Hoàn cảnh của Lồ Mai Duyên khá đặc biệt. Cô sinh ra trong một gia đình nông dân. Tuy nhiên, bố mẹ cô cũng chỉ sinh hai con, không mang tư tưởng lạc hậu “trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Gia đình nông dân không có của ăn, của để nhưng họ vẫn cưu mang những người thân trong dòng tộc có số phận không may: “Nhà em có 7 thành viên, ngoài bố mẹ, em và em trai, còn có hai bác và dì, đều tàn tật”.
Điều đặc biệt, đại gia đình Bố Y gồm 7 thành viên sống hòa thuận dưới một mái nhà. Cả Lồ Mai Duyên và em trai của cô đều được học ở trường nội trú dành cho con em dân tộc thiểu số trong tỉnh. Nhắc đến Trường PT Dân tộc Nội Trú Lào Cai, Lồ Mai Duyên lại rưng rưng, bởi ngôi trường và thầy cô đã chắp cánh cho ước mơ của cô bay xa.
Từ cấp 2, Duyên đã học trường nội trú. Cấp 3 cũng vậy. Một năm cô chỉ về thăm nhà vài lần vào những dịp lễ, tết. Ở trường nội trú, cô được lo ăn, lo ở, bố mẹ không phải nuôi, thỉnh thoảng họ gửi cho cô chút tiền để con gái mua sắm những vật dụng sinh hoạt cần thiết.
Lồ Mai Duyên nuôi quyết tâm học tốt ngay từ bậc tiểu học. Cuộc sống khó khăn của gia đình, của những người xung quanh ở quê khiến Duyên nuôi ước mơ: Một ngày nào đó, cô sẽ có được một công việc ổn định, từ đó có thu nhập để giúp đỡ những người thân yêu.
Hiện tại, Duyên đang học ở Học viện Tài chính (Hà Nội). Lần đầu xuống thủ đô cô không khỏi bỡ ngỡ nhưng vẫn cùng bạn ra ngoài thuê nhà trọ, để được nếm trải đời sống tự lập: “Đã 7 năm em sống ở trường nội trú. Bây giờ em muốn được thay đổi”.
Thời gian đầu bố mẹ cô vẫn trợ cấp tiền thuê nhà cho con gái, vì nhà trọ nhỏ bé lại xa trung tâm nên giá khá rẻ. Lồ Mai Duyên được miễn 100 % học phí. Khi đã quen với môi trường mới, Duyên sẽ vừa học vừa đi làm thêm, kiếm tiền trang trải cuộc sống cá nhân, không để bố mẹ phải lo cho mình nữa: “Có thể em sẽ đi bán quần áo thuê hoặc phục vụ quán ăn cũng được”.