Chuyện 'vua sâm' thách thức thần linh

TP - Già làng Bríu Pố thôn A Rớt, xã Lăng, Tây Giang (Quảng Nam) không chỉ nổi tiếng với danh hiệu “Vua sâm” mà còn biết đến là người Cơ Tu đầu tiên có bằng đại học. Với kiến thức tích lũy mấy chục năm qua, già đã giúp dân làng xã Lăng khấm khá, thay đổi tư duy làm ăn, cũng như nếp sống văn hóa, văn minh. Giờ đây dân làng không còn sợ thần linh ma quỷ.

Người Cơ Tu đầu tiên có bằng đại học

Già Pố là một trong những già làng uy tín nhất của huyện Tây Giang. Nhiều việc lớn nhỏ, lãnh đạo huyện trước khi làm đều xin ý kiến của già. Tiếng nói của già Pố có trọng lượng, lý lẽ, sắc sảo và khoa học bởi già là người có học hành cao nhất vùng cùng hiểu biết uyên thâm, lại từng trải nhiều vị trí trong quá trình công tác.

Gặp già Pố, già bảo: Đang bận lo việc đóng góp ý kiến cho lễ hội của đồng bào dân tộc ở các huyện miền núi. Theo già Pố, lễ hội cái gì tốt đẹp thì nên giữ lại, cái gì rườm rà, hủ tục  thì nên bỏ bớt. Giữ văn hóa không có nghĩa là cứ cực đoan giữ những gì xấu xa, cổ hủ, lỗi thời.

“Bận quá nên vừa rồi gặp mặt bạn học, mình không đi được. Tiếc lắm, mấy khi có dịp!” già Pố cho biết. Năm 1977, già Pố tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên, ngành sinh vật học và trở thành người Cơ Tu đầu tiên có bằng đại học. Ra trường, già Pố về công tác tại Phòng Giáo dục huyện Hiên (cũ) và có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục miền núi Quảng Nam bấy giờ. Già Pố cũng nổi tiếng cương trực, thẳng thắn, không chấp nhận dĩ hòa vi quý, dung dưỡng những điều sai trái. Thế nên việc già Pố thẳng thắn bày tỏ ý kiến của mình với trưởng Phòng Giáo dục huyện Hiên về các chính sách và chương trình học cho con em miền núi, không được chấp thuận. Sau 2 năm lùng bùng, già Pố quyết định bỏ nghề mà ông từng mơ ước về xã Lăng sống đời thường dân. Nhưng rồi vì thương dân, già lại quay ra làm cán bộ đem kiến thức có được giúp dân thoát nghèo.

Chuyện 'vua sâm' thách thức thần linh ảnh 1 Tấm phản của gia đình già Pố được làm từ “nhà của thần linh”.

“Lúc đó, ấm ức sự đời, tôi tính về núi ở ẩn như các kẻ sĩ ngày xưa. Nhưng về quê thấy bí thư xã, chủ tịch xã mới học hết lớp 1, lớp 2, lại thấy thương dân mình quá. Bà con vận động, chính quyền động viên mình đứng ra giúp đỡ, giúp dân thay đổi nhận thức cuộc sống. Thế là quay lại làm cán bộ xã”, già Pố tâm sự.

Ra làm Chủ tịch rồi Bí thư xã  suốt nhiều năm liền, già Pố đã góp sức lực trí tuệ của mình để giúp người dân xã Lăng dần thay đổi, nhận thức, biết đầu tư làm ăn, phát triển kinh tế. Bríu Pố cũng là người đầu tiên ở Tây Giang biết cách trồng và nhân rộng cây sâm Ba Kích - một  loại dược liệu quý ở vùng này. Già Pố cho biết, hồi mới mang cây Ba Kích về trồng, ai cũng bảo đó là cây quý của rừng, cây của trời không trồng được, có trồng cũng không mọc được. Ông không tin. Năm 2004, ông đã cùng Tiến sĩ Ngô Trại (Viện Giống cây trồng Quốc gia) đi khảo sát cây dược liệu ở núi Adương (xã Lăng). Qua hướng dẫn của tiến sĩ Trại, Bhríu Pố mày mò và ươm trồng thành công giống Ba Kích. Gần 15 năm qua, ông cùng với vợ cần mẫn chăm chút trang trại rộng gần 3ha dưới chân núi Adương để trồng hơn 5.000 cây ba kích cho hiệu quả kinh tế cao. Ông còn đứng ra hướng dẫn người dân trong xã cùng làm. Nhiều hộ gia đình thoát nghèo nhờ có nguồn thu ổn định từ loại cây này.

Năm 2005, dù chưa đến tuổi nghỉ hưu, nhưng Bríu Pố quyết định viết đơn xin thôi chức Chủ tịch, Bí thư xã Lăng. Ông bảo: “Lứa con cháu, nhiều đứa học rộng, hiểu biết và có trình độ hơn mình thì nên nhường cho nó làm. Có như thế mới phát triển được. Ở lại, chỉ khổ cho tụi nó, không có cơ hội phát triển, thể hiện mình”. Về nghỉ hưu non, nhưng già Pố vẫn là “cố vấn” hàng đầu của chính quyền địa phương bởi uy tín và kiến thức sâu, rộng của mình. Từ huyện đến xã, mỗi lần có việc đều gõ cửa xin ý kiến của già Pố để có quyết sách hợp với lòng dân nhất.

Chuyện 'vua sâm' thách thức thần linh ảnh 2 Già Pố.

Chặt bỏ hủ tục

Nhà già Pố treo đầy bằng khen từ của Thủ tướng Chính phủ đến lãnh đạo bộ, ban ngành trung ương và địa phương. Giữa nhà già là tấm phản to, vừa mới làm chưa hết mùi dầu sơn, dùng để tiếp khách. Khách tròn xoe vì tấm phản lớn, trị giá tiền triệu. Già Pố bảo: “Đó là gỗ của cây cổ thụ trong vườn vừa đốn. Dân làng không ai lấy, mình lấy về làm”. Hỏi kỹ mới hay, khu vườn ngay sau nhà già, từ mấy chục năm nay có cây cổ thụ lớn, mấy người ôm không xuể. Quan niệm của người Cơ Tu tin rằng, thần linh, ma quỷ trú ngụ ở những cây cổ thụ nên không ai dám đụng vào. Huyện, xã triển khai xây dựng nông thôn mới, mở đường, già Pố hiến đất. Thế nhưng phần đất hiến có cây cổ thụ này. Cùng với nỗi lo, vào mùa mưa bão cây đổ gãy đè nhà dân, già quyết định chặt hạ. Họp dân, cả thôn ARớt không đồng ý, vì cho đó là nơi trú ngụ của thần linh. Ngay cả vợ của già Pố cũng kiên quyết phản đối. Già phải thuyết phục mãi dân làng và vợ mới đồng ý. Ngày già và con trai mang rìu ra đốn hạ cây thiêng, dân lo và sợ hãi. Có người còn ra đây cúng vái. Cây hạ xuống, già Pố nói dân làng ai cần làm nhà cửa thì đến lấy. Thế nhưng dù xẻ ra từng phách ngon lành, tuyệt nhiên dân không ai dám động đến, vì sợ. Không ai lấy, già Pố  và con trai mang về nhà kêu thợ đến làm phản. Gỗ còn lại xẻ ván, cho con trai thưng che tường nhà.

“Dân làng sợ vì đó là cây của thần linh. Mình không tin. Ma quỷ đâu không thấy, chỉ thấy có phản nằm nghỉ sướng thân. Nằm trên phản mơ toàn giấc mơ đẹp. Mình kể cho dân làng nghe để dân làng không còn sợ sệt nữa” già Pố kể. “Chuyện thần linh ma quỷ đã ám ảnh và ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Mình là người có học, có nhận thức phải làm sao cho dân tỏ. Tỏ rồi người dân mới dám bỏ những hủ tục, thay đổi nếp nghĩ của mình. Khi đó mới hi vọng phát triển, mới biết làm ăn được chứ” già Pố tâm sự.

Chuyện 'vua sâm' thách thức thần linh ảnh 3 Già làng Bríu Pố cùng tượng gỗ chim Triing dùng để bắt loài chim này.

Suốt mấy chục năm làm cán bộ xã, sát cánh với người dân, chuyện già Pố phá bỏ hủ tục, mở mang nhận thức của người dân đây không phải là lần đầu. Người dân Cơ Tu xa xưa vẫn tin về loài chim Triing (Bồ Canh) là loài chim của thần linh. Già kể, đây là loài chim lớn, được xem là lớn nhất dãy Trường Sơn thường di cư về Tây Giang vào độ tháng 10-11 hàng năm. Chim bay rợp trời, vỗ cánh như trực thăng. Từ xa xưa, người dân chỉ săn bắn chim này và để dành vào dịp lễ cúng tế và tôn thờ nó là thần linh. Thấy dân làng tôn thờ thần linh mà không lo làm ăn, suốt ngày cúng bái, nghĩ mãi, già Pố quyết định tạc tượng chim Triing. Tạc không phải để thờ cúng mà là để làm mồi bắt “thần linh” cho dân làng xem. Để bắt chim này, già Pố phải vào tận rừng sâu, leo lên những cây cổ thụ lớn, gắn chim gỗ lên đó, xung quanh dính đầy nhựa. Đàn Triing bay qua, tưởng chim gỗ là đồng loại, hạ cánh, dính nhựa rồi rơi xuống đất. Có nhiều đợt, già mang về làng cả hàng chục con, dân làng tròn xoe mắt nhìn và nể phục.

“Thịt chim này rất ngon. Nếu ướp muối, đám cưới, nhà gái mang thịt chim này qua nhà trai làm lễ thì đảm bảo nhà trai mê tít. Gọi là chim thần, nhưng mình ăn thịt thần đâu có sao đâu. Thấy vậy dân làng dần hết sợ”, già Pố kể.

Già bảo, người dân bản nơi đây còn mông muội, chưa thoát khỏi ám ảnh tà ma, bùa chú, cúng bái là do nhận thức chưa thấu. Để thay đổi không phải một sớm một chiều. Phải thay đổi từ từ, phải làm cho dân thấy, dân tin đã rồi mới nói chuyện khác.

“Tiết gà, tiết dê, tiết trâu là ba thứ mà dân làng bảo thần linh thích nhất, nên giết trâu gà để cúng tế thần linh. Mình nói với dân làng, cúng tế rồi thì ước điều gì nhỏ nhất, xin xem thần linh có cho không. Tay cầm hai hạt gạo, khấn xin thần linh thêm một hạt mà thần linh đâu có cho. Mở tay ra vẫn là hai hạt gạo. Như thế chứng tỏ thần đâu có linh. Thấy đúng, dân làng gật đầu, tin lời cán bộ, tin lời mình ngay, từ đó không tin chuyện ma quỷ nữa”, già Pố kể về một cách già thuyết phục dân làng. Rồi già chốt một câu chặt đét: “Làm cán bộ, nhất là cán bộ vùng cao, phải có nghề thì dân mới tin nghe theo. Bằng không thì đừng làm, mang tiếng, lại còn bị dân chửi”.  

“Chuyện thần linh ma quỷ đã ám ảnh và ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Mình là người có học, có nhận thức phải làm sao cho dân tỏ. Tỏ rồi người dân mới dám bỏ những hủ tục, thay đổi nếp nghĩ của mình. Khi đó mới hi vọng phát triển, mới biết làm ăn được chứ”.

Già Pố

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.