Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan

Cơ chế đặc thù cho TPHCM: Tăng thuế, phí phải nghiên cứu, có sản phẩm, đề án

Cơ chế đặc thù sẽ giúp TPHCM giải quyết bài toán kẹt xe, ngập nước.
Cơ chế đặc thù sẽ giúp TPHCM giải quyết bài toán kẹt xe, ngập nước.
TP - Bên hành lang cuộc họp, trao đổi với Tiền Phong, Chánh Văn Phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết trong 19 nội dung của Nghị quyết có 10 nội dung là việc làm bình thường hàng năm nên thực hiện khá thuận lợi như việc lập danh mục các khu đất trên 10 ha; danh mục các dự án nhóm A sử dụng nguồn vốn của thành phố; sắp xếp doanh nghiệp nhà nước…

Theo ông Hoan, có 9 nội dung phải nghiên cứu, có sản phẩm, đề án, như: Đề án phân cấp ủy quyền; Kế hoạch sử dụng nguồn thu từ cổ phần hoá các doanh nghiệp; Đề án cải cách tiền lương; Đề án một số loại phí, lệ phí ngoài danh mục; Đề án tăng mức phí, lệ phí một số loại phí đã có trong quy định…

Cơ chế đặc thù cho TPHCM: Tăng thuế, phí phải nghiên cứu, có sản phẩm, đề án ảnh 1 Ông Võ Văn Hoan.

“Muốn thu loại phí gì phải nghĩ ra. Phải xác định lộ trình, tới năm nào áp dụng loại phí gì…Tăng mức phí, lệ phí một số loại đã có trong quy định cũng vậy. Hiện nay sử dụng như thế nào, thu bao nhiêu thì phù hợp với điều kiện TPHCM, tăng thuế, thuế suất ngoài bia, rượu, thuốc lá… còn gì nữa phải nghiên cứu kỹ”, ông Hoan nói.

Vì sao không gộp chung phí, lệ phí mới (cần nghiên cứu) và phí lệ phí trong danh mục (đã có sẵn, có thể làm ngay) để có một bức tranh tổng thể như đề xuất của một số chuyên gia? Ông Hoan nói việc gộp chung sẽ dẫn đến chậm trễ trong triển khai thực hiện. Đối với những lĩnh vực mới mẻ, quá trình soạn thảo đề án phải đảm bảo đúng quy trình.

Chánh Văn phòng UBND TPHCM cho biết tháng 6/2018, TPHCM có thể hoàn thành đề án phân cấp uỷ quyền; đề án ứng vốn triển khai các dự án đường vành đai; sử dụng nguồn cổ phần hoá; điều chỉnh mức phí, lệ phí đã có trong danh mục. Riêng các các loại phí mới cần phải nghiên cứu trước khi áp dụng.

“UBND TPHCM chỉ có 3 tháng xây dựng. Ba tháng còn lại dành cho Thành uỷ, HĐND TPHCM xem xét, quyết định”, ông Hoan nói.

Cơ chế đặc thù cho TPHCM: Tăng thuế, phí phải nghiên cứu, có sản phẩm, đề án ảnh 2 TS Huỳnh Thế Du.

TS Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright:

Tính không khéo, các hoạt động kinh tế sẽ chảy sang nơi khác

“TPHCM gặp những thách thức do những giới hạn do không đạt sự tăng trưởng và phát triển. Năng lực cạnh tranh giảm. Khi thực hiện đề án này, quan trọng nhất là phải tăng năng lực cạnh tranh của TPHCM, tăng khả năng thu ngân sách và tăng GDP.

Đó là cái neo. Nhìn cái neo này thì phải cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, làm sao để thu hút được các doanh nghiệp đến TPHCM tổ chức hoạt động kinh doanh. Các nguồn lực của TPHCM phải được sử dụng hiệu quả. Đơn cử như khu đô thị mới Thủ Thiêm phải có hàng trăm cao ốc mọc lên; các văn phòng cho thuê hạng A tạo ra các cơ chế hoạt động kinh tế.

Tôi nhóm ưu tiên ngân sách: nguồn thu ngân sách mà ở đây có hai khía cạnh là thuế và phí. Khi tính toán, nhìn ở khía cạnh tài chính công thì phải đảm bảo ba điều kiện cơ bản. Thứ nhất: hiệu quả, thuế áp dụng sẽ làm giảm sự bóp méo. Thứ hai là công bằng, nghĩa là nơi có khả năng thu thuế, nộp thuế cao thì phải nộp thuế cao hơn và thứ ba là khả năng hành thu.

Điều này cực kỳ quan trọng bởi vì các hoạt động kinh tế, nếu làm không khéo sẽ chạy hết sang địa phương khác. Khi đó, việc tăng thuế tác động và làm cho nguồn thu giảm. Phải nhìn ở góc độ TPHCM trở thành chỗ trũng để doanh nghiệp các nơi khác đổ về. Về ngân sách phải đảm bảo hiệu quả, công bằng và tính khả thi trên cơ sở tăng nguồn thu thuế nó vượt so với sự tác động ngược lại.

Phí, lệ phí tăng là xác đáng. Gom cả hai thứ lại và tính xem như thế nào để có mức thu hiệu quả”.

Huy Thịnh

MỚI - NÓNG