![]() |
Chiều 19/9, Hội dạy nghề TP HCM tổ chức lễ cưới tập thể mang tên "Đám cưới vì cộng đồng 2014" cho 20 cặp đôi là người khuyết tật, công nhân, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Họ được miễn toàn bộ chi phí thực hiện đám cưới.
![]() |
Anh Nguyễn Văn Dũng, quê Đồng Tháp, có đôi chân bị teo từ nhỏ cũng đưa vợ khiếm thị lên TP HCM tổ chức đám cưới. "Lúc trước không có điều kiện, hai đứa thương nhau về sống chung, giờ tui muốn có lễ cưới đường hoàng để vợ mình có váy cưới, có hoa, được là cô dâu đúng nghĩa", anh Dũng cười.
![]() |
Vợ chồng anh Dũng đã sống với nhau được 12 năm tại Đồng Tháp. Anh cho biết, hàng ngày chạy xe lăn đi bán vé số, vợ ở nhà chăm 2 con nhỏ. "Tiền bán vé số thiếu trước hụt sau với 4 nhân khẩu trong gia đình nên đám cưới hôm nay là ước mơ thành hiện thực. Cực khổ nhưng tui chỉ mong một ngày được làm cho vợ vui, có được bộ ảnh cưới để sau này già ngắm nhìn", anh Dũng hạnh phúc nói.
![]() |
Hai con của anh chị và mẹ vợ cũng từ Đồng Tháp lên tham dự. Gia đình 5 người đi tới đâu cũng quấn quýt bên nhau làm lễ cưới thêm nhiều tiếng cười.
![]() |
Ngọc Sơn - Huỳnh Lê quen nhau 4 năm nhưng tân lang cho biết chỉ ngỏ lời yêu một tháng trước. Bị khuyết tật vận động, anh là một ảo thuật gia, còn chị Lê dù phải ngồi xe lăn từ bé nhưng đang theo nghề thiết kế. Thu nhập của họ mỗi tháng chừng 3 triệu đồng nhưng cả hai rất năng nổ trong công tác xã hội. "Cũng nhờ các chuyến đi, hoạt động xã hội mà cảm mến nhau. Đây cũng là chất kết dính của 2 đứa dù gia đình hai bên không ưng ý", Sơn chia sẻ.
![]() |
Sau khi uống ly rượu giao bôi, đôi uyên ương chính thức trở thành chồng vợ, nguyện ước lâu nay với nhiều cặp đôi đã thành hiện thực.
![]() |
Trước đó, đội ngũ hậu cần có buổi chiều bận rộn. Chị Loan cho biết, không nhìn được nên mọi khâu trang điểm, thẩm mỹ tin tưởng hết vào tay nghề của những anh chị trong trung tâm dạy nghề. "Cũng chưa xem được lễ cưới nào nên bồi hồi lắm, được các anh chị lo hết nhưng vẫn căng thẳng lắm, cưới mà", chị Loan trông bẽn lẽn.
![]() |
Những cặp đôi là người khuyết tật đều có tình nguyện viên hướng dẫn. "Các anh chị khiếm thị rất giỏi đi lại nhưng ở không gian mới nên còn lạ lẫm. Quan trọng là lễ cưới các anh chị đều hồi hộp nên sự nhạy bén không còn được như thường lệ, mình phải tận tình hướng dẫn", chị Út - một tình nguyện viên, nói.
![]() |
Để bớt căng thẳng, cô dâu cho chú rể khiếm thị chơi trò chọn vợ. Ba cô dâu im lặng hoán đổi vị trí cho nhau, chú rể phải sờ tay từng người để chọn đúng vợ mình. Qua trò chơi, chú rể đã tự tin trở lại.



