Cổ đông nhà nước: Hành trình giúp doanh nghiệp tái cấu trúc sau cổ phần hóa

0:00 / 0:00
0:00
Kỳ cuối: “Những “quả ngọt” của DN sau cổ phần hóa

Sau mùa đại hội đồng cổ đông 2021, giới đầu tư và cổ đông của doanh nghiệp (DN) sau cổ phần hóa đang trông chờ vào những thay đổi trong quản trị DN để thúc đẩy hiệu quả hoạt động cao hơn. Nhiều thương hiệu hàng đầu Việt Nam niêm yết trên sàn chứng khoán với giá trị vốn hóa cao đều có nguồn gốc DN nhà nước.

Tái cấu trúc mạnh mẽ

Sự phát triển của DN là minh chứng rõ rệt cho những kết quả tích cực từ chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn ở các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm chi phối. Để có thể đạt được kết quả tăng trưởng như hiện nay, FPT Telecom (Công ty cổ phần viễn thông FPT thuộc Tập đoàn FPT) phải trải qua hơn 15 năm tái cấu trúc mạnh mẽ với các định hướng chiến lược đề ra.

Cổ đông nhà nước: Hành trình giúp doanh nghiệp tái cấu trúc sau cổ phần hóa ảnh 1

Biểu đồ kết quả kinh doanh của FPT Telecom

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom cho biết, kể từ khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, DN luôn có sự tham gia chi phối của cổ đông nhà nước do SCIC làm đại diện từ tháng 7/2005 đến nay. SCIC luôn thể hiện vai trò của một cổ đông lớn, năng động, tích cực, hỗ trợ công ty hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. SCIC cũng đồng hành cùng FPT Telecom trong công tác quản trị và kiểm soát thông qua công tác Người đại diện, tham gia phối hợp tích cực với Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát công ty trong xây dựng chiến lược và định hướng phát triển sản xuất kinh doanh của công ty; nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý tối ưu nguồn vốn...

“Trong hành trình gắn kết với FPT Telecom, công tác tái cơ cấu doanh nghiệp được làm thường xuyên liên tục, chứ không đợi đến kỳ đại hội đồng cổ đông mới được đem ra mổ xẻ, quyết định”, ông Hoàng Nam Tiến cho biết.

Như câu chuyện ứng phó với đại dịch COVID-19, SCIC đã tích cực kết nối FPT Telecom đến với các đơn vị, doanh nghiệp mà SCIC đang quản lý phần vốn để tạo sự giao thoa hợp tác, đơn cử như việc tổ chức Đại hội cổ đông trực tuyến (Vinamilk), phát triển trung tâm Dữ liệu kịp thời để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh về lưu trữ và dịch vụ trực tuyến thời kỳ dịch bệnh.

Không riêng với FPT Telecom, hiện danh mục đầu tư của SCIC gồm 148 doanh nghiệp, với giá trị vốn nhà nước trên 40.000 tỷ đồng, giá trị vốn hóa thị trường đạt trên 190.000 tỷ đồng (hơn 8 tỷ USD) nên công tác quản trị doanh nghiệp, quản trị danh mục được quan tâm đặc biệt.

“Điều cần thiết là sẵn sàng nắm bắt cơ hội, thay đổi mạnh mẽ về quản trị, để bắt nhịp ngay với thị trường để ứng phó với diễn biến của dịch bệnh. Chúng tôi đạt được sự thống nhất cao trong hệ thống người đại diện rằng, chúng ta sẽ chọn giải pháp đối mặt với khó khăn và cùng tìm kiếm cơ hội trong khó khăn”, ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc SCIC chia sẻ.

Nỗ lực xóa “hạt sạn”

Bên cạnh DN đạt hiệu quả cao, công tác điều hành, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số DN sau cổ phần hóa vẫn là “bình mới, rượu cũ”, thiếu đột phá. Tại một số đơn vị trực thuộc vẫn theo tư duy cũ, nặng tính bao cấp, hành chính; quyết định của bộ máy lãnh đạo công ty, người đại diện phần vốn nhà nước còn phụ thuộc vào quyết định của Nhà nước, còn nặng nề cơ chế xin - cho, ảnh hưởng đến sự chủ động của DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và không bắt kịp xu hướng công nghệ.

Một trong những DN còn gặp nhiều khó khăn cần sự nỗ lực của SCIC như Tổng Công ty Sông Đà. Sau khi tiếp nhận từ Bộ Xây dựng từ 31/8/2020, SCIC đã làm việc với Người đại diện và Hội đồng quản trị, Ban điều hành Sông Đà rà soát các công việc trọng tâm của Sông Đà, tập trung xử lý một số vướng mắc trọng yếu: thúc đẩy sớm quyết toán vốn nhà nước tại thời điểm Sông Đà chính thức chuyển thành công ty cổ phần; phương án tài chính để trả nợ khoản vay. Bên cạnh đó, SCIC thực hiện quyền cổ đông tại Sông Đà nắm bắt và hỗ trợ doanh nghiệp chủ động quản trị công nợ phải thu, cho vay; tình hình công nợ phải trả; ký phụ lục hợp đồng thế chấp tài sản cho các khoản vay ADB; chủ trương tham gia đấu thầu dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng; sửa đổi ban hành một số quy chế nội bộ; và thực hiện quyền cổ đông của Sông Đà tại các công ty con, liên kết....

SCIC cũng mời công ty tư vấn Deloitte rà soát đánh giá tổng thể hình hình tài chính và hoạt động SXKD của Sông Đà làm cơ sở đề xuất các giải pháp quản trị phù hợp và định hướng xây dựng chiến lược hoạt động trong thời gian tới. Hiện nay, công trình do Sông Đà thi công với vai trò Tổng thầu thi công đã đi vào giai đoạn quyết toán, các dự án thủy điện mới có quy mô lớn cũng không còn nhiều, thêm vào đó khó khăn của dịch bệnh COVID-19 làm cho hoạt động SXKD của Sông Đà trong năm 2020 tiếp tục khó khăn. Năm 2020, tổng doanh thu 923 tỷ đồng, bằng 63% thực hiện năm 2019, lợi nhuận sau thuế đạt 31,12 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận thuần/ Doanh thu thuần đạt 6,1% và Tỷ suất lợi nhuận/ Vốn chủ sở hữu đạt 0,7%. Do đó, trong thời gian tới SCIC sẽ tiếp tục chỉ đạo Sông Đà tăng cường công tác quản trị, đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm các dự án, gói thầu mới nhằm năng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thực tế này đòi hỏi phải thúc đẩy tính thị trường trong các doanh nghiệp cổ phần hóa có vốn nhà nước. Cần có quy định cụ thể trách nhiệm của người đại diện vốn trong việc thực hiện quyền đại diện vốn trong công ty cổ phần.

Thúc đẩy đầu tư hiệu quả

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn từ 2020 trở đi, danh mục DN bàn giao về SCIC được dự báo sẽ giảm dần cả về số lượng và giá trị. Thực tế này đòi hỏi SCIC phải chuyển trọng tâm nhiệm vụ sang hoạt động đầu tư kinh doanh vốn. SCIC đã xây dựng và báo cáo cơ quan có thẩm quyền trình Chính phủ xem xét ban hành chiến lược và kế hoạch đầu tư phát triển dài hạn của SCIC để làm căn cứ thúc đẩy các hoạt động đầu tư trong thời gian tới.

Mới đây, trước yêu cầu cấp bách phải khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC đã triển khai đầu tư mua cổ phiếu tăng vốn điều lệ tại Vietnam Airlines, Việc đầu tư này nhằm góp phần bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, hạn chế các tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo một số chuyên gia, trong thời gian tới SCIC cần thực hiện đầy đủ và rõ nét hơn vai trò là nhà đầu tư của Chính phủ, tham gia đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế hoặc Nhà nước cần tiếp tục nắm giữ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp. Với vai trò nhà đầu tư Chính phủ, SCIC được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các cơ hội đầu tư, tối ưu hóa các nguồn lực của đất nước, từ đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế ngày càng hiệu quả.

Cổ đông nhà nước: Hành trình giúp doanh nghiệp tái cấu trúc sau cổ phần hóa ảnh 2

SCIC thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines

Theo nhiều chuyên gia, chỉ khi doanh nghiệp có vốn nhà nước có sự thay đổi mang tính bước ngoặt về quản trị, nhân sự cũng như cơ chế hoạt động mới kỳ vọng về việc nâng cao hiệu quả hoạt động.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.