Hệ thống MLRS M270. Ảnh: Getty |
Pháo phản lực phóng loạt (MLRS) M270 và pháo phản lực phóng loạt cơ động cao (HIMARS) M142 là 2 phiên bản của hệ thống pháo phản lực do Mỹ sản xuất và có thể sử dụng gần như cùng loại rocket.
Tùy thuộc vào loại rocket, 2 hệ thống này có thể đạt tầm bắn từ 32-70km đến 500km. Điểm khác biệt chính là MLRS sử dụng hệ thống bánh xích, có thể mang được số lượng rocket gấp đôi so với HIMARS (gắn trên bệ xe tải).
Các quan chức Ukraine đã đề cập đến cả 2 hệ thống này trong số những vũ khí mà họ muốn Mỹ và các đồng minh viện trợ để đối phó với Nga.
Ukraine có nhiều bệ phóng loạt Grad và Uragan (thời Liên Xô), nhưng vẫn mong muốn được viện trợ các hệ thống của Mỹ vì cho rằng những vũ khí này sẽ mang lại lợi thế cho họ trên chiến trường.
Theo nguồn tin của CNN, chính quyền Tổng thống Joe Biden chưa muốn cung cấp các bệ phóng loạt cho Ukraine do lo ngại Kiev có thể sử dụng những hệ thống này để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Một số vụ tấn công bằng đạn pháo và trực thăng nhằm vào lãnh thổ Nga đã xảy ra trong vài tuần qua. Mátxcơva đổ lỗi cho Ukraine, nhưng Kiev bác bỏ cáo buộc.
Washington cũng lo ngại rằng Mátxcơva sẽ coi việc chuyển giao MLRS và HIMARS cho Ukraine là một hành động khiêu khích nghiêm trọng của Mỹ. Ngoài ra, nhiều người còn tỏ ra ái ngại vì Mỹ sẽ phải tự xuất kho vũ khí - vốn có hạn của mình - để viện trợ cho Ukraine.
Các quan chức Lầu Năm Góc đã gặp Giám đốc điều hành của Lockheed Martin để thảo luận về khả năng tăng cường sản xuất MLRS, một nguồn tin cho biết.
Ngoài Mỹ, Anh cũng cho biết nước này đang cân nhắc chuyển giao cho Ukraine hệ thống pháo phản lực phóng loạt, nhưng London được cho là muốn làm việc này cùng Washington.
Các quan chức ở Kiev và những người ủng hộ Ukraine ở Mỹ nói rằng các bệ phóng của Mỹ sẽ giúp Kiev lật ngược tình thế.
Trong những ngày gần đây, Nga liên tục giành quyền kiểm soát thêm nhiều vùng lãnh thổ ở Ukraine. Và tình hình ở miền Đông Donbass dường như đang vuột khỏi tầm kiểm soát của lực lượng Ukraine. Thị trấn Liman, một thành trì lớn của quân đội Ukraine và là điểm giao nhau của các tuyến đường sắt, hiện đã thuộc quyền kiểm soát của lực lượng Nga.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos hôm 24/5, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba cho biết tình hình ở Donbass là "cực kỳ tồi tệ" và rằng trừ khi Mỹ gửi cho Kiev thêm bệ phóng loạt, thì quân đội nước này sẽ không thể tiếp tục tiến công.
Điện Kremlin từng nhiều lần cáo buộc Mỹ và các đồng minh tiến hành "chiến tranh ủy nhiệm" chống lại Nga bằng các lô viện trợ vũ khí, cũng như bằng cách đào tạo và chia sẻ thông tin tình báo với các lực lượng Ukraine. Quân đội Nga tuyên bố các lô vũ khí mà phương Tây viện trợ cho Ukraine sẽ được coi là mục tiêu tấn công hợp pháp.