Có đất nhưng chưa có nhà vẫn được vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng

Có đất nhưng chưa có nhà vẫn được vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng
TP - Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Xây dựng cho biết, đã ban hành văn bản để bãi bỏ một số quy định gây phiền toái cho người mua nhà, giúp người dân tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dễ dàng hơn.

> Gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng tại Hà Nội: Tắc đủ đường
> Vỡ mộng nhà giá rẻ

Ông có thể cho biết đã có bao nhiêu trường hợp được vay tiền từ gói hỗ trợ?

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, NHNN: Tính đến 13/8/2013, các ngân hàng đã cam kết cho vay 219 khách hàng cá nhân với số tiền 65,57 tỷ đồng và đã giải ngân cho 208 khách hàng với dư nợ 48,92 tỷ đồng. Ngân hàng Vietinbank đã giải ngân 19,5 tỷ đồng cho 78 khách hàng, Vietcombank giải ngân 17,11 tỷ đồng cho 71 khách hàng, BIDV giải ngân 5,46 tỷ đồng cho 25 khách hàng, Agribank giải ngân 6,84 tỷ đồng cho 34 khách hàng, MHB cam kết cho 11 khách hàng vay 2,7 tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia đánh giá lãi suất 6% là khá thấp nhưng với người thu nhập thấp vẫn là rào cản lớn. Hà Nội cũng đề xuất nới điều kiện vay tiền mua nhà, NHNN có ý kiến gì?

 “Về đối tượng thu nhập thấp, do có nhiều cách hiểu khác nhau, NHNN đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng hủy bỏ yêu cầu phải xác nhận về thu nhập thấp”.  

Vụ trưởng Vụ Tín dụng, NHNN, Nguyễn Viết Mạnh

Ông Nguyễn Viết Mạnh: Gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ 10 năm với lãi suất 6%/năm là gói chưa từng có. Các đối tượng và điều kiện vay vốn của khách hàng là điều kiện do Bộ Xây dựng quy định. Việc cho vay 10 đến 15 năm phụ thuộc vào tình hình tài chính của khách hàng. Nếu khách hàng đảm bảo khả năng trả trong 7 năm thì cũng có thể vay trong 7 năm. Theo tính toán, thu nhập bình quân đầu người của chúng ta là 1.200 – 1.300 USD. Sau 10 năm tới, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng. Như vậy khoản vay gốc 400 -500 triệu đồng hiện nay sẽ giảm xuống còn 100 triệu và như vậy không phải là khó khăn với người vay.

Người dân cho rằng những quy định gây khó như xác nhận tình trạng nhà ở, chứng minh thu nhập… khiến giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thời gian qua chậm. Bộ Xây dựng và NHNN có biện pháp gì để tháo gỡ?

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng: Việc giải ngân chậm thời gian qua một phần do thiếu nguồn cung cho nhà ở xã hội (NXH) và nhà ở thương mại có diện tích nhỏ. Hà Nội có đề xuất xem xét cho chuyển đổi 26 dự án. Bộ Xây dựng đã cho phép chuyển đổi một số dự án. Tuy nhiên, việc chuyển đổi diện tích nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội cũng có khó khăn do vấn đề kỹ thuật cũng như mật độ dân số. Đến nay có 59 dự án đủ điều kiện để vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng được Bộ Xây dựng giới thiệu để NHNN và 5 NHTM xem xét cho vay.

Ông Nguyễn Viết Mạnh: Để đẩy nhanh việc giải ngân gói tín dụng, NHNN và Bộ Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn từng trường hợp cụ thể và mở hơn cho một số đối tượng mới. Điển hình như: Khách hàng mua nhà đang công tác tại DN đóng bảo hiểm đủ một năm nhưng không liên tục vẫn được xem xét cho vay vốn. Ngay cả trường hợp, khách hàng chưa có nhà nhưng đã có đất (đã đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cũng có thể vay hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, nếu diện tích đất bằng hoặc lớn hơn tiêu chuẩn diện tích đất tối thiểu theo quy định của UBND cấp tỉnh thì không được tham gia chương trình vay vốn.

Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn triển khai và đôn đốc UBND xã, phường tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình trong việc xác nhận hộ khẩu và thực trạng nhà ở để hoàn tất thủ tục vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng hỗ trợ theo Nghị quyết 02. Trong thời gian tới, NHNN sẽ đề nghị Bộ Tư pháp chỉ đạo các văn phòng công chứng chấp thuận công chứng tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay, đặc biệt là nhà ở xã hội để người dân có thể tiếp cận gói hỗ trợ.

Có ý kiến tập trung nhà thu nhập thấp quá nhiều sẽ dẫn tới tình trạng dư thừa trong 2-3 năm tới. Khi đó sẽ có tình trạng chuyển nhượng nhà trái phép như báo Tiền Phong nêu mới đây. Bộ Xây dựng có biện pháp gì để xử lý nếu vi phạm xảy ra?

Ông Nguyễn Trọng Ninh: Thời điểm hiện nay, nguồn cung đang thiếu thì phải tập trung giải quyết. Với những trường hợp vi phạm quy định về chuyển nhượng, mua bán nhà thu nhập thấp thì Bộ Xây dựng đã có văn bản quy định. Theo đó, trách nhiệm chính là chính quyền các địa phương phải đôn đốc, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với địa phương thanh tra theo quy định.

Phạm Tuyên
ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG