Cô gái 'lên đường với trái tim trần trụi' qua 80 nước

Cô gái 'lên đường với trái tim trần trụi' qua 80 nước
TP - Nguyễn Phương Mai (sinh năm 1976), cô gái Việt mới nhập quốc tịch Hà Lan đang nổi đình đám trong giới trẻ với hành trình xê dịch qua 80 nước trong 18 năm. Cô chia sẻ sẽ liên tục đi, không dừng lại để tận thấy bầu trời rộng đến đâu.

> Cho con nghỉ học, đi du lịch để học ‘trường đời’

Muốn tận thấy bầu trời rộng đến đâu 

Tại sao chị tự nhận mình là con lừa trong cuốn sách mới phát hành “Tôi là một con lừa”?

Thân lừa ưa nặng mà. Chỉ một con lừa ngốc nghếch mới vác cái thân thồ hàng nặng nề tự động đâm đầu vào những vũng nước trên đường thay vì chọn một số phận nhung lụa mượt mà hơn, như con mèo chẳng hạn.

Việc tôi cắm đầu lao vào chuyến hành trình qua 13 nước Trung Đông thời hậu mùa xuân Ả Rập là một ví dụ. Bạn có thấy các nước Trung Đông lên chương trình thời sự vì ở đó có nước biển xanh, đồ ăn ngon bao giờ không? Tất nhiên là không. Ở đó báo, đài toàn đưa tin khủng bố với nội chiến, thế mà tôi vẫn đi đến.

Phương Mai cùng một em bé trong khu ổ chuột ở Rio De Janero (Brazil)
Phương Mai cùng một em bé trong khu ổ chuột ở Rio De Janero (Brazil).

Chị sống, làm việc và trải nghiệm qua bao nhiêu quốc gia và vùng lãnh thổ rồi?

Trong 18 năm qua, tôi có may mắn được sống, làm việc, và đặt chân đến gần 80 quốc gia. Nghe có vẻ nhiều, nhưng thực ra không có gì đáng tự hào vì đi là một phần nghề nghiệp của tôi. Tôi dạy đàm phán và giao tiếp đa văn hóa ở Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam (Hà Lan). Không đi rêu bám đầy mình thì dạy cho ai nghe. Hơn nữa, với một người sống ở Tây Âu, đi nước ngoài là điều rất dễ dàng.

Trong hành trình trải nghiệm ấy, có những câu chuyện, kỷ niệm nào ấn tượng, chị có thể chia sẻ?

Tôi mê nhất phong cảnh New Zealand nơi chỉ cần giơ máy ảnh ra không cần ngắm, bấm một cái là có một bức ảnh đẹp. Tôi yêu nhất con người Syria nơi giữa cuộc nội chiến tôi đã được cưu mang bởi một gia đình đang chạy tị nạn.

Tôi bị cuốn hút nhất văn hóa Mexico, một nền văn hóa lạ lùng, quằn quại với bao mâu thuẫn về danh tính của mình, như nhà văn được giải Nobel Otavio Paz từng viết về những người Mexico là những kẻ cô đơn “quỳ bên dòng suối thời đại và nhìn thẳng vào bản ngã cô độc của chính mình”.

Bài học lớn nhất mà chị học được khi dịch chuyển là gì?

Là mình càng ngày càng có vẻ ngu si đi, vì thế giới xung quanh quá nhiều điều đáng ra mình phải biết. Biết rồi lại thấy biết thế vẫn còn là ít. Đôi khi tôi thầm trách cứ mình, “ignorance is bliss” - tiếng Việt có thể dịch là “thà không biết còn vui”.

Là nữ độc thân đến những mảnh đất lạ nhiều rủi ro và cám dỗ, có khi nào chị chùn bước?

Có một điều ngạc nhiên, ít nhất đối với tôi, là cuộc sống ngoài kia không đáng sợ như tôi từng tưởng tượng. Tất nhiên là mỗi góc phố đều có thể ẩn náu một tên trấn lột, mỗi căn nhà đều có thể che đậy một con yêu râu xanh, mỗi cung đường đều có thể chứng kiến tình trạng cháy túi…

Nhưng đừng quên bên cạnh một tên trấn lột thì cũng có một người lạ sẵn sàng chìa tay giúp đỡ, bên cạnh con yêu râu xanh cũng có một bà tiên che chở, bên cạnh một cái túi rỗng cũng có một người bạn sẵn lòng cưu mang.

Hẳn nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn có thể đi khắp hang cùng ngõ hẻm của thế giới này chỉ với niềm tin.

 “Cuộc sống ngoài kia không đáng sợ như tôi từng tưởng tượng. Có lẽ tôi là một kẻ lạc quan, một kẻ ngây thơ và ngốc nghếch, nhưng tôi rất kiên định trong quan điểm của mình, phải có niềm tin vào cái tốt xung quanh, không có niềm tin đó thì xin đừng lên đường”. 

Nguyễn Phương Mai

Tôi là một kẻ du hành rất có trách nhiệm với bản thân, những yêu cầu tối thiểu trước khi lên đường bao giờ tôi cũng hoàn thành: đọc hàng chục, thậm chí hành trăm trang sách về nơi mình muốn đến, cập nhật các thông tin về an toàn, luôn thông báo cho bạn bè biết về những nơi mình sẽ tới, mua ngay một cái sim điện thoại để tiện liên lạc, chủ yếu ở nhờ nhà gia đình quen biết hoặc nhà các đại sứ du lịch trên mạng couch surfing, và tối thiểu nhất là đảm bảo mình có 60$/ngày trong tài khoản.

Trong cuốn sách chị có “cảm ơn mẹ đã buông tay con đi”. Mẹ có lần nào lên tiếng ngăn cản hành trình của chị?

Mẹ tôi là một phụ nữ tuyệt vời. Tôi có viết một bài riêng về mẹ trong cuốn sách của mình. Mẹ đã 75 tuổi, chỉ có trình độ lớp 3 nhưng có tư tưởng khoan dung và tân tiến hơn rất nhiều người trẻ xung quanh. Cả mẹ và tôi đều thống nhất với nhau rằng, có hiếu không chỉ là cơm bưng nước rót hằng ngày mà cũng có thể là làm cho mẹ có thể kiêu hãnh về con gái của mình.

Di chuyển nhiều, con lừa Phương Mai có thời gian để yêu?

Tôi lúc nào cũng đang yêu. Chính vì tình yêu mà tôi rời Việt Nam, bỏ cả học bổng ở Mỹ để đến Hà Lan theo đuổi một ngành học thoạt đầu tôi chẳng hề ưa thích. Yêu rồi mà. Bạn yên tâm, lúc nào tôi cũng có một người đàn ông để yêu thương.

Cảm ơn chị.

Nguyễn Phương Mai là giảng viên Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam (Hà Lan). Cô mới phát hành cuốn sách “Tôi là một con lừa” tại Việt Nam trong tháng 5. Cuốn sách tập hợp những bài viết, ghi chép của cô trong hành trình qua gần 80 nước. Cuốn sách chia sẻ nhiều kiến thức lý thú về thế giới, về văn hóa, cuộc sống các nước và kinh nghiệm của cô trong hành trình xê dịch một mình.

 

Hải Yến

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG