Claude Cuvelier và cái duyên với kiến trúc Việt Nam

Claude Cuvelier và cái duyên với kiến trúc Việt Nam
TP - Năm 1997, kiến trúc sư người Pháp Claude Cuvelier được tập đoàn kiến trúc Site Architecture cử đến Việt Nam thực hiện công trình khách sạn Hilton. Nhưng ông không ngờ cơ duyên với Việt Nam, với kiến trúc đã lôi kéo ông ở lại mảnh đất này đến nay đã chẵn 11 năm.
Claude Cuvelier và cái duyên với kiến trúc Việt Nam ảnh 1
Kiến trúc sư Claude Cuvelier

“Khi tôi mới đến, Việt Nam chưa phát triển mạnh như hiện nay, Hà Nội và TPHCM chưa có nhiều nhà cao tầng và các khu đô thị mới hiện đại” - Claude bồi hồi nhớ lại.

Khách sạn Hilton hoàn thành với những lời khen ngợi về sự kết hợp hài hòa giữa nội thất hiện đại và bề ngoài rất hợp với cảnh quan xung quanh là Nhà hát Lớn Hà Nội, Claude lại được giao thực hiện công trình Tràng Tiền Plaza, được xây lại từ tòa nhà Gôđa có từ thời Pháp được nhiều thế hệ người Hà Nội quan tâm.

Tràng Tiền Plaza khánh thành đúng vào dịp trước Tết, người Hà Nội đổ xô tới ngắm xem và hôm khai trương đã... nghẽn cả thang cuốn. Với công trình này, Claude đã được tặng thưởng của Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

“Sau Tràng Tiền Plaza, tôi ở lại Việt Nam xây dựng phương án kiến trúc cho một số công trình, trong đó có công trình Trung tâm Ngôn ngữ và văn minh Pháp tại Hà Nội...” - Claude cho biết.

Tết Mậu Tý này cũng như 10 dịp Tết đã ở Việt Nam, Claude sẽ lại được đón một cái Tết Hà Nội, có dưa hành, bánh chưng xanh. Mỗi năm, Claude thường “tính toán” để... tránh Tết nếu phải về Pháp giải quyết công việc. Bây giờ, cuộc sống của ông là ở Hà Nội, nơi ông được làm việc, không chỉ vì tài chính mà vì danh tiếng và sự say mê; vì tình yêu với người vợ là một cô gái Hà Nội và hai đứa con - một trai, một gái  - đều rất xinh đẹp; vì những vinh quang đã và đang có.

Đầu năm 2007, Claude đã được Tổng thống Pháp khi đó là ông Jacques Chirac tặng thưởng Huân chương Bắc Đẩu bội tinh vì những đóng góp cho kiến trúc và mối quan hệ Pháp - Việt. Nhưng với Claude, có lẽ phần thưởng cao quý nhất cho ông chính là những công trình mới đã và sẽ mọc lên ở đất nước Việt Nam, nơi Claude được học bài học về sự quý giá của gia đình, bài học về thuật phong thủy, về những món ăn thuần Việt thơm ngon, ở đó có ngôi nhà sàn thuần chất Việt Nam nằm trên một quả đồi, với gia đình ấm áp của ông.

11 năm với hàng chục công trình lớn nhỏ nhưng vị kiến trúc sư người Pháp vẫn nhớ đến từng chi tiết những nơi ông đã đi qua, những công trình tâm đắc, trong đó có cả những công trình đã hoặc chưa được xây dựng như khách sạn Hilton và Vinpearl, về nhà ở có TD Plaza ở Hải Phòng hay Golden Westlake ở Hà Nội, hay công trình giáo dục như tòa nhà Trung tâm Đào tạo (ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội), dự án Eden ở TPHCM...

Trong số này, một dự án mà Claude và các đồng sự đã bỏ nhiều thời gian suy nghĩ, tìm ý tưởng và hết sức tâm đắc là đồ án thiết kế Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

“Chúng tôi đã mất hai tháng để nghĩ ra ý tưởng này. Điểm mạnh của nó là các mảng kính lớn ở mặt đứng, tôi đã lựa chọn loại kính đặc biệt, có thể sử dụng để chiếu các hình ảnh theo chủ đề của từng triển lãm, điều này sẽ làm mặt đứng của bảo tàng trở nên sống động. 1/3 mặt đứng sử dụng loại kính đúp hai lớp, cho phép điều khiến ánh sáng theo mong muốn bằng điện tử.

Claude Cuvelier và cái duyên với kiến trúc Việt Nam ảnh 2
Kiến trúc sư Claude Cuvelier và cựu Tổng thống Pháp Chirac

Ở khu vực sân trước có hai hàng tượng là các vị vua anh minh các triều đại ở Việt Nam cùng ba đồng tiền cổ trên nóc tòa nhà. Nếu được thi công theo phương án này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam sẽ cao 33m, dài 330m, là bảo tàng dài nhất và có mặt kính lớn nhất thế giới” - Claude hào hứng cho biết.

Trước khi thực hiện đề án, Claude và các đồng sự đã đi xem tất cả các bảo tàng ở Hà Nội. Ông cho rằng, bảo tàng không nên có tầng hầm, vì khí hậu ẩm ướt của Việt Nam có thể làm các hiện vật quý được lưu giữ ở tầng hầm bị ẩm mốc.

Một trong những lý do nữa khiến ông thích thú với phương án của mình là các quả đồi giả dùng để “giấu” các khu vực kỹ thuật. Vì vậy, ba tầng của bảo tàng hoàn toàn được sử dụng để trưng bày hiện vật, giao lưu với người xem.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.