Chuyện về những đứa trẻ sinh 5

Bà nội không phút nghỉ ngơi. Ảnh: T.N.A
Bà nội không phút nghỉ ngơi. Ảnh: T.N.A
TP - Một hôm chúng tôi nhận được thông tin vắn về gia đình sinh 5 với những khó khăn của họ do một cộng tác viên gửi đến. Mẩu tin gợi nhớ sự kiện sinh 5 xôn xao vào tháng 3/2013. Chúng tôi liên hệ với cộng tác viên ấy để lấy địa chỉ đến thăm gia đình đặc biệt này.

Ngoài dự kiến

Cuộc sống có những niềm vui và thử thách ngoài dự kiến của tất cả mọi người và đó là ca sinh 5 của con dâu bà Kim. Năm nay 65 tuổi, bà là người trông nom chính đàn cháu của mình. Khi tôi đến, bà đang cho các cháu ăn. Chúng vừa ăn vừa đùa nghịch, khiến bà xoay như chong chóng. Bà nói với tôi: “Nó ăn một thìa, lại chạy ra, đứa khác lại vào. Có đứa chạy vào không ăn, lại chạy ra hoa hết cả mắt”. Tôi lo ngại chẳng biết chúng ăn uống thế nào, bà nội bèn bảo: “Tôi phải đếm nhẩm từng thìa cho từng đứa, để không đứa nào bị đói”.

Bà Kim cho biết bà quê ở Củ Chi (TPHCM) lấy chồng người Hoa ở chợ Lớn. Hai vợ chồng hiếm con, chỉ được một cậu con trai là anh Hiếu, bố của lũ trẻ. Bà nói: “Ngôi nhà nhỏ trong hẻm này chúng tôi mua năm 1980. Cũng nghĩ rằng con trai lớn lên lập gia đình đẻ một, hai đứa con thôi, không ngờ bây giờ có năm đứa cháu, nhà chật quá”. Bà lại bảo: “Từ ngày sinh các cháu đến giờ, nhà không mua sắm thêm được gì, chỉ lo cho các cháu”. 

Bà Kim rất mừng vì có đàn cháu ngoan, nhưng nhớ lại lúc con dâu sinh nở, cũng rất vất vả. Bà kể: “Lúc đi siêu âm biết có ba đứa. Mấy tháng sau biết bốn đứa, đến ngày sinh mới biết 5 đứa”. Lúc siêu âm, có người khuyên bỏ bớt đi một vài đứa cho dễ nuôi, nhưng gia đình quyết giữ lại. Bà nội muốn có nhiều cháu, ông bố thì sợ can thiệp vào ảnh hưởng những đứa trẻ còn lại. Biết tin sẽ sinh bốn, gia đình đặt tên cho bốn đứa là Huynh, Đệ, Phượng, Muỗi. Không ngờ ca ấy sinh năm. Sau khi có thêm đứa thứ năm, đặt tên là Lộc. Bà Kim nhớ lại: “Lúc đẻ ra đứa thứ năm, tôi không thèm nói với bố nó. Nghĩ là đẻ bốn đứa bố nó đã sốc rồi, kêu ra đứa nữa lại sốc. Nên tôi đi ra gặp bố cháu mà không nói gì”. Ông bố trẻ đi vào mới ngỡ ngàng biết mình có năm đứa con chứ không phải bốn, gồm 3 trai, hai gái.

Học hai trường

Chị  Anh Thư, mẹ của năm cháu nói: “5 đứa học hai lớp. Gửi một lớp các cô không nhận vì sợ anh em chơi với nhau ầm ĩ quá các bạn khác không học được”.  Mẹ phải đi rước, ba vòng mới rước hết được đàn con vì trường học đóng hai cơ sở khác nhau. “Chiều về thì quần quật, lo cho chúng nó không ngơi tay”.

“Thời buổi bây giờ, nuôi vài đứa con đã là khó khăn rồi, huống hồ chúng tôi nuôi năm đứa cùng lúc. Vất vả nhưng hạnh phúc khi chứng kiến chúng nó lớn lên từng ngày nên cũng ráng chịu”.  

             Bà Kim Bảo

Năm anh em khuôn mặt khá khác nhau. Bà nội nói: “Ngày nào cũng tiếp xúc nên luôn nhận ra từng đứa, vả lại 5 đứa 5 trứng nên nó khác nhau chứ không phải như sinh cùng trứng”.  Đám trẻ rất nghịch, hầu như không đứng yên lâu. Bà Kim thở phào: “Chúng tôi lo lắng lắm, vì khi mới sinh các cháu, người ta bảo sinh 5 thì thường xảy ra cảnh có cháu không hoàn thiện, như thiếu bộ phận này, thừa bộ phận khác. Chúng tôi phải đi kiểm tra từng cái tai từng ngón tay ngón chân. Thật may các cháu đều phát triển bình thường”. Bà cụ thở phào kể rằng chúng rất thích đấm lưng cho bà. Nhưng lúc muốn đấm, nhờ thì chúng chạy hết, lúc sau lại ùa vào tranh nhau bóp vai, đấm lưng cho bà nội.

5 giờ chiều bà cùng mẹ ẵm tất cả lên gác, tắm rửa rồi đưa vào một phòng, cho chơi rồi ngủ.

Buổi tối cả năm đứa ngủ với bà và mẹ, bố ngủ riêng để đi lái.  “Mướn người làm không ai làm, vì người ta nói năm đứa thì không ai trông được” - bà Kim nói. Chẳng biết sau này năm đứa nhỏ lớn lên có nhớ hết công việc bà nội chăm chúng hằng ngày hay không nhưng bà nội nói rằng: “Sinh năm nên thiếu tháng, hai đứa phải nằm máy, ba đứa nuôi thường. Lúc đẻ ra có đứa chỉ hơn một cân thôi, bé nhỏ tội nghiệp lắm. Một tay gia đình tự chăm lo nuôi nấng mà chúng lớn khôn được như bây giờ chứ chẳng có tiền mà thuê mướn ai”.

Ông bố kể lại lúc mới sinh được sự động viên rất nhiều từ hàng xóm láng giềng rồi các công ty tới thăm tặng quà, nên gia đình cũng thêm niềm vui, lạc quan lo cho các cháu. Bây giờ các cháu đã biết mở điện thoại chơi game, anh em quây quần với nhau. Ông bố nghỉ ngơi trên nhà chuẩn bị cho một ngày chạy xe vất vả ngày mai.

Một người làm nuôi bảy người

Người nhà cho biết ông nội già yếu ở xa, bà nội cũng lớn tuổi rồi không làm được gì, chỉ ở nhà trông cháu, người mẹ trẻ một nách năm con không dám đi làm việc gì chỉ lo chăm sóc đàn con. Thu nhập trong gia đình đều do anh Hiếu chạy taxi đem về.

Chuyện về những đứa trẻ sinh 5 ảnh 1

Quây quần bên mẹ.

Anh Hiếu kể: “Công ty Mai Linh chỗ tôi làm cho mỗi tháng 5 triệu đóng tiền học cho bọn nhỏ, nếu không, có lẽ chúng không thể đi học. Tôi chạy taxi mỗi tháng thu nhập chỉ được chừng sáu bảy triệu mà riêng tiền học cho các cháu đã 7 triệu rồi, chưa kể các khoản tiền khác nữa”. Chi tiêu trong gia đình, tiền điện tiền nước hơn một triệu mỗi tháng, chưa kể tiền ăn cho mọi người và cho bọn nhỏ.

Bà Kim nói: “Cũng may nhờ một công ty tài trợ sữa, chứ không thì rất khó khăn. Mỗi lần pha năm bình, mất đứt nửa hộp sữa”. Tài trợ sữa sắp hết hạn sau 3 năm, gia đình đang mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ. “Chúng tôi xin thêm sữa tài trợ một năm nữa, họ đang xem lại” – anh Hiếu cho biết.

Trong gia đình có ý thức tự lập trong cuộc sống.  Người mẹ trẻ lúc có bầu bụng bự, không đi đâu được. Nhưng ngày đi sinh xuống taxi, cô tự mình đi bộ vào phòng sinh. Bà Kim nói: “Thời buổi bây giờ, nuôi vài đứa con đã là khó khăn rồi, huống hồ chúng tôi nuôi năm đứa cùng lúc. Vất vả nhưng hạnh phúc khi chứng kiến chúng nó lớn lên từng ngày nên cũng ráng chịu”. Bà Kim bảo: “Anh em chúng nó được cái cho gì cũng ăn, nào cơm, nào cháo, nào canh, cứ đua nhau mà ăn chứ không kén chọn như con nhà khác”.

Bà cụ nói mọi thứ trong gia đình, cái gì ngon nhất, đẹp nhất dành cho các cháu nên cả bố mẹ và bà nội phải tằn tiện, tiết kiệm, từ lâu rồi chưa tự sắm sửa được gì cho mình. Bà kể: “Trẻ con ăn no chóng lớn, quần áo cũng phải mua mới luôn. Người ta mua một bộ, đằng này nhà mình mua một lúc phải 5 bộ. Nhà chỉ dám tìm những chỗ nào bán quần áo rẻ nhất, bán thanh lý mới dám mua”.

Nhìn đàn cháu đang tuổi ăn tuổi lớn, đang tranh nhau đấm lưng bóp vai, bà nội 65 tuổi không giấu xúc động. Bà bảo: “Lúc nào báo đăng nhờ báo tin cho chúng tôi, vì chúng tôi quanh quẩn ở nhà với đám này nên không đi đâu ra ngoài mà mua báo, chỉ nghe nói rằng thỉnh thoảng báo chí có viết về những đứa cháu của chúng tôi”.

12/2015

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".