'Cô gái đến từ hôm qua' mang theo thuốc ngủ?!

Ngô Kiến Huy và Miu Lê đóng sinh viên thì được chứ học sinh thì hơi quá.
Ngô Kiến Huy và Miu Lê đóng sinh viên thì được chứ học sinh thì hơi quá.
TP - Sau khi gây chú ý với Em là bà nội của anh, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh tiếp tục “xông lên” với Cô gái đến từ hôm qua. Việc dựa theo truyện dài cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh là một thuận lợi nhưng cũng gây tác dụng ngược nếu xử lý kịch bản không tốt. Truyện của Nhật Ánh vốn toàn thoại, tối giản nhân vật.

Cô gái đến từ hôm qua của Nguyễn Nhật Ánh đơn thuần kể song song hai câu chuyện. Thứ nhất là quá trình cưa cô bạn cùng lớp Việt An của Thư, biệt hiệu “Thư Thẩn” với sự cố vấn của Hải Gầy và sự cản mũi của Hồng Hoa. Chuyện thứ hai là tình bạn đặc biệt hồi cấp một của Thư và cô bé hàng xóm Tiểu Ly. Nếu Tiểu Ly hiền dịu chịu cho Thư bắt nạt bao nhiêu thì Việt An lại ghê gớm đàn áp Thư bấy nhiêu. Truyện toàn thoại, ít nhân vật, thiếu kịch tính. Để thành phim, Phan Gia Nhật Linh phải thêm thắt khá nhiều. Nhưng sự thêm này chưa đủ chín, đôi chỗ còn phản tác dụng.

Phần thơ ấu của hai nhân vật chính nói chung đủ chất liệu để thành phim, nhưng khi các nhân vật lớn lên nếu cứ y truyện mà kể thì lại thành nhạt. Nó giống như hai nhân vật đang tiếp tục kéo dài trò chơi thơ bé chứ bảo là yêu thì hơi oan. Có thể vô số mối tình tuổi kẹo ngọt cũng diễn ra như thế, nhưng đã đưa lên phim thì phải có lý do. Việt An mang tiếng là hoa khôi ban đầu rất được đám con trai săn đón nhưng sau đó chỉ thấy có mỗi mình Thư theo đuổi. Chẳng phải cạnh tranh với ai nên Thư hết sức nhẩn nha, quá nửa phim vẫn chưa trao xong bức thư, khiến khán giả ngáp lên ngáp xuống.

Để xốc khán giả lên, đạo diễn cho Thư đấm vào mặt thầy giáo thể dục trong một hoàn cảnh hết sức mơ hồ. Khán giả không thấy Thư có một động cơ liên quan trực tiếp nào để làm việc động trời này. Chưa kể Thư vốn là một anh chàng hết sức lừng khừng, không tài cán cũng chẳng cá tính. Cú đấm này lại lập tức được hóa giải từ có thành không, khi Thư chỉ bị nghỉ học một tuần. Cũng chẳng có động thái chuộc lỗi với nạn nhân, nhưng Thư vẫn tò tò cùng bạn bè ra ga tiễn thầy rời địa bàn sau khi bị buộc thôi việc. Đặc biệt Chiêu Minh cũng bị đuổi học và không còn con đường nào khác phải theo thầy thể dục lên thành phố. Có thể hiểu đây là hành động nhắm mắt đưa chân, vì trước khi ra đi, cô nói: “Mặc dù mình là học sinh giỏi 11 năm liền nhưng mình không giải nổi bài toán cuộc đời”. Trong thời điểm bi kịch thế mà vẫn khéo khoe thành tích học tập kể cũng cá tính.

Rút cuộc khán giả vẫn có cảm giác bị cho ra rìa vì chả hiểu chuyện tình của thầy giáo thể dục và cô bé lớp trưởng éo le kịch tính đến cỡ nào để Thư phải căm phẫn đến mức độ đó. Câu chuyện này rõ ràng phức tạp, gay cấn hơn nhưng lại không được gắn kết hữu cơ với chuyện chính nên có nguy cơ phá vỡ bầu không khí hoa bướm mơ màng của phim.

Xét tổng thể phim, phần thơ ấu của hai nhân vật chính có trọng lượng hơn, trước hết bởi diễn xuất tự nhiên của hai diễn viên nhí. Tuy nhiên tính cách của Thư hồi bé lại bị làm quá lên so với truyện, khiến khán giả thêm mất cảm tình với nhân vật này. Thậm chí có cảm giác Thư hồi bé hơi bị khùng, nhất là thái độ trở mặt khó hiểu lúc chia tay Tiểu Ly. 

Phim không thiếu các chi tiết thêm thắt gây cảm giác gợn. Tiểu Ly trong truyện đập đầu vào cạnh bàn chỉ phải đi trạm xá, thì trong phim đạo diễn chỉ định khâu 5 mũi, nhưng vẫn không phải vào bệnh viện. Chứng tỏ trạm xá trong trường cực xịn.

Khi Thư trốn trong thùng xe đò thì phim nhồi thêm nào là lồng gà, cá khô… Rồi Thư lại phải đi bộ một đoạn đường dài mới về đến nhà, gặp Hải đã chờ sẵn trong phòng. Đáng lẽ Thư phải uống nước, thay áo ngay, không thì Hải cũng phải nhăn mũi. Đây thì hai bạn lập tức vai kề vai tiếp tục bàn về tình yêu. Rồi hành động Thư “cướp có tổ chức” tiền trong ví của Hải cũng hơi khó chấp nhận. Dường như nhân vật Thư là phản diện ẩn. Đánh thầy cướp bạn thế còn gì?!

Cô em gái nhiều chuyện của Thư cũng là nhân vật riêng có trong phim. Mặc dù là trẻ nít nhưng cô cũng tham gia làm quân sư quạt mo cho anh chả duyên tí nào. Cô giáo dạy Văn dù vai rất phụ nhưng được hóa trang nổi bật và khắc họa tính cách một cách cường điệu theo kiểu kịch nói muốn lòi khỏi phim. Đạo diễn rồi cả mấy người trong đoàn làm phim cũng xuất hiện trong tư cách quần chúng hay có thể gọi là diễn viên trang trí gây cảm giác nhôm nhoam, thiếu nghiêm túc.

Nếu sự tối giản, ngây thơ đã trở thành phong cách, thương hiệu của Nguyễn Nhật Ánh thì vào phim rất dễ thành nhạt. Đạo diễn hẳn cũng biết thế nên đã thêm gia vị video ca nhạc vào phim. Sự đột phá (hay đột biến) ở đây là tự nhiên một ca sĩ không biết từ đâu ra (đừng nói vì anh ta có vai bán kẹo kéo mấy giây) nhảy thẳng vào màn ảnh để hát. Nói chung pha này, Bollywood cũng phải chào thua. Chưa hết, phim tặng kèm nhiều màn kỹ xảo đồ họa vụng về, như rau cỏ mọc lên dưới chân Việt An hay thác nước ngay ngắn lúc nào cũng có cầu vồng. Nom rõ giả, thà không có còn hơn.

Phim có lẽ phù hợp hơn cả với đối tượng khán giả chỉ cần nhìn mặt Ngô Kiến Huy hay Miu Lê là đủ. Dù thành thực mà nói ngoại hình hai diễn viên này không những bị “dừ” mà còn chả mấy hợp vai.

Học đến cấp 3, mà các nam sinh trong phim Cô gái đến từ hôm qua vẫn có trò lần lượt lột quần nhau nơi cửa lớp, giữa sân trường, trước mặt đông đảo các bạn gái… thì đúng là khó hiểu. Phim ra mắt khán giả Hàn Quốc trước. Hẳn họ nghĩ trò này phổ biến các trường học Việt Nam lắm?!

MỚI - NÓNG