Cô gái không đi theo lối mòn

Tích cực trau dồi các kỹ năng mềm ngay từ sớm, Kim Thi mong muốn bắt kịp các xu hướng xã hội Ảnh: Ngô Tùng
Tích cực trau dồi các kỹ năng mềm ngay từ sớm, Kim Thi mong muốn bắt kịp các xu hướng xã hội Ảnh: Ngô Tùng
TP - Mảnh ruộng thuê trồng mía và ngô là nguồn thu chính của gia đình cô học trò Trần Thị Kim Thi (sinh năm 2002 ở xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) nhiều năm qua. Gần đây, mùa vụ thất thu bởi thời tiết khắc nghiệt cộng với dịch bệnh khiến gia đình trở nên khó khăn hơn.

Thương cảnh mẹ cha tần tảo lo cho 3 chị em ăn học, đồng thời muốn sau này có một tương lai tươi sáng, ngay từ hồi còn bé, Kim Thi đã xác định một thái độ học tập thật nghiêm túc, bài bản. Kim Thi nói rằng, ngay từ cấp 1 cô đã nhận ra lối mòn trong cách giáo dục nên đã tìm hiểu vấn đề “giáo dục cảm xúc” - quan tâm cảm xúc của trẻ con, giúp chúng có tư duy sáng tạo, ý chí vươn lên, đồng thời truyền cảm hứng cho giới trẻ, chứ không chỉ đơn thuần nhồi nhét kiến thức theo khuôn mẫu.

Kim Thi tiếp xúc máy tính từ lớp 5. Từ lớp 5 đến lớp 9, cô đều tham gia các cuộc thi Olympic Toán qua mạng; năm lớp 8 đạt giải Nhất cấp huyện, giải Ba cấp tỉnh. Kim Thi 12 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi; năm lớp 12 đạt giải Ba môn Toán cấp tỉnh. Hầu hết những năm phổ thông Kim Thi tự học là chính. “Cách học thụ động, thờ ơ của nhiều bạn ở môi trường học thêm khiến em thấy không phù hợp với mình, hơn nữa tự học còn giúp mình tiết kiệm thời gian, tiền bạc. Nhờ tiếp cận internet, em còn ôn luyện hoặc xem các bài giảng qua livestream trên mạng”, Kim Thi kể.

Những năm học cấp 3 là quãng thời gian Kim Thi tích cực trau dồi kiến thức khoa giáo, rèn giũa kỹ năng mềm, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Từ lớp 10, cô học trò nhỏ nhắn chủ động mày mò học cách thuyết trình, học các phần mềm Photoshop, Adobe Illustrator để có thể tạo nên các tài liệu, ấn phẩm truyền thông cuốn hút.

Ngoài học, Kim Thi còn tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện như tổ chức chương trình hiến máu nhân đạo, cùng với Hội Chữ thập Đỏ thị xã Ninh Hòa tặng quà, phát bánh mì, quần áo cho người nghèo vào sáng thứ Bảy hằng tuần. Cô còn tham gia tổ chức khóa tu mùa hè dành cho giới trẻ ở địa phương.

“Đến đây em được sư thầy chỉ bảo cách thức tổ chức một sự kiện. Và rồi em cũng trải nghiệm công việc tổ chức sự kiện có đến 300 người tham gia trong nhiều ngày liên tục. Những ngày đó dù phải làm việc cật lực, chỉ ngủ khoảng 4 tiếng/ngày nhưng điều em nhận được lớn nhất chính là có dịp học kỹ năng làm việc nhóm, cách cộng tác, kết nối với mọi người. Và trên hết là em được góp sức cho cộng đồng, được gặp gỡ nhiều người kinh nghiệm”, Kim Thi bộc bạch. Cô còn tham gia cuộc thi về giải pháp bảo vệ môi trường, tổ chức hội thảo “Những kỹ năng cần thiết để trở thành công dân toàn cầu”…

Mới đây, Kim Thi trúng tuyển ngành Thương mại điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. “Với ngành học này, bên cạnh các kiến thức tổng hợp về marketing, em còn trau dồi thêm khối kiến thức về công nghệ để có thể nhanh chóng bắt kịp các luồng xu hướng xã hội và đến gần hơn những người tài năng”, cô nói.

MỚI - NÓNG