Cố đô Huế 'Vọng Thiên niên kỷ'

Những diễn viên “nhí” trên sàn tập chương trình khai mạc. Ảnh: Thanh Tùng
Những diễn viên “nhí” trên sàn tập chương trình khai mạc. Ảnh: Thanh Tùng
TP - 20 giờ hôm nay, tại Quảng trường Ngọ Môn, trên sân khấu Kỳ Đài hùng vĩ sẽ diễn ra lễ khai mạc Festival Huế lần thứ 6 với một chương trình nghệ thuật tổng hợp, tỏa sáng tinh hoa văn hóa Việt Nam.

Chương trình khai mạc còn có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Pháp, Bỉ.

Những diễn viên “nhí” trên sàn tập chương trình khai mạc. Ảnh: Thanh Tùng
Những diễn viên “nhí” trên sàn tập chương trình khai mạc.
Ảnh: Thanh Tùng.


Di sản văn hóa hội nhập và phát triển

Các lễ hội cung đình, các sản phẩm của Festival Huế đã trở thành thương hiệu được nâng tầm nghệ thuật, các chương trình nghệ thuật, lễ hội cộng đồng đều có yếu tố mới. Ngoài 20 đoàn nghệ thuật trong nước, lần đầu tiên có đủ 5 châu lục tham gia với hơn 47 đơn vị nghệ thuật, nhóm nghệ sĩ. Trong đó có cuộc hội ngộ đầy ấn tượng của các thành phố cố đô, các thành phố có di sản văn hóa thế giới, có những Đêm Phương Đông lộng lẫy sắc màu diễn ra trong không gian lộng lẫy, vàng son của Đại Nội Huế.

Nhiều chương trình nghệ thuật sẽ cho thấy văn hóa Huế là thành quả của văn hóa từ nhiều miền đất nước hội tụ về; có sự giao thoa, có nét tương đồng của nhiều nước trong khu vực, có sự dung hòa các yếu tố văn hóa khác nhau của Huế, một thế mạnh của Huế trong xu thế hội nhập để phát triển.

Trước ngày khai mạc, Tổng cục Di sản văn hóa Hàn Quốc có cuộc bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế một số sản phảm kỹ thuật số, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu trùng tu di tích, lưu trữ dữ liệu hình ảnh chất lượng cao - sản phẩm của một số dự án hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn di sản nhằm chung tay bảo tồn và phát huy di sản Huế bằng công nghệ 3D.

Hướng về ngàn năm Thăng Long - Hà Nội

Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm 375 năm chúa Nguyễn Phúc Lan chuyển thủ phủ Đàng Trong về Kim Long và công cuộc Nam tiến của tiền nhân là ý tưởng chỉ đạo và cảm hứng sáng tạo của một số lễ hội được coi là những điểm nhấn của Festival 2010.

Đó là lễ hội Hành trình mở cõi, lễ hội tái hiện những cuộc Thao diễn thủy binh thời chúa Nguyễn, lễ hội áo dài mang chủ đề Vọng Thiên niên kỷ. Nhiều triển lãm mỹ thuật là cuộc hội ngộ của các tác giả đến từ các kinh đô cũ của Việt Nam như triển lãm ảnh, triển lãm tranh Từ Cố đô đến Cố đô; triển lãm ảnh Hà Nội - Huế - Sài Gòn xưa; sinh viên ĐH Nghệ thuật Huế vẽ bức tranh đường phố khổng lồ: Ký ức từ Cố đô Thăng Long đến Cố đô Huế. v.v…

Văn hóa Huế là một vùng văn hóa độc đáo của dân tộc Việt được khởi nguồn từ dòng chảy văn hóa Thăng Long. Đó là một giá trị mới được hình thành, phát triển song song với hành trình mở cõi. Một trong những thành quả đó là văn hóa Huế, được công nhận di sản văn hóa thế giới, trở thành giai điệu chủ của Festival đẳng cấp quốc tế. Festival Huế là một diễn đàn, một không gian diễn xướng lý tưởng để tôn vinh các giá trị di sản văn hóa.

MỚI - NÓNG