Cơ cấu lại Tổng cục Thể dục thể thao: Cần đảm bảo hiệu quả hoạt động

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhà báo kỳ cựu Nguyễn Lưu cho rằng việc cơ cấu lại Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) cần đảm bảo hiệu quả hoạt động của bộ máy, phát huy vai trò của thể thao đối với phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Nếu phải “hạ cấp” xuống cấp cục, ngành thể thao có thể gặp nhiều khó khăn.

Bộ VH-TT&DL đang lên kế hoạch kiện toàn cơ cấu tổ chức Tổng cục TDTT theo hướng không duy trì mô hình tổng cục. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

Cơ cấu lại Tổng cục Thể dục thể thao: Cần đảm bảo hiệu quả hoạt động ảnh 1

Tổng cục TDTT sẽ bị hạ xuống cấp cục theo kế hoạch cơ cấu lại bộ máy của Bộ VH-TT&DL? Ảnh: H.A

Trước hết tôi cho rằng việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là hợp lý. Bộ VH-TT&DL hiện có rất nhiều đơn vị trực thuộc. Tuy nhiên chúng ta không thể tinh giản một cách máy móc, mà cần xét đặc thù từng ngành. Thể thao là ngành đặc thù, việc quản lý hoạt động thể dục thể thao không như các ngành khác, nên khi cơ cấu lại bộ máy cần xét yếu tố này. Sắp xếp phải theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động còn ngược lại, nếu cản trở sự phát triển thì chúng ta phải cân nhắc.

Thể thao dù không đóng góp giá trị kinh tế trực tiếp nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến xã hội. Thực tế cho thấy hơn 70 năm qua ngành thể thao làm được rất nhiều việc. Các thành tích của thể thao tạo nên sự khích lệ lớn đối với cộng đồng, khơi gợi lòng yêu nước, tình đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, có ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự xã hội và uy tín quốc tế…Chúng ta có thể nhìn lại thành công của SEA Games 31 ở khía cạnh này.

Phát triển kinh tế thể thao đang có xu hướng tăng lên, nhiều hoạt động tạo nguồn thu tốt. Trong lúc chúng ta đang phát triển như vậy mà “hạ cấp” Tổng cục TDTT thì liệu có kìm hãm đà phát triển?

Ông có gợi ý nào để kiện toàn lại bộ máy Tổng cục TDTT hiện nay?

Tôi xin lưu ý trong quá trình phát triển, Tổng cục TDTT đã nhiều lần được thay đổi mô hình, gồm cả hạ xuống cấp cục nhưng sau đó lại nâng lên. Tiền thân của Tổng cục TDTT hiện nay là Nha Thanh niên và Thể dục, được thành lập theo sắc lệnh của Bác Hồ năm 1946. Ban Thể dục thể thao Trung ương sau này là đơn vị trực thuộc Chính phủ.

“Lãnh đạo ngành thể thao cần những người không chỉ giỏi chuyên môn, công tác quản lý mà cả bản lĩnh để đưa ra các quyết sách cần thiết, thậm chí ý kiến phản biện các cấp lãnh đạo. Mô hình tổ chức quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là con người”.

Nhà báo Nguyễn Lưu

Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới vẫn duy trì Bộ Thể thao hoặc Bộ Thể thao Thanh niên như Nga, Pháp, Malaysia…Một số quốc gia khác tinh giản bộ máy thể thao, thực hiện xã hội hoá thể thao rất tốt như Thái Lan nhưng so với họ, điều kiện của chúng ta hiện nay khó có thể làm được.

Theo tôi, nếu “hạ cấp” thì Bộ VH-TT&DL cần có sự nghiên cứu kỹ, cần có tiếng nói phản biện. Một việc lớn như vậy mà làm trong thời gian ngắn càng cần phải cân nhắc. Tôi được biết là cán bộ, nhân viên ngành thể thao rất tâm tư. Nếu không giải quyết tốt, các hoạt động thể thao sắp tới mà gần nhất là SEA Games 32 sẽ có thể bị ảnh hưởng.

Theo ông, vấn đề quan trọng đối với ngành thể thao hiện nay là gì?

Tôi cho rằng vấn đề lớn nhất là ngành thể thao đang thiếu đội ngũ lãnh đạo, các nhà chuyên môn đủ tầm. Đây là hệ quả của một giai đoạn dài ngành thể thao không có sự chuẩn bị về nhân sự lãnh đạo kế cận. Điều này khiến cho công tác quản lý, điều hành thể thao nhiều năm qua gây nên rất nhiều lùm xùm. Việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo gây điều tiếng. Tôi cho rằng đây là điều rất đáng buồn, vì lãnh đạo cần những người không chỉ giỏi chuyên môn, công tác quản lý mà cả bản lĩnh để đưa ra các quyết sách cần thiết, thậm chí ý kiến phản biện các cấp lãnh đạo. Mô hình tổ chức quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là con người.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Quảng Nam trả lời việc doanh nghiệp xin cấp phép thăm dò vàng
Chủ tịch Quảng Nam trả lời việc doanh nghiệp xin cấp phép thăm dò vàng
TPO - Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khu vực doanh nghiệp đề xuất khoan thăm dò không thuộc khu vực cấm, khu vực thuộc đất quốc phòng an ninh, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Vấn đề ô nhiễm môi trường hay không do Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đánh giá, việc xem xét cấp phép hay không do Trung ương quyết định.