Cô gái 9X kiếm 30 triệu đồng/tháng nhờ hoa đất sét

Chân dung cô chủ sinh năm, 1990 với sản phẩm hoa đất sét.
Chân dung cô chủ sinh năm, 1990 với sản phẩm hoa đất sét.
Giấu gia đình để nghỉ việc tại Trung tâm y tế và mượn anh trai một chỉ vàng làm vốn, hiện Phạm Mỹ Hạnh đã là chủ cửa hàng hoa đất sét với thu nhập từ 20-30 triệu đồng/tháng.

Hoa cưới bằng đất sét độc đáo đẹp ngỡ ngàng như hoa thật, vừa bền lại có thể giữ làm kỷ niệm nên được nhiều cô dâu đặt hàng để chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại của mình.

Mặc dù mới kinh doanh hoa đất sét được gần một năm nhưng sản phẩm hoa cưới của Hạnh được rất nhiều người đón nhận và ngày càng đắt hàng. Hiện nay chỉ riêng sản phẩm hoa cưới bằng đất sét Hạnh nhận hơn một chục đơn đặt hàng mỗi ngày. Mỗi sản phẩm hoa cưới dao động từ 400.000-600.000 đồng, đem lại thu nhập cho Hạnh từ 20-30 triệu đồng/tháng.

Ngoài hoa đất sét, Hạnh còn làm nhiều sản phẩm khác như hoa để bàn, hoa trang trí đủ các loại hoa khác nhau nhưng sản phẩm hoa cưới được cô tập trung phát triển nhất vì theo cô tại Hà Nội thì sản phẩm hoa cưới bằng đất sét vẫn là hàng độc. Đặc biệt là thời gian này có quá nhiều đơn đặt hàng, dù xưởng làm hoa thủ công của cô có 7-8 nhân công nhưng nhiều lúc vẫn không thể đáp ứng kịp, số lượng người đặt hoa cưới tăng khiến nhiều hôm rơi vào tình trạng “cháy” hàng.

Sau khi hoa được chuyển từ xưởng ở Phú Thọ lên Hà Nội, tự tay Hạnh sẽ bó và thiết kế theo yêu cầu của Khách. Trong căn phòng chỉ rộng chừng 4m2 nhưng chất đầy hoa, là nơi cô vẫn làm việc hằng ngày. Tuy nhiên hiện nay, cửa hàng chỉ do một mình Hạnh vừa bán vừa thiết kế mẫu cho khách nên nhiều hôm cô phải thức 1-2h sáng để kịp hoàn thành đúng hẹn. Đặc biệt là với những mẫu hoa khó, phức tạp đòi hỏi sự thẩm mỹ cao.

Để làm được hoa đất sét khó vì bản thân Hạnh phải tự mày mò, tìm hiểu, cô cũng tự sáng tạo ra nhiều mẫu hoa khác nhau, cách bày trí, cắm hoa khác nhau nhưng khó nhất có lẽ vẫn là làm thế nào để hoa làm ra phải đạt chất lượng. Cách trộn đất như thế nào để hoa không bị cứng, nứt, mốc, màu sắc pha trộn để hoa được tự nhiên, mềm mại…Đó là một quá trình học hỏi không ngừng của Hạnh.

Giải thích về quyết định nghỉ việc tại trung tâm y tế dự phòng Hà Nội để chuyển sang nghề hoa đất sét, Hạnh kể: “Lúc còn đi làm ở trung tâm tôi vẫn ngày ngày tìm hiểu về cách làm hoa thủ công vì đó là niềm đam mê. Nhưng nghĩ đến mẹ ngày làm công nhân xưởng quế nắng nôi cực khổ tôi đã muốn tìm ra một cái gì đó, một việc gì đó để mẹ bớt khổ hơn. Mẹ tôi cũng là một người khéo tay, tôi được thừa hưởng điều đó từ mẹ. Cuối cùng tôi quyết định bỏ việc. Tôi không dám nói với bất kỳ ai mà chỉ vay anh trai một chỉ vàng để bắt đầu bước vào kinh doanh hoa đất sét. Nếu lúc đó tôi nói thì kiểu gì bố mẹ cũng sẽ phản đối”.

Vốn là người khéo tay nên khi đi học ĐH Hạnh đã làm hoa giấy để bán kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên sản phẩm hoa giấy chỉ 2-3 tháng sẽ mất màu,sau khi tìm tòi trên mạng Hạnh phát hiện ra sản phẩm hoa đất sét vừa đẹp lại vừa độc đáo.

Sản phẩm này phát triển ở Thái Lan nhưng tại Việt Nam chưa nhiều, đặc biệt là ở thị trường Hà Nội. Cô bỏ tiền mua đất sét từ Thái Lan và mua máy cán đất cùng các nguyên vật liệu khác để về để tự mày mò học cách làm hoa.

Sau khi thử thành công hoa đất sét, trước Tết 2014 Hạnh quyết định nghỉ việc. Cô giấu tất cả mọi người trong gia đình về quyết định liều lĩnh này.

Cô gái 9X kiếm 30 triệu đồng/tháng nhờ hoa đất sét ảnh 1

Hoa đất sét đòi hỏi người làm sự khéo léo, tỉ mỉ và cách pha trộn nguyên liệu hợp lý để cánh hoa có độ tự nhiên, bền, đẹp.

Lúc đầu Hạnh chỉ làm theo đơn đặt hàng, ai đặt gì làm nấy nhưng khi kinh doanh được một tháng thấy sản phẩm của mình được rất nhiều người quan tâm, lúc này đã có chút vốn trong tay nên Hạnh bắt đầu nghĩ đến việc thuê người làm và cô chọn hoa cưới làm sản phẩm chủ đạo. Sợ sự ngăn cản của bố mẹ về quyết định này, lúc cô về quê để vẫn phải nói dối bố mẹ là trung tâm cho nghỉ phép để về quê bắt đầu nhận người làm hoa thủ công.

Nhớ lại thời điểm đó, Hạnh kể:”Mới đầu kinh doanh rất khó khăn vì hoa làm ra không đạt yêu cầu. Mẻ đầu tiên mình mất gần chục triệu tiền nguyên liệu. Thời điểm đó mình nhận gần 20 người làm nhưng do mọi người chưa quen với công việc này, hoa làm ra lúc thì dày quá, lúc mỏng quá…nên gần như hư hỏng hoàn toàn. Phải mất khoảng 2 tháng để mọi người ở quê học cách làm thành thạo và bắt đầu chuyển hàng lên Hà Nội”.

Hiện tại, xưởng sản xuất của cô tại quê có 7-8 nhân công do mẹ cô phụ trách, những hôm có nhiều đơn đặt hàng, gấp gáp thì phải huy động hơn chục người làm. Thậm chí có lúc phải làm cả đêm để kịp chuyển hàng xuống Hà Nội để kịp giao hàng cho khách. Do dó xưởng sản xuất tại nhà nên tiết kiệm được chi phí, sản phẩm làm ra có giá cạnh tranh trên thị trường.

Hạnh chia sẻ, dù mới kinh doanh được gần một năm nay nhưng cô không nghĩ sản phẩm của mình là được rất nhiều người đón nhận đến thế. Đặc biệt hạnh phúc nhất khi nhận được lời cảm ơn, sự phản hồi tốt của khách hàng khi nhận được sản phẩm.

“Mới đây nhất có một vị khách nước ngoài còn tìm đến tận cửa hàng để muốn mua một bó hoa về nước, ông ấy nói hoa rất đẹp và muốn mua về làm kỷ niệm khiến mình càng có thêm động lực để sáng tạo”, Hạnh chia sẻ.

Nói về dự định sắp tới, Mỹ Hạnh cho biết, do chi phí thuê mặt bằng lớn nên cô sẽ không mở cửa hàng tại mặt phố mà bán hàng online và bán tại căn nhà ở ngõ 168 (Ngọc Hà, Hà Nội) mà cô đang thuê trọ. Do lượng công việc khá nhiều nên cô đang tuyển thêm nhân viên để bán hàng.

Theo Diệu Thủy

Theo Infonet
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.