Cô gái mang 'đặc sản Huế' ra thế giới

Với tình yêu quê và đam mê ẩm thực, Phạm Lê Nguyên Hảo, 37 tuổi, cựu học sinh chuyên tin trường THPT Quốc Học Huế xây dựng thương hiệu Huế Thương, sản xuất các dòng sản phẩm đặc sản ẩm thực Huế đóng gói lạnh khá mới trên thị trường hiện này. Trong năm 2024, Huế Thương đã xuất khẩu 50.000 sản phẩm đi Mỹ, trong đó bánh canh cá lóc Huế là sản phẩm chủ lực.

Từ lập trình viên bén duyên với ẩm thực

Phạm Lê Nguyên Hảo, hiện đang sinh sống tại TPHCM cùng người em điều hành thương hiệu Huế Thương vừa lọt vào Vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 với dự án Huế Thương – Bánh canh vị Huế đóng gói. Dự án được ban giám khảo đánh giá cao về tính đổi mới, tiện ích của sản phẩm cũng như tiềm năng, thị trường khá lớn. Đặc biệt là thị trường xuất khẩu sang các nước Mỹ, Úc, Nhật, Hàn, Canada.

Trên hành trình khởi nghiệp, Phạm Lê Nguyên Hảo cùng cộng sự đã trải qua nhiều thử thách và khó khăn. Để có những gói sản phẩm chỉnh chu nhất ra thị trường, những container đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ là cả hành trình cố gắng, tâm huyết của những bạn trẻ xứ Huế. “Tôi xa Huế tròn 20 năm nhưng nỗi nhớ những món ăn Huế đậm vị như mẹ nấu. Tôi nghĩ những ai xa quê đều có chung nỗi niềm như vậy nên những sản phẩm đặc sản Huế đóng gói của Huế Thương luôn chứa thêm tình cảm của những người con Huế vào đó. Tôi muốn khi khách hàng thưởng thức những gói bánh canh cá lóc, bánh canh Nam Phổ đóng gói thì sẽ vơi đi phần nào nỗi nhớ quê hương”, Hảo chia sẻ.

Phạm Lê Nguyên Hảo giới thiệu món bánh canh cá lóc Huế đóng gói với ông Nguyễn Văn Phương- Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế tại một chương trình giao thương của Hội đồng hương TT Huế tại TPHCM năm 2024

Tốt nghiệp cử nhân công nghệ thông tin nhưng bén duyên với ngành chế biến thuỷ sản, Phạm Lê Nguyên Hảo, cựu học sinh chuyên Tin trường THPT Quốc Học Huế đang khởi nghiệp với đặc sản quê hương xứ Huế. Trong tháng 9 này, thương hiệu Huế Thương vừa đạt được cột mốc xuất khẩu 50.000 gói bánh canh cá lóc Huế đóng gói và các sản phẩm đặc sản Huế khác sang thị trường Mỹ theo đường chính ngạch.

Theo Phạm Lê Nguyên Hảo, người sáng lập thương hiệu Huế Thương, bánh canh cá lóc Huế là món đặc sản Huế đóng gói hiếm hoi xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Mỹ. Ngoài bánh canh cá lóc, Huế Thương còn có các sản phẩm đặc sản Huế đóng gói tươi nguyên chất cũng vào thị trường Mỹ trong năm 2024 như miến lươn vị Huế, bánh canh Nam Phổ, cá nục kho vị Huế, bánh canh cua… Trong các sản phẩm đặc sản Huế đóng gói, bánh canh cá lóc vẫn là sản phẩm chủ lực và được khách hàng, cộng đồng người Việt tại Mỹ yêu thích, đón nhận.

Nói về cơ duyên để khởi nghiệp dòng sản phẩm đặc sản Huế đóng gói đông lạnh, Hảo nhớ lại: “Là người con sinh ra và lớn lên ở Huế, tôi thấy ẩm thực Huế rất ngon và đa dạng nhưng với những người xa quê khi muốn ăn đúng hương vị Huế thì rất khó. Tôi trăn trở, suy nghĩ về cách làm các món ẩm thực nước lèo Huế như bánh canh cá lóc, bánh canh Nam Phổ, bún bò Huế… đóng gói tươi, áp dụng công nghệ cấp đông để vẫn giữ được chuẩn hương vị khi sử dụng. Từ đó, với sự giúp đỡ, đồng hành của người thân, bạn bè đồng hương, chúng tôi đã sản xuất ra món bánh canh cá lóc chuẩn vị Huế đóng gói”.

Nhân viên đang đóng gói lạnh đặc sản bánh canh cá lóc của Huế

Khi đã có ý tưởng, cô gái chuyên Tin năm nào của trường Quốc Học Huế bắt tay vào thực hiện. Để cho ra gói bánh canh cá lóc như hiện tại, Hảo cùng cộng sự phải thử nghiệm, thay đổi, lắng nghe sự góp ý của khách hàng rất nhiều.

Sản phẩm mà Hảo tâm huyết và mất nhiều thời gian nhất chính là bánh canh Nam Phổ. Đây là món bánh canh đặc sản chỉ có ở Huế. Để làm được loại bánh canh đặc thù này, Hảo phải nhiều lần bay về Huế, tìm đến tận nhà các cô ở làng Nam Phổ, chợ Mai (phường Phú Thượng, TP Huế) để học hỏi cách chế biến sợi bột.

Dự án Huế Thương- Bánh canh vị Huế đóng gói lọt vào vòng chung kết Vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024

Hướng đến thị trường EU, Úc và Đông Á

Nói về cột mốc 50.000 sản xuất khẩu sang Mỹ, CEO Huế Thương cho rằng để xuất khẩu chính ngạch vào thị trường “khó tính” như Mỹ là một niềm hạnh phúc. Để làm được điều đó là nhờ nhiều năm kinh nghiệm trong ngành xuất khẩu thuỷ sản của bản thân.

Hảo cho biết, “Tôi may mắn nhiều năm làm trong ngành xuất khẩu thuỷ sản qua thị trường Mỹ nên bản thân có kinh nghiệm về các tiêu chuẩn mà thị trường Mỹ đặt ra. Các sản phẩm đặc sản Huế đóng gói là nhóm sản phẩm mới xuất khẩu nên tôi phải tìm hiểu thêm kiến thức về thành phần cho phép và không cho phép khi xuất khẩu. Ngoài ra, để những sản phẩm Huế nhanh chóng đến cộng đồng người Việt tại Mỹ, công ty phải tìm kiếm đối tác phù hợp để phát triển thị trường”.

Chị Nguyên Hảo và anh Ngô Phước Tuần, Phụ trách Thương hiệu của Huế Thương chia sẻ trước Ban giám khảo

Trong định hướng phát triển ngành thức ăn nhanh đặc sản Huế đông lạnh, Huế Thương sẽ tập trung vào thị trường xuất khẩu 90%, nội địa 10%. “Do ở Việt Nam cửa hàng ăn nhanh rất lớn nên nhu cầu và thói quen sử dụng sản phẩm thức ăn nhanh đông lạnh chưa nhiều. Giai đoạn đầu, Huế Thương sẽ tập trung vào cộng đồng người Huế tại TPHCM và các thành phố lớn. Thị trường nội địa cũng có thể phát triển ở các siêu thị mini tại các khu chung cư, các quán cà phê văn phòng, công ty du lịch dã ngoại và cả trên tàu lửa, tàu biển”, bạn Ngô Phước Tuần, Phụ trách Thương hiệu của Huế Thương, chia sẻ.

Về thị trường quốc tế, sau thị trường Mỹ, Huế Thương đang có kế hoạch xuất khẩu bánh canh cá lóc và các sản phẩm đặc sản Huế đóng gói chính ngạch qua EU, Úc, Canada. Đặc biệt, trong tương lai là Nhật Bản và Hàn Quốc để phục vụ cộng đồng du học sinh, người lao động đang làm việc tại đây.