Có địa chỉ hẳn hoi!

TP - Lại chuyện người lao động sốt vó vì thị trường Hàn Quốc đóng cửa, trong khi còn mấy tháng nữa chứng chỉ tiếng Hàn hết hạn.

> Bộ LĐ-TBXH loay hoay, lao động tuyệt vọng
> Hết cửa xuất khẩu lao động?
> Cửa xuất ngoại hẹp dần

Chuyện này báo chí nói mãi rồi mà cũng chẳng tiến triển gì, chẳng thấy ai nhận trách nhiệm và hành động vì cái trách nhiệm đó. Hôm qua lại thêm một động thái mới.

Nam Cao diễn cái độ “hoành tráng” của Chí Phèo khi chửi: “…Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ “chắc nó trừ mình ra! Không ai lên tiếng cả...”. (trích “Chí Phèo” của Nam Cao).

Nghe thì hoành tráng, nhưng rốt cuộc Chí Phèo chẳng chửi ai cả.

Thử chửi một cái tên cụ thể “thằng nào đó”trong làng Vũ Đại xem, Chí sẽ no đòn, kể cả chửi đứa hạ đẳng nhất! Ai chả có tự trọng?Nhiều thế hệ học sinh học tác phẩm này đều nghĩ thế.

Trong văn học thì đoán là Chí Phèo sẽ bị nhừ tử nếu chửi có địa chỉ. Thế nhưng, ở cuộc sống thực thì chưa hẳn. Một số người vẫn mũ ni che tai. Ai chửi, kệ! Đặc biệt là “chửi” để tìm địa chỉ của trách nhiệm.

Vụ việc thị trường lao động Hàn Quốc bị tạm đóng cửa, lao động trong nước lo lắng (mà lao động cũng đang “chửi ầm ầm” lên đấy), báo chí đã chỉ ra nguyên nhân, nhưng cũng chẳng ăn thua gì!

Hay là chưa nêu tên cụ thể nên họ vẫn nghĩ “trừ mình ra”?

Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước Phan Văn Minh (cơ quan duy nhất được đưa lao động sang Hàn Quốc theo Luật cấp phép mới) - đơn vị thuộc Bộ LĐ-TB&XH, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa là những người được phân công chịu trách nhiệm về những gì xảy ra với thị trường, với lao động xuất ngoại tại các thị trường nói chung và Hàn Quốc nói riêng. Giờ đây, thị trường Hàn Quốc đóng cửa, người lao động “như ong vỡ tổ” các ông nói gì với người lao động?

Các ông nói “Nhận thức và ý thức của nhiều lao động Việt Nam rất hạn chế” là nguyên nhân chính của tình trạng bỏ trốn, khiến Hàn Quốc quyết định đóng cửa! Chính các ông là những người có trách nhiệm nâng “ý thức kém” của người lao động lên trước khi xuất ngoại mà?

Ngày 16/7 diễn ra cuộc họp bàn giải pháp khai thông thị trường Hàn Quốc (do ông Nguyễn Thanh Hòa, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh chủ trì, có sự tham gia của bà Kim Bukyung, đại diện Cục Lao động nước ngoài, Bộ Việc làm Hàn Quốc).

Tại cuộc họp này Bộ LĐ-TB&XH công bố báo cáo nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và bị bà Kim đã “phản pháo” rằng, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra thông tin thiếu tin cậy, chưa chính xác. Bà Kim cho biết: Trong 15 quốc gia đưa lao động sang Hàn Quốc thì Việt Nam có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao nhất.

“Chúng tôi khảo sát doanh nghiệp Hàn Quốc họ nói rằng, họ ưa chuộng lao động Philippines, Indonesia hơn lao động Việt Nam” (chứ không như Bộ LĐ-TB&XH nói, Hàn Quốc ưa chuộng lao động Việt Nam). Nhiều ý kiến khác của đại diện Bộ LĐ-TB&XH cũng bị bà Kim “bẻ” ngay tại cuộc họp, khiến nhiều người cho rằng, cơ hội mở lại thị trường này còn rất mờ mịt!

Như vậy, hơn 1 vạn lao động đã có chứng chỉ tiếng Hàn (hết hạn tháng 12/2013) sẽ còn phải dài cổ đợi. Theo tính toán của một cán bộ Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, để có chứng chỉ tiếng Hàn, người lao động bỏ ra ít nhất 6 triệu đồng. Thử nhân 6 triệu đồng với 1 vạn chứng chỉ xem ra con số bao nhiêu. Đó là chưa tính sự chờ đợi khiến lao động mất nhiều cơ hội việc làm khác, cũng như là lãi suất các khoản vay…

Đã có địa chỉ của những người chịu trách nhiệm. Rồi sao nữa?

Theo Báo giấy