Chuyện về ‘rèn dao bằng mắt’ ở Cao Bằng

Chuyện về ‘rèn dao bằng mắt’ ở Cao Bằng
Đất Phúc Sen (huyện Quảng Uyên, Cao Bằng) nức tiếng với nghề rèn hàng ngàn năm về trước với những sản phẩm chưa nơi nào có thể bắt chước. Bởi bao đời nay, người dân nơi đây vẫn đang giữ một "bí kíp" độc nhất vô nhị, đó chính là rèn dao bằng mắt.

Chuyện về ‘rèn dao bằng mắt’ ở Cao Bằng

Bí ẩn tượng đồng thiêng 500 tuổi xứ Quảng Trị

Đất Phúc Sen (huyện Quảng Uyên, Cao Bằng) nức tiếng với nghề rèn hàng ngàn năm về trước với những sản phẩm chưa nơi nào có thể bắt chước. Bởi bao đời nay, người dân nơi đây vẫn đang giữ một "bí kíp" độc nhất vô nhị, đó chính là rèn dao bằng mắt.

Lò rèn của nhà ông Hiệp hơn 10 đời không lúc nào tắt lửa đỏ
Lò rèn của nhà ông Hiệp hơn 10 đời không lúc nào tắt lửa đỏ .
 

Những câu chuyện lạ lùng: Dân tộc sở hữu "mắt thần"

Không ai biết nghề rèn dao ở Phúc Sen có từ bao giờ, nhưng theo những gì lịch sử để lại, cách đây nghìn năm có lẻ, lửa rèn đã rực sáng ở chốn này.

Ngày ấy, có một ông già không biết từ phương nào đi ngang qua, thấy người dân tộc Nùng An hiền lành nhưng cuộc sống đói nghèo, quanh năm chỉ ăn rau dại, uống nước suối nên cảm thương vô cùng. Chính vì thế, ông quyết định dạy cho người dân cách rèn dao, cuốc và những công cụ lao động để họ có thể đi rừng, săn bắt, hái lượm.

Người Nùng An tuy thời ấy sống lạc hậu, hoang dại nhưng rất thông minh. Đặc biệt, họ có đôi mắt được ví là "nhãn thần" vì khả năng đi rừng ban đêm không cần dùng bất cứ dụng cụ phát sáng nào.

Thấu được điều đó, cụ già truyền nghề rèn cho họ. Tuy nhiên, bí quyết mà ông cụ này đưa ra đó là người dân phải luyện mắt đến độ tinh thông. Từ đó, họ sẽ dùng đôi mắt để điều chỉnh đôi bàn tay, cảm nhận tiêu chuẩn vật dụng qua mỗi ánh nhìn.

Sau khi truyền nghề, ông già rời Phúc Sen chẳng một lời từ biệt, cũng không để lại tên tuổi, quê quán.

Ngày nay, người Nùng An ở Phúc Sen vẫn lập một ngôi đền nhỏ để tưởng nhớ ông tổ nghề. Mỗi gia đình làm nghề rèn ở Phúc Sen đều có riêng một bát hương để tỏ lòng biết ơn đối với người đã mang nghề đến, giúp họ cải thiện cuộc sống của mình.

Nói chuyện với chúng tôi, ông Nông Văn Hiệp (SN 1949) cho biết: "Nếu tính cả cậu con trai đang học nghề thì gia đình tôi đã có 11 đời sống chết với lò rèn". Riêng bản thân ông Hiệp cũng đã gần 50 năm thao thức bên cạnh lò rèn để làm ra hàng nghìn sản phẩm.

Ông Hiệp kể: "Năm 14 tuổi, tôi đã ngồi cạnh lò rèn của cha và học cách luyện dao. Cứ mỗi khi đi học về, tôi lập tức bám lấy cha và người anh trai lớn để xem cách quai búa, cách phân biệt nước tôi dao và cách nung cho vừa độ dẻo của thép". Cứ như thế, 16 tuổi, ông đã được cha giao cho một lò rèn để tự kiếm sống.

Gia đình ông Hiệp rất đặc biệt. Bao nhiêu đời làm dao nhưng chưa từng thuê mướn nhân công như các lò rèn khác. Bởi vì, ông nội ông Hiệp có dạy, làm dao phải gia truyền thì mới thịnh lâu. Việc thuê mướn người ngoài làm sẽ khiến lộc bị "tán".

Không biết điều đó có đúng hay chỉ là lời nói vui của người đi trước nhưng bao đời nay, gia đình ông Hiệp vẫn giữ nguyên nếp làm ăn như thế. Những năm nghề rèn Phúc Sen đi xuống, nhiều gia đình đã chuyển sang nghề khác nhưng ông Hiệp vẫn quyết bám trụ với nghề. Tính đến nay, ông Hiệp là một trong những người có nghề rèn lâu nhất ở Phúc Sen.

Cho đến tận bây giờ, người dân Phúc Sen luôn tự hào không đâu dao sắc và bền như dao của người Nùng An. Tuy mẫu mã không nhiều, đa phần là những dụng cụ dùng trong sinh hoạt nhà nông nhưng sản phẩm của Phúc Sen đã trở thành "thương hiệu".

Đã có một thời, khi những mặt hàng này từ Trung Quốc tràn sang, đẹp hơn, mẫu mã đa dạng hơn khiến dao của dân Phúc Sen chững lại.

Thế nhưng, "tốt gỗ hơn tốt nước sơn", chỉ một thời gian sau, người dân lại quay về với những sản phẩm mang thương hiệu Phúc Sen. Người dân Cao Bằng thường truyền nhau câu nói: "Ai đi Cao Bằng mà không ghé Phúc Sen mua một con dao về dùng thì coi như đã lãng phí cả chuyến đi".

Vài năm gần đây, người Phúc Sen càng tự hào hơn khi sản phẩm của mình được các thương lái từ Trung Quốc, Lào, Thái Lan... tìm đến. 1/3 số sản phẩm người Phúc Sen làm ra ngày nay đã tìm được đường xuất ngoại.

Được biết, 99% người dân Phúc Sen là người Nùng An và cũng chừng đó người dân Nùng An sống bằng nghề rèn. Có lò rèn chuyên làm dao, có lò rèn chuyên làm cuốc, làm liềm...

Tùy vào khách đặt hàng mà người chủ lò rèn lựa chọn sản phẩm để làm. Ông Hiệp tiết lộ, mỗi tháng trừ các khoản chi phí, gia đình ông cũng dành dụm được khoảng 3 - 3,5 triệu đồng.

Rèn dao bằng cái tâm

Đối với người Nùng An, đôi mắt là bí quyết giúp họ lưu truyền nghề rèn dao đặc biệt qua hàng nghìn năm. Nơi đây có cách rèn, thử dao độc nhất vô nhị.

Ông Hiệp cho biết: "Với cách rèn thông thường của người Kinh, dao sẽ được hình thành từ phần chuôi trước, rồi mới đến phần lưỡi. Nhưng người Nùng An thì ngược lại, khi nào rèn được phần lưỡi ưng ý người ta mới trau chuốt đến phần chuôi. Người Nùng An quan niệm, hình dáng của dao không quan trọng mà quan trọng là ở chất lượng. Hình dáng có thể sửa được nhưng độ sắc ngọt của dao thì chỉ rèn một lần".

Để có thể học được nghề rèn, người thợ phải có sức khỏe, có cảm nhận thật tinh tế của đôi tai và đôi mắt. Người ta ví nghề rèn là việc làm tổng hợp của mọi giác quan. Phải dùng tay, dùng sức, sự cảm nhận, đặc biệt là sự nhạy bén của đôi mắt. Sản phẩm làm ra phải có độ rắn mà không giòn, dẻo mà không mềm. Đó mới là đạt độ lành nghề.

Theo ông Hiệp, người học nghề phải có cái tâm. Chính vì thế, có người học rèn chỉ 1 tháng trong khi có người học 5 năm, 10 năm cũng không thành.

Để làm ra một con dao sắc, người Nùng An có những quy tắc bất thành văn nhưng lại được coi là "bí quyết" không lời giải đối với người ngoài. Bí quyết ấy đầu tiên bắt đầu từ vật liệu. Vật liệu để làm dao được chọn lọc từ những thanh nhíp ô tô đã qua sử dụng chứ không phải là các loại sắt vụn thông thường.

Những thanh nhíp này được nhà ông Hiệp đặt hàng từ đại lý ở Bắc Ninh. "Nếu dùng không đúng chất liệu, dao kém chất lượng là mất khách ngay", ông Hiệp cho biết.

Tùy vào từng loại dao mà cắt kích cỡ cho phù hợp. Sau khi cắt, thép được nung đỏ và tôi rất kỹ trước khi quai búa để rèn. Theo người Nùng An, quan trọng nhất vẫn là nước tôi. Người ta phải dùng tro của than củi lấy từ gỗ lim trong rừng ngâm với nước vôi để qua đêm.

Sáng ngày hôm sau, người ta chắt lấy thứ nước nổi ở bên trên bề mặt để dùng làm nước tôi dao. Theo kinh nghiệm của ông Hiệp: "Dao có sắc, có đạt độ chuẩn hay không là phụ thuộc vào thứ nước tôi đó. Nước tôi chuẩn, trong, nhìn dao sẽ biết chính xác độ sắc ngọt".

Nói chuyện với chúng tôi, ông Hiệp tâm sự: "Mấy chục năm theo nghề rèn, kỷ niệm tôi không thể quên được là một ông cụ người Dao ở Lạng Sơn đã đi bộ đến Phúc Sen nhờ tôi làm một bộ dao tặng con trai trong ngày cưới.

Khi nghe ông cụ tâm sự đã phải đi bộ mất một tuần mới đến được đây khiến tôi cảm động vô cùng. Để kịp cho ông cụ về chuẩn bị lễ cưới cho con trai, chỉ một ngày, tôi đã rèn xong và biếu cụ cả bộ 12 con dao.

Nói chuyện với tôi, cụ già này bảo, nghe nói làng Phúc Sen rèn dao sắc ngọt nên muốn làm quà tặng con. Con dao vừa thể hiện sự may mắn lại có thể làm vật dụng giúp con trai cụ kiếm sống nuôi vợ con sau này".

Theo Đời Sống & Pháp Luật

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG