Chuyện voi chuyện vỏi chuyện vòi

Chuyện voi chuyện vỏi chuyện vòi
TP - ...Kỷ niệm về voi đầu tiên đối với tôi là hồi Quy Nhơn tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm Tây Sơn.
Chuyện voi chuyện vỏi chuyện vòi ảnh 1

Tỉnh Nghĩa Bình hồi ấy cử người lên Gia Lai thuê voi, bởi họ muốn phục dựng lại không khí hành tiến của nghĩa quân Tây Sơn.

Các nhà sử học Việt Nam bây giờ cho rằng, cuộc hành quân thần tốc của thầy trò Nguyễn Huệ từ Quy Nhơn ra đến Hà Nội chỉ hết có hai mươi ngày. Nhưng một số người đã bắt đầu tỏ ý nghi ngờ...

Hồi ấy Ty Văn hóa Thông tin Gia Lai cử hẳn một bác giám đốc bảo tàng đi thuê voi hộ. Tốn rất nhiều tiền thì thuê được hai con voi của làng Nhơn Hòa xuống Quy Nhơn diễn lễ.

Nhơn Hòa là một làng voi nổi tiếng của Tây Nguyên thuộc huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai. Khác với người Mơ Nông Buôn Đôn, người Jrai Nhơn Hòa không biết bắt voi, săn voi rừng, mà họ đi mua voi của người Buôn Đôn và người Lào về thuần dưỡng.

Làng có chừng bốn chục nóc nhà nhưng lúc thịnh nhất thì có tới vài ba trăm thớt voi. Voi lổn nhổn như... chuột.

Ban đầu người Nhơn Hòa mua voi về để “chơi”, một cách giữ của, như cái xe máy đối với người Việt những năm tám mươi thế kỷ trước.

Lâu lâu voi được điều đi kéo gỗ về làm nhà rông, tượng nhà mồ... Voi cùng với chiêng, ché trở thành thước đo độ giàu nghèo, chứng minh sự hùng mạnh của từng gia đình, dòng họ, từng làng.

Ngày xưa nuôi voi cũng đơn giản. Rừng liền làng, đội ngũ săn bắt trộm chưa hoành tráng thiện nghệ như bây giờ.

Người Buôn Đôn có đi săn voi là cũng để bắt về thuần dưỡng thành voi nhà, được nâng như nâng trứng, hứng như hứng... voi chứ không nã đạn vào đầu voi rồi chỉ cưa cặp ngà như các bác “săn tặc” hiện tại, nên voi và người rất hòa thuận, đều coi nhau là ân nhân, là bạn bè...

Trở lại chuyện bác Bảo tàng đi thuê voi. Cả tháng trời thì bác ngã giá được cặp voi, dự kiến nài sẽ điều voi đi bộ từ Chư Sê về Quy Nhơn ước chừng trên hai trăm cây, dự tính voi đi khoảng nửa tháng.

Đến gần Chư sê thì một ông chả hiểu ăn uống mất vệ sinh thế nào mà bị té re. Chỉ ba ngày mà sút gần trăm cân. Voi cứ vừa nhúc nhắc đi vừa cong đuôi lên vẽ đường bằng phân. Thế là phải thả ngài vào rừng.

Voi rất giỏi trong việc tự tìm lá thuốc. Kể cả những con voi du lịch thồ khách trên lưng khi vào rừng cái vòi nó cũng liên tục khua khoắng hít ngửi và gặp cây thuốc là cuộn vòi nhổ cả cây lên rồi vừa đi vừa tuốt lá ăn.

Con voi này vào rừng nửa tháng thì tự khỏi và sau đó thì “go home”. Còn một con tiếp tục đi một mình thấy buồn hay sao ấy mà cứ gặp... ô tô là xông vào đuổi làm nhiều bác tài lái ô tô chạy trối chết.

Thế là lại phải nối đuôi chú kia trả về bản phủ, báo hại sở văn hóa thông tin và cả ban tổ chức lễ hội Nghĩa Bình chạy tán loạn tìm voi.

Lễ hội Tây sơn không thể không có voi, vì đội tượng binh của nghĩa quân Tây Sơn lập công rất lớn và hình như cũng là lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh Việt Nam có một lực lượng thiện chiến là voi.

Lại nữa, tướng Bùi Thị Xuân người Bình Định chính là tư lệnh đội tượng binh này. Bà gắn với voi đến phút cuối cùng của cuộc đời. Tương truyền khi nhà Gia Long trả thù Tây Sơn thì bà nhận hình phạt voi giày.

Chính con voi của bà, giờ thuộc về quân Gia Long, phải nhận nhiệm vụ này. Con voi được dạy rất khôn. Trước đấy, các tử tù xếp hàng lần lượt, con voi bước đến, dùng chân chà nát.

Cuối cùng đến nữ tướng Bùi Thị Xuân thì con voi cứ đứng cúi đầu, mắt ầng ậng nước, vòi buông thõng, tai cụp sát, nài lệnh thế nào nó cũng không nhúc nhích.

Bùi Thị Xuân mồm luôn chửi giặc hiên ngang đứng đợi, nhưng thấy tình cảnh ấy, bà phải trực tiếp chỉ huy con voi của mình. Bà bước lại, tự lấy vòi voi quấn vào mình rồi ra lệnh, tiếng đanh như sấm. Con voi tung bà lên rất cao rồi... giơ vòi đỡ.

Bà phải thét lên như khi xung trận thì voi mới tung lần thứ hai rồi giơ đôi ngà sắc như dao đỡ rất ngọt để bà khỏi phải chịu một cái chết đau đớn. Khi đôi ngà đã xiên qua người, bà vẫn còn ngẩng đầu chửi địch...

Vì những lẽ ấy nên lễ hội này không thể không có voi. Nhưng kế hoạch thuê voi sống đã vỡ. Chả biết ai hiến kế nhưng gần một trăm thợ mộc giỏi nhất Quy Nhơn được triệu tập để làm một con voi... gỗ. Trong một đêm, con voi gỗ khổng lồ phủ vải được hoàn thành, đặt trên hai chiếc xe kamaz ngược đầu nhau, và diễu hành...

Nhân nói đến voi Tây Sơn, cũng xin nhắc đến bãi luyện voi ở vùng Tây Sơn thượng An Khê. Vua Nguyễn Nhạc lấy một người vợ ba là người Bơhnar. Bà này có vai trò rất lớn trong việc đoàn kết Kinh Thượng, thu gom lương thực nuôi quân và luyện voi. Voi được thu gom của các tộc người Tây Nguyên về đây luyện, thành thục thì hạ sơn về Tây Sơn hạ phiên vào các đạo quân.

Bây giờ dấu tích bãi luyện voi vẫn còn nhưng cả vùng Tây Sơn thượng đạo lại chả còn con voi nào. Nhưng bù lại, nơi đây giờ có nhiều ngựa, chủ yếu là để kéo xe. Nghe tiếng xe ngựa lục khục trong chiều, buồn buồn cứ muốn xê dịch...

Thời hoàng kim nhất của du lịch Gia Lai, Công ty du lịch ký hợp đồng với các chủ voi, mở tua du lịch cưỡi voi luồn rừng.

Món này hấp dẫn các khách du lịch nước ngoài chứ người trong nước ít ham vì vừa đắt mà lại... mệt, người cưỡi mệt hơn voi đi vì kiểu xóc của cưỡi voi nó khác hoàn toàn với xóc xe, máy bay, tàu thủy... nó xóc ngang và cũng làm cho người ta say như say... sóng.

Voi là giống cũng... mê tín dị đoan lắm. Hồi còn trong làng, chỉ có đàn ông đóng khố được voi chịu cho cưỡi.

Sau kinh tế thị trường, khi ra phố chở khách du lịch đi tua, chủ voi phải cúng Yàng để xin voi chịu khó cho đàn bà ngồi lên bành. Voi mà chưa cúng thì các bà các cô đừng có dại mà leo lên.

Nhưng cho dù cúng rồi thì voi vẫn rất ghét đàn bà ngoại quốc và người đang “đến kỳ trăng”. Nó biểu hiện sự ghét ấy bằng cách rình đi qua chỗ có nhiều bụi là lấy vòi hút bụi rồi phun mù mịt lên lưng.

Nài mà quát, nó ngây thơ cong vòi lên như bảo: Dạ “em” tắm mà? Đúng là voi ngoài chuyện tắm nước nó còn tắm bụi đều bằng cách lấy vòi hút rồi phun lên người...

Giai đoạn gần đây, vì nhiều lý do, du lịch lên Gia Lai rất hạn chế, thế là voi... đói. Một con voi nếu phục vụ du lịch thì có cả chục người hầu nó. Quản tượng ư, chăn voi cắt cỏ ư, thuốc men ư..., nhưng giờ không còn tua nữa, voi đói và... người đói theo.

Voi đói thì còn thả nó vào rừng tự kiếm ăn, chứ người đói thì... phải bán voi thôi. Hai con voi đầu tiên của làng voi Nhơn Hòa được bán ngược sang... Buôn Đôn.

Con đầu đàn to nhất, khỏe nhất, thông minh nhất được thuê kéo một chiếc xe Kamaz chở đầy gỗ bị lầy. Sau mấy lần kéo thử không được, quản tượng đề nghị “sạc” bớt gỗ xuống, nhưng chủ gỗ không chịu, bảo nếu thế thì ra ngoài thuê xe cẩu luôn.

Quản tượng cũng không dám vật nài vì lỡ nó bỏ ra ngoài thuê xe cẩu thật thì mất toi một khoản tiền, mà cả tháng nay lại chả có mối nào cho voi làm. Thế là cố.

Con voi như cũng hiểu lòng chủ và thương chủ. Nó bước vào lần cuối cùng với đôi mắt rất buồn nhưng có vẻ đầy quyết tâm. Nó nhún lùi nửa bước vòi cuộn chặt như con sâu chiếu rồi giật ào tới cùng lúc với khói xe xịt mù mịt khét lẹt.

Tiếng xe gầm lên rồi trườn qua bãi lầy. Con voi quặp đuôi kéo thêm một đoạn nữa, khi chiếc xe mấy chục tấn bò qua được vũng lầy thì voi từ từ gục xuống.

Về sau, khi mổ xác voi, người ta thấy ruột nó đứt thành nhiều khúc. Nó đã cố hết sức giúp chủ cho đến đứt ruột.

Cũng chuyện voi cố sức giúp người này, trong chiến tranh chống Mỹ có chuyện một con voi mẹ đã cương quyết khước từ việc cho chú voi hơn tháng tuổi lên bành vượt sông, mà để xuất ấy chở đạn, bắt con voi con ngậm đuôi mẹ cùng bơi.

Khi sang đến bờ, đuôi voi mẹ ròng ròng máu và voi con thì mệt lử lả... Thế là mất ba con. Công ty du lịch Gia Lai quyết định mua 2 con voi để... chờ thời.

Có 2 đơn vị du lịch nhỏ cũng mua 2 con nuôi để... chụp ảnh. Thế là voi Nhơn Hoà vãn hẳn. Bây giờ còn một hai con cứ thả trong rừng, đến... tết dắt về thành phố Pleiku cho mấy điểm du lịch sinh thái vườn trong phố với mấy ông thợ ảnh thuê. 500 ngàn ngày đi đường, còn đứng ở đâu thì chủ vườn trả 300 nghìn ngày, bao ăn cho cả người và voi.

Mà trông những con voi này khi chúng vào phố đứng cho người ngắm và chụp ảnh chán lắm, chả... voi tí nào. Mắt thì toét nhoèn, gầy giơ xương, bụng hóp da nhăn, ruồi bâu không thèm đuổi, vòi thõng như mào gà tây, chả có tí nhuệ khí nào.

Ấy là tôi nghĩ thế, chứ đối với dân Nhơn Hoà, có người hỏi thuê voi là mừng hết lớn...

Đăk Lăk và Đăk Nông có nhiều huyện có voi, nhưng nổi tiếng nhất, nói đến voi là người ta nghĩ ngay đến, là voi Buôn Đôn. Tôi đã hỏi rất nhiều người ở Krông Puk, Krông Nô, Krông Ana... là những địa phương cũng có voi, rằng tại sao lại thế? Trả lời: Tại vì nó là voi... Buôn Đôn?...

Buôn Đôn tiếng địa phương nghĩa là đảo. Buôn Đôn nghĩa là buôn Đảo, nếu gọi theo kiểu Lào thì nó là bản Đảo.

(Gần đây từ Buôn Đôn mới thông dụng, chứ trước đây nó là bản theo cách gọi người Lào, bản Đôn, bài hát nổi tiếng của Phạm Tuyên cũng là “chú voi con ở bản Đôn”, là bởi ở đây có rất nhiều người Lào sinh sống, văn hoá Lào còn in rất đậm nét nơi đây, nhất là ở các ngôi nhà.

Đây chính là nơi trung tâm giao thương với Lào, Thái Lan. Người ở đây thường mang trong mình hai ba dòng máu. Cũng như Buôn Ma Thuột còn có thể gọi bằng một tên khác là Ban Mê Thuột, tức là Bản (của) Mế (thằng) Thuột theo tiếng Lào).

Nơi đây từ 1890 đến 1914 đã từng là thủ phủ của tỉnh Đắc Lắc với 6 hòn đảo lớn nhỏ. Huyện Buôn Đôn mới thành lập lại năm 1995 với 18 dân tộc cùng nhau sinh sống...

Hầu như ai đến Buôn Đôn đều phải ghé vào vườn quốc gia Yok Đôn xem voi. Yok Đôn tiếng địa phương là Rừng Đảo. Ở đây có nhiều câu chuyện thật mà nghe như giai thoại.

Nhiều người từng nghe tiếng con bạch tượng của vua Bảo Đại. Thì nó được bắt ở Yok Đôn này, do chính các thợ săn voi ở đây bắt và tiến vua. Bạch Tượng là loại voi cực hiếm và vì thế mà nó cực quý.

Con bạch tượng này một thời là “chuyên tượng” của ông vua ăn chơi bậc nhất Việt Nam Bảo Đại. Nó được gọi bằng “ngài” và thường xuyên có một đội nài đặc biệt phục vụ, luôn luôn nước hoa đẫm mình và đặc biệt là cổ chân đeo một sợi xích bằng vàng ròng nặng 7 ki lô gam.

Năm 1945 đất nước độc lập, Bảo Đại ra Hà Nội làm cố vấn rồi bỏ nước đi, con Bạch Tượng bị bỏ rơi, đang lên voi giờ... xuống chó, nó cáu, và trong một cơn điên, quật chết anh quản tượng rồi bỏ vào rừng.

Bây giờ, nghe đồn nó vẫn còn lang thang đâu đó trên đỉnh Langbi An hùng vĩ quanh năm mây trắng. Thì cứ nghe đồn thổi thế, cũng chả biết thực hư thế nào. Điều duy nhất có thật là từ năm 1945 đến nay người ta không còn thấy ngài bạch tượng ấy nữa.

Hiện nay thì voi Buôn Đôn đang gặp khó khăn, nhất là sau vụ hai ông voi, một ông Buôn Đôn, một ông Hồ Lắc, vô cớ quật chết du khách. Người quản lý voi hoảng mà du khách cũng chờn.

Vụ đầu tiên là ở hồ Lăk. Con voi dùng vòi quấn anh hướng dẫn viên du lịch của Đà Lạt khi anh này đang đứng trước mặt nó chụp ảnh, tung lên rồi dùng chân đá. Tất nhiên anh này chết ngay tại chỗ.

Sau đó là vụ một con voi đực rất khôn ở khu du lịch Buôn Đôn quật chết chính chủ của mình, người đã yêu thương nuôi nấng chăm bẵm nó hơn cả nuôi... con suốt mấy chục năm qua. Nếu tôi nhớ không nhầm thì cả hai con voi này tôi đều đã gặp.

Ấy là tháng 10 năm ngoái, tôi dự một cái trại sáng tác của Công An ở Nha Trang, trong chương trình có đi thăm hồ Lăk và Buôn Đôn. Ở Hồ Lăk chỉ có 2 con voi rất to chúng tôi đã vinh dự chiêm ngưỡng hết.

Một trong hai con ấy là kẻ đã quật chết anh HDV kia (thực ra anh này không phải HDV chuyên nghiệp, anh là sinh viên mới tốt nghiệp, chưa có việc làm dẫn khách đi thay cha). Còn ở Buôn Đôn thì chúng tôi gặp con to nhất này đúng ngày nó... động đực.

Tôi chụp được một seri ảnh mà theo một số người là độc nhất vô nhị, ấy là ảnh voi... 5 chân. Con voi đực đầu đàn vươn cái của nợ của nó ra như một cái chân thứ 5 hùng dũng và bề thế chọc gần sát đất.

Tôi có đưa cái ảnh này cho báo Văn Nghệ Công an, nhưng sau đó trong chùm phóng sự ảnh 10 chiếc của tôi in nguyên một trang báo không thấy cái ảnh này, chỉ thấy có cái tin của nhà văn Phan Đình Minh viết là tôi chụp được... “ấy” voi.

Nhưng mà thấy nó, con voi ấy, hiền lắm. Các nhà văn Tôn Ái Nhân, Phan Quế, Văn Phan mua vé cưỡi một vòng để... chụp ảnh.

Ngày xưa đến đây được sờ voi, đứng bên voi chụp ảnh thoải mái. Giờ có mấy anh bảo vệ căng võng nằm canh voi và canh... người, thấy ai lại gần thì nhắc.

Voi rất khôn và chung thuỷ với người. Sở dĩ vừa rồi voi điên lên, theo nhiều người hiểu biết, là do con người hà khắc với nó trong sinh hoạt quá, nhất là trong mùa voi động dục.

Vào mùa này, voi bị cùm và bỏ đói để yếu sức, khỏi... nghĩ vẩn vơ. Cứ đứng vật vờ thế, đi lại vật vờ thế, chân xích loảng xoảng thế, voi tù túng, sinh bệnh mà chết.

Rồi còn bao nhu cầu... voi nữa mà chỉ voi mới giải quyết được, tỉ như vào mùa động đực, nó giải quyết nhu cầu như thế nào.

Mùa động tình, voi đực voi cái thường kéo nhau vào những khu rừng rất xa, vắng vẻ, nó quần nhau nhiều ngày đêm liền, nát những khu rừng rộng lớn như vừa qua cơn bão mạnh, lúc này vô phúc mà anh nào trót nhìn thấy thì chết không toàn thây là cái chắc, voi tìm bằng được để trả thù, chứ chả như bạn gì vừa qua, cả triệu người thấy cảnh bạn “yêu” nhau “hoành tráng” thế mà cấm thấy một chút biểu hiện e thẹn xấu hổ nào...

Bây giờ bắt voi là phạm pháp nên chả ai dám bắt, thêm nữa, nó cũng chả còn nhiều nữa để mà bắt cũng là nguyên nhân voi nhà đang ít dần đi. Cách đây hai tháng, các thợ săn voi Buôn Đôn “ngứa nghề” rủ nhau đi săn voi và họ bắt được một chú voi con mà to như con trâu mộng.

Chú voi bị xích chặt, bị dạy theo kiểu “thương cho roi cho vọt”- đánh và bỏ đói... Hiện nhà nước đang lúng túng chưa biết xử lý thế nào, mới “giữ nguyên hiện trạng”, giao cho chủ nhà nuôi và bảo vệ voi.

Mà không được đi săn nữa thì các thợ săn voi lụt nghề, các chàng trai săn voi Buôn Đôn ngực nở bụng thon đùi ếch cởi trần đóng khố dũng mãnh xưa kia giờ chỉ hiền lành ngồi trên lưng con voi bị xích chỉ huy nó đi một trăm mét tới, quay lại, đi một trăm mét về chỗ cũ, quỳ xuống cho khách xuống, nếu có khách thì lặp lại chu kỳ, không có thì đứng đấy, lim dim đợi.

Người Buôn Đôn bắt voi cực kỳ đơn giản và thủ công: Nài chỉ huy voi nhà bắt từng con một trong cả đàn voi rừng bằng cách tấn công chia tách và dồn bắt những con voi non để dễ nuôi dạy.

Tất nhiên không phải nài nào cũng có thể trở thành thợ săn voi. Đấy phải là những người có những tố chất đặc biệt: dũng cảm, nhanh nhẹn và... năng khiếu bẩm sinh.

Trước khi đi săn voi, thợ phải thắp 18 ngọn nến bằng sáp ong khấn thần Nguênh Ngoai sau đó voi được uống rượu và máu trâu. Người đi săn còn phải kiêng rất nhiều thứ khác, trong đó có những thứ kiêng rất lạ như: không ăn thịt thỏ, thịt rùa, thợ săn phụ khi hút thuốc phải do người thợ săn chính đốt, và phải cởi trần đến khi bắt được 5 con mới được mặc áo...

Khi gặp voi rừng, thợ săn voi chính phải tính toán và quyết định bắt con nào. Thường thì đấy là những con còn non để dễ dạy và tướng tá phải đẹp, nhanh nhẹn, tai to mắt nhỏ, chân vững chãi, bề thế...

Khi tấn công, đàn voi nhà đồng loạt xung trận đánh tan tác đàn voi rừng vừa để bảo vệ vừa nghi binh, trong khi con voi nhà chủ công do thợ chính chỉ huy khéo léo tiếp cận con voi định bắt, dồn nó ra chỗ riêng, vừa quăng dây vừa ép bắt nó quy phục và dẫn độ về dưới sự bảo vệ của đàn voi nhà.

Người ta nói voi rừng rất sợ voi nhà nên khi đã tách được con định bắt ra khỏi đàn là thành công hơn một nửa. Dạy voi là cả một nghệ thuật và cũng có sự trợ giúp rất lớn của voi nhà. Thường thì công đoạn này kéo dài trong khoảng 6 tháng.

Vài năm trở lại đây, và hiện nay, tin voi rừng về phá rẫy, giết người vẫn còn và ngày càng dầy lên. Nó là hệ quả của rất nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính đều là từ phía con người. Voi nhà thì “ẩn mình chờ khách”, voi rừng thì thèm muối thèm cây...

Thì chuyện voi mà chả phải voi, và cũng chả biết bao giờ mới hết... 

MỚI - NÓNG