Cô gái Sài Gòn săn học bổng hơn 300.000 USD của Harvard

"Bạn có thể là người khác trong hồ sơ hoặc bài luận nhưng không thể là người khác trong 4 năm. Vậy nên hãy cứ thành thật", Diệu Liên chia sẻ khi viết bài luận vào Đại học Harvard (Mỹ).
Trần Thị Diệu Liên giành học bổng gần 6,8 tỷ đồng cho 4 năm học tại Harvard. Ảnh: H.P.

Trần Thị Diệu Liên có vẻ ngoài chững chạc hơn tuổi 19. Cựu học sinh chuyên Anh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM) vừa được Đại học Harvard trao học bổng trị giá 302.920 USD (gần 6,8 tỷ đồng) cho 4 năm học. Tháng 8 này, Liên sẽ lên đường sang Mỹ.

Hai lần nộp hồ sơ du học thất bại 

Đại học Harvard - ngôi trường mơ ước của bao người không phải là đích đến đầu tiên của Diệu Liên, bởi nghĩ đó là "ước mơ gì đó rất xa xôi". Trước khi nhận được học bổng toàn phần, Diệu Liên từng hai lần thất bại khi nộp hồ sơ du học. Từ khi còn học THCS Trần Đại Nghĩa, Liên đã thử sức với học bổng ASTAR của Chính phủ Singapore nhưng chỉ dừng chân tại vòng phỏng vấn.

Thất bại chưa dừng lại, năm lớp 12 Liên tiếp tục nộp hồ sơ du học nhưng kết quả không được như mong muốn. Động lực vẫn rất lớn nên cô quyết định dành ra một năm, vừa chuẩn bị hồ sơ du học tiếp, vừa làm những gì mình thích. 

Một lần dự hội thảo du học của VietAbroader, tổ chức phi lợi nhuận của học sinh, sinh viên Việt du học tại Mỹ và nhiều nước khác, Liên được nghe đàn anh chia sẻ về thất bại và quá trình phấn đấu ra sao để thực hiện tiếp ước mơ. Điều đó tạo thêm cảm hứng và quyết tâm cho Diệu Liên thực hiện "giấc mơ Mỹ".

Liên cho rằng có thể điểm SAT không cao chính là một yếu tố. "Điểm SAT của em là 2.000, thời gian đó em đã cố gắng rất nhiều rồi nhưng không lên được", Liên chia sẻ và quyết tâm thay đổi phương pháp học. Coi chất lượng hơn số lượng và mỗi lần làm xong Liên đều lấy sổ tay ghi lại kinh nghiệm, dạng bài mình làm qua.

Trần Hoàng Kim, cựu sinh viên Đại học Brigham Young University (Mỹ) đánh giá điểm SAT 2000 vẫn kêu thấp là điều không tưởng được. "Điểm tối đa của kỳ thi SAT là 2400, Diệu Liên nói điểm em ấy không cao thì quả là khiêm tốn", Kim nói và cho biết bản thân cậu vượt qua kỳ thi SAT với số điểm 1500 và điểm trung bình của học sinh Mỹ khoảng 1400.

Thiếu tiền, thừa khát vọng nên... chọn Harvard

Sau hai lần thất bại, Liên quyết định nộp hồ sơ vào Harvard bởi ngôi trường nổi tiếng có khoản hỗ trợ tài chính và học bổng lớn nhất trong số đại học Mỹ, không quan tâm tài chính mà chỉ chú ý thực lực của thí sinh nộp đơn. 

Gia đình Liên không thuộc diện khá giả. Ba cô từ Thái Bình vào Nam lập nghiệp, làm thợ biển quảng cáo còn mẹ là lao công ở một trường đại học. "Ba mẹ không biết tiếng Anh, thậm chí ba còn không biết điểm SAT là gì, nhưng em cảm thấy may mắn. Giữa những phụ huynh luôn muốn gò ép con mình trở thành người nọ người kia thì ba mẹ để con gái tự lựa chọn đường đi", Liên tâm sự.

Để chuẩn bị cho quá trình du học, học sinh Việt Nam thường chọn theo các trung tâm tư vấn để được hỗ trợ. Diệu Liên tự mình làm tất cả, chuẩn hồ sơ, viết luận, xin học bổng. Theo Liên, không có một công thức nào cho bộ hồ sơ du học. Trong bài luận, Liên có gì nói đó, không cố đánh bóng bản thân. Có thể sự chân thật trong bài luận về tình yêu, đam mê dành cho khoa học kỹ thuật đã gây ấn tượng với trường.

"Bạn có thể biến thành người khác trong bộ hồ sơ hoặc bài luận nhưng không thể là người khác trong 4 năm, 6 năm. Vậy nên hãy cứ thành thật", Liên viết và quan niệm thứ hạng chỉ là những con số, quan trọng là trải nghiệm mình có được khi vào đại học Mỹ. Ngoài Harvard, Diệu Liên còn trúng tuyển một số đại học của Mỹ, song cô chỉ cười không nhắc đến vì không muốn có sự so sánh.

Diệu Liên cùng du học sinh đồng hành cùng tổ chức VietAbroader trong các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn cho học sinh, sinh viên Việt có ước mơ du học. Ảnh: H.P.

Vào Đại học Harvard, học xong năm đầu rồi Liên mới chọn chuyên ngành. Cô gái 19 tuổi dự định chọn ngành học liên quan đến khoa học kỹ thuật bởi đam mê. Khi còn tiểu học, Liên từng nhặt ve chai, ống nhựa thừa để làm ra những món đồ khoa học mình thích. Lên lớp 11, cô giành giải tư Hội khi khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) với đề tài "Bảng hiển thị chữ nổi cho người khiếm thị".

"Em chọn khoa học kỹ thuật vì thấy mình có thể làm nhiều hơn cho mọi người. Biết rằng con gái chọn ngành này sẽ có nhiều khó khăn nhưng mình cứ cố gắng hết sức đi. Tiềm năng và tốc độ phát triển khoa học ở Việt Nam rất lớn nhưng vì xuất phát điểm thấp hơn nên chịu thiệt mà thôi", Liên nói.

Làm những gì chưa bao giờ làm 

Có một câu nói mà Diệu Liên rất thích, đó là "Trước khi làm những gì mình chưa đạt được thì phải làm những gì mình chưa bao giờ làm". Trong một năm chuẩn bị hồ sơ vào Harvard, Diệu Liên dành ra một năm đi dạy ở mái ấm mồ côi, trải nghiệm nghiên cứu khoa học tại một trường đại học của TP HCM.

Liên nghĩ rằng đó là công việc làm thay đổi cuộc sống. Bởi đôi khi chỉ cần thay đổi một chút cách nhìn nhận và cách học thôi thì mình đã lựa chọn và rẽ sang một con đường rất khác rồi. Từ hồi cấp 1, Liên đã luôn muốn làm những gì mình thích. Thích tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, học võ và từ chối học thêm khi thầy hỏi. 

Dành nhiều năng lượng để suy nghĩ theo hướng tích cực khiến Diệu Liên có thêm động lực, niềm tin sau mỗi lần thất bại. Có những thứ mình thiệt thòi hơn người khác nhưng lấy hoàn cảnh ra để trả lời cho việc không làm được chỉ là lời biện hộ. Nhiều người nghĩ phải có tiền mới có thể nộp đơn vào đại học Mỹ, nhưng Diệu Liên là minh chứng cho việc tài chính không mạnh vẫn làm được điều đó.

"Em hy vọng câu chuyện của mình là một làn sóng nhỏ góp vào con sóng lớn, giúp các bạn tự tin hơn với ước mơ. Sự giúp đỡ luôn có ở quanh, chỉ là mình chịu lên tiếng hay không", Liên nói và tin rằng thất bại là một cái duyên để tạo ra bước ngoặt cuộc đời. Nếu không có hai lần thất bại khi nộp hồ sơ du học thì em chẳng vào được Đại học Harvard.

Viet​Abroader ​là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2004 tại New York (Mỹ) và điều hành bởi học sinh Việt Nam trong, ngoài nước. Mục tiêu là tạo cơ hội phát triển cho giới trẻ Việt Nam ở 3 mảng trọng tâm: Tài nguyên du học, Phát triển kỹ năng giới trẻ - cộng đồng, Kinh doanh - nghề nghiệp.

Mùa hè 2016, VietAbroader thực hiện bốn dự án: hội thảo du học tổ chức trên 6 tỉnh thành cả nước gồm các buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm nộp đơn tuyển sinh và trải nghiệm cuộc sống du học từ các du học sinh đang học tại Mỹ; trại hè tân sinh viên YOFO tại Hà Nội và TP HCM giúp các tân sinh viên chuẩn bị cho cuộc sống du học và hội nhập; hội thảo nghề nghiệp tìm hiểu chuyên sâu về các ngành nghề đang có nhu cầu tuyển dụng cao và cuộc thi thử thách lãnh đạo iLead Challenge gây quỹ cộng đồng.

Theo Theo Vnexpress