Chuyện về một đơn vị TNXP đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00
TP - Do thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam - đế quốc Mỹ đã gây ra sự kiện “Vịnh Bắc bộ” lấy cớ trả đũa huy động không quân, hải quân ném bom và bắn phá miền Bắc, đồng thời đổ 20 vạn quân xâm lược vào miền Nam tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ” 1965 - 1968.

Theo yêu cầu của phân khu Trị - Thiên - Huế (QK 5), sau khi thỏa thuận với Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam đã quyết định thành lập một đội thanh niên xung phong (TNXP) đặc biệt lấy tên là Đội TNXP K53 (Đội K53).

Đội viên được tuyển chọn ở các tỉnh Hà Tây (Hà Nội), Nam Định, Ninh Bình với 343 đoàn viên thanh niên và 3 cán bộ người Quảng Trị - Thừa Thiên Huế và 1 bác sĩ người Huế. Ngày 13/7/1965, Đội K53 tập trung và huấn luyện tại Trường Đoàn (Cầu Giấy) tập xạ kích và hành quân mang nặng như quân đội trong một tháng. Ngày 16/8/1965, Đội K53 làm lễ xuất quân ra chiến trường. Đây là đội TNXP đầu tiên và duy nhất của Đoàn cử đi B và được trang bị như cán bộ dân chính đi chiến trường với nhiệm vụ là làm công tác thanh vận ở khu giải phóng miền Tây Trị - Thiên.

Chuyện về một đơn vị TNXP đặc biệt ảnh 1

Đội K53 xuất quân đi B tháng 8/1965

Ròng rã 2 tháng hành quân đường bộ, Đội K53 đã tập trung ở A vào (A Lưới - Thừa Thiên) để chờ nhận nhiệm vụ. Khi đó, chiến trường bắt đầu ác liệt, vùng giải phóng Trị - Thiên bị thu hẹp nên 5 tháng sau, Đội K53 lại nhận lệnh hành quân ngược ra Bắc sông Bến Hải, vượt sông vào Nam mở con đường mới song song với đường mòn Hồ Chí Minh nối dài từ Nam Bắc Hải đến Nam sông Ba Lòng (Quảng Trị) lập ra 8 trạm vận chuyển vũ khí, hàng hóa, thuốc men vào Nam và cáng thương ra Bắc, tách 2 tiểu đội Ninh Bình và 1 tiểu đội Hà Tây làm lái đò và bảo vệ bến sông Cà Ná qua đường 9 lọt giữa cứ điểm 241 và đồn giặc Đầu Mầu, đêm đêm hàng chục tấn hàng và nhiều đoàn cán bộ, chiến sĩ đã qua sông trên 1 con đò độc mộc chỉ chở được 6, 7 người.

Thời gian đầu, mỗi đội viên chỉ gùi được 20 - 24 kg/chuyến, về sau họ phấn đấu lên 40 - 46 kg/chuyến, có nhiều người làm từ 26 đến 28 ngày/tháng. Đã có hàng chục người được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ quyết thắng”, “Dũng sĩ vận tải” cấp ưu tú.

Đến cuối năm 1966, đầu 1967 do quân đông, hàng nhiều, các đội viên trong Đội Đạo lộ đã đề xuất với lãnh đạo, lúc này Đội K53 đã phối hợp với đoàn vận tải Bắc Sơn phần đông là chiến sĩ dân tộc Tà Ôi, Vân Kiều lại được tăng cường tiểu đoàn 8 của Quân khu 4 thành đường Bắc Sơn nối từ Nam Bến Hải đến Bắc Hải Vân.

Kết quả sự phối hợp giữa Đội K53 và cán bộ, du kích địa phương là một con đò lớn được ra đời. con đò có thể chở cả 1 trung đội qua sông (bến đò này tồn tại đến ngày ký kết Hiệp định Pari năm 1973).

Tháng 2/2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định phong tặng Đội K53 danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Từ đường dây ban đầu, Quân khu Trị-Thiên-Huế đã lập nhiều Binh Trạm, mở tiếp nhiều nhánh đường ngang rẽ xuống đồng bằng chi viện cho bộ đội địa phương. Đội K53 là nòng cốt vận tải và giao liên trên các tuyến mới.

Cuối năm 1967, với thành tích xuất sắc, Đội K53 được cử 2 đại biểu dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua cấp quân khu được suy tôn là Lá Cờ đầu ngành Vận tải Quân khu; được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất cho đội và C3 Hà Tây (2 đại biểu là đại đội trưởng Nguyễn Nam Hải và chiến sĩ chèo đò Đỗ Quốc Phong đều nhận bằng khen và danh hiệu “Dũng sĩ Quyết thắng”).

Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, Đội K53 có 1 trung đội vận tải và hỗ trợ chiến đấu vào Huế do anh Trần Sơn (Ứng Hòa - Hà Tây) phụ trách suốt từ 22 tháng Chạp đến 18 tháng Giêng năm 1968 mới hoàn thành nhiệm vụ.

Kể từ đó, bước chân các đội viên TNXP K53 dù đi khắp chiến trường, không chỉ vận tải, giao liên mà còn trực tiếp chiến đấu bảo vệ đường dây, lập nhiều chiến công đánh Mỹ, ngụy. Tháng 4/1968, Đội K53 diệt một đại đội Mỹ trên dốc Bồng Bông, Trung đội phó Trịnh Đình Chu (Yên Khánh - Ninh Bình) hạ nòng 12,7 ly diệt 13 tên Mỹ. Khi hết đạn, anh đã đập vỡ súng và dùng AK chiến đấu đến cùng và hy sinh anh dũng. Hoàng Văn Hợp - Lê Thống đã thu hút hỏa lực máy bay địch chấp nhận hy sinh để đồng đội kịp rút vào rừng. Lê Huân dùng súng hạ trực thăng địch. Còn Trung đội trưởng Nguyễn Tiến Bách cùng Tiểu đội trưởng Nguyễn Danh Nhiềm hy sinh khi chiến đấu với biệt kích ngụy. Với anh nuôi Nguyễn Văn Cỏn thì trước khi hy sinh vẫn lo nồi cơm bị cháy sẽ khiến anh em đói…

Phải nói K53 là đội TNXP đặc biệt và chiến công cũng hết sức đặc biệt. 111 đội viên của Đội K53 đã hy sinh, 167 đội viên khác bị thương, những người còn lại bị sức ép của bom đạn, nhiễm chất độc da cam.

Sau ngày đất nước thống nhất, các đội viên Đội K53 trở về với đời thường, nhiều người phấn đấu thành kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo; một số đã trưởng thành các sĩ quan cao cấp của quận đội. Đội K53 sớm thành lập ban liên lạc và đã được Ban Bí thư Trung ương Đoàn ra quyết định công nhận từ năm 1992. Khi Hội cựu TNXP ra đời, các đồng chí đều tham gia hoạt động, đồng chí Võ Phan Diễn, Đỗ Quốc Phong được bầu là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội cựu TNXP, rồi Ủy viên Đoàn Chủ tịch. Đồng chí Đỗ Quốc Phong giữ chức Chủ tịch Hội cựu TNXP Hà Nội từ năm 2005 đến năm 2022. Các đồng chí thuộc Đội K53 đã đóng góp công sức to lớn để lực lượng TNXP Thủ đô đón nhận danh hiệu Anh hùng và Hội cựu TNXP Hà Nội vừa nhận Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2021.

57 năm truyền thống, 50 năm tham gia giải phóng tỉnh Quảng Trị, 12 năm đón nhận danh hiệu Anh hùng, Đội TNXP K53 xứng đáng là đơn vị đặc biệt và những thành tích, chiến công đặc biệt.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.