, đoạn đường dài nhất ở nơi cô sinh sống chỉ 40 km, từ sân bay đến một mỏ than. Thị trấn được biết tới với những ngọn núi tuyết, dòng sông băng và các hoạt động chiêm ngưỡng gấu Bắc Cực. Cực quang, hay còn gọi là ánh sáng phương Bắc, cũng diễn ra ở đây quanh năm. Do làm việc trong lĩnh vực du lịch, Low thường kín lịch cả tuần. Khi có thời gian rảnh rỗi, cô nghe nhạc, đọc sách và liên lạc với gia đình, bạn bè ở quê nhà. "Cuộc sống của tôi ở Singapore quay cuồng trong sự hối hả, bận rộn. Còn giờ ở đây, khi rời xa tất cả những điều đó, tôi trân trọng thời gian và không gian của mình. Tôi thực sự có thể tận hưởng nhịp sống chậm hơn", cô gái Singapore nói.
Cô gái sống chậm ở nơi dịch COVID-19 chưa đặt chân tới ảnh 2 Low tranh thủ thời gian đi khám phá đó đây khi không phải làm việc.
Nhiều thói quen hàng ngày của Low cũng phụ thuộc vào thời tiết. Nếu trời mưa, cô có thể ở nhà hoặc đi xe đạp. Nhưng nếu có bão tuyết, Low chọn ở nhà. Khi thời tiết đẹp vào cuối buổi chiều, cũng là lúc bạn trai Low kết thúc công việc, hai người cùng nhau đi bộ hoặc tụ tập với bạn bè tại các quán bar. "Bất cứ khi nào không làm việc, tôi đều có cơ hội đi khám phá đó đây. Tôi và bạn trai thường đi cắm trại vào cuối tuần. Mùa đông sẽ thú vị hơn khi tuyết xuất hiện. Tôi có thể đi trượt tuyết", Low nói. Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, cô gái Singapore còn cảm thấy may mắn khi được tận mắt trông thấy nhiều loài động vật trong tự nhiên như gấu Bắc Cực, cáo Bắc Cực, hải mã, tuần lộc, hải cẩu và cả cá voi. "Chúng trông còn tuyệt hơn những gì bạn thấy trong các bộ phim tài liệu về thiên nhiên trên BBC Earth hoặc National Geographic. Ngay cả những động vật được thuần hóa ở đây cũng khác. Những con chó đi săn với chủ nhân của chúng. Tôi cá là mối quan hệ này khác xa so với những gì chúng ta thấy ở các thành phố", cô nói. Theo Low, số lượng gấu Bắc Cực trong thị trấn Longyearbyen và vùng lân cận hiện tại còn đông hơn dân số. Đó là hệ quả của vấn đề biến đổi khí hậu đang diễn ra ở đây. Do sự tan chảy của băng biển, những con gấu Bắc Cực không thể săn được hải cẩu và vào tới thị trấn để tìm thức ăn. Tháng 12 năm ngoái, một người bạn của Low phát hiện một con gấu Bắc Cực trưởng thành dẫn đàn con đi lại trên đường phố. "Nếu điều đó xảy ra, bạn phải tránh xa chúng khoảng cách lớn nhất có thể. Và nếu ở bên ngoài thị trấn, bạn phải luôn mang theo súng trường và pháo sáng để đảm bảo an toàn trong trường hợp bị gấu Bắc Cực lao vào người", Low cho hay.
Cô gái sống chậm ở nơi dịch COVID-19 chưa đặt chân tới ảnh 3 Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Low cảm thấy may mắn khi được tận mắt trông thấy nhiều loài động vật trong tự nhiên.
Nơi an toàn trong đại dịch
Low lần đầu nghe về đại dịch Covid-19 thông qua các bản tin. Khi ấy, cô cho rằng đó chỉ là căn bệnh sẽ sớm được kiểm soát và không lây lan. Tuy nhiên, Low nhanh chóng nhận ra mình đã sai. "Tôi thấy đại dịch lan đến Singapore, châu Âu và phần còn lại của thế giới. Mọi thứ bắt đầu ngừng hoạt động. Vào cuối tháng 3, công việc của tôi bị ảnh hưởng. Chúng tôi được thông báo rằng biên giới xung quanh thị trấn sẽ đóng cửa. Số lượng khách du lịch bắt đầu giảm nên tôi không có việc làm vào tháng 4, 5. Thay vào đó, tôi đã dành thời gian và cơ hội để đi khám phá", Low nói. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), không có trường hợp mắc Covid-19 nào ở quần đảo Svalbard và Jan Mayen. Bởi vậy, Low được cho đang ở nơi khá an toàn trước dịch bệnh. “Tôi dự định sẽ ở đây trong vài năm tới. Vào thời điểm quyết định trở về nhà, tôi hy vọng đại dịch sẽ kết thúc. Dù sao thì tôi khá hạnh phúc khi đang ở nơi an toàn này”.
Cô gái sống chậm ở nơi dịch COVID-19 chưa đặt chân tới ảnh 4 Thực phẩm ở thị trấn Low sinh sống khá đắt đỏ vì được vận chuyển từ xa.
Low cho biết thực phẩm được bày bán ở nhiều cửa hàng tạp hóa trong thị trấn Longyearbyen được chuyển tới bằng thuyền từ lục địa Na Uy. Đó là hành trình mất khá nhiều thời gian nên thực phẩm thường không tươi và rất đắt đỏ. Low cố gắng ăn rau xanh nhiều nhất có thể. Trước đây, Low từng nghĩ mình sẽ giảm được cân khi đến một nơi lạnh giá như thế này. Tuy nhiên, thực tế là cô đã ăn nhiều chất béo và thức ăn giàu carbohydrates để giữ ấm. "Tôi cũng ngừng ăn nhiều thực phẩm đông lạnh. Về chất đạm, tôi ăn nhiều cá hơn gà vì giá thành rẻ hơn. Bánh mì và trứng cũng là những thực phẩm chủ yếu trong chế độ ăn kiêng của tôi. Đôi lúc, tôi thực sự nhớ món ăn Singapore", cô nói. Với Low, điều khó khăn nhất mà cô phải thực hiện ở vùng Bắc Cực là làm quen với việc thiếu ánh sáng ban ngày. Ban đầu, khi đến đây vào mùa đông, cô gái Singapore bị thiếu Vitamin D, liên tục mệt mỏi. Cô cũng bận rộn và mất tập trung trong suốt mùa đông vì ngày ngắn mà đêm dài. "Tôi đã giao tiếp với mọi người rất nhiều để vượt qua thời gian khó khăn ban đầu. Tôi nhận ra mình nhớ ánh nắng đến nhường nào. Nhưng tôi nghĩ mình đã điều chỉnh khá tốt kể từ đó", cô nói.
Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG