Lần ghé mới đây, khi dâng hương lên phần mộ 10 cô gái TNXP, ngước lên tấm ảnh quen thuộc phía sau bức bình phong, chợt nhận ra sự chỉn chu, hoành tráng. Bức ảnh chụp 10, không, 12 cô TNXP đã được thay mới. Khổ ảnh lớn hơn. Và bằng sứ.
…Tâm trí ngược về 22 năm trước.
Tốp phóng viên xuôi Nam theo đường dây 500 KV khi đó đương được khẩn trương thi công. Trong đoàn nhà báo có anh Văn Sắc là phóng viên TTXVN chuyên theo mảng giao thông vận tải vốn quen thuộc với cả bọn, trong đó có tôi thường bươn bả cùng anh nhiều chuyến trên các vùng miền, cung chặng… Anh ít nói. Và thường là người cuối cùng lên xe mỗi khi tác nghiệp. Vì mê mải việc bấm máy.
Trưa tháng bảy ấy từ Nghệ An vào, anh đột nhiên giọng khẩn khoản với ông phụ trách dẫn đoàn là ghé qua Ngã Ba Đồng Lộc một chút, vì anh có việc chi đó. Ông phụ trách đoàn phân vân bởi hành trình không qua Đồng Lộc. Mà ghé thì nhỡ hẹn với một đơn vị đương thi công ở Đèo Ngang. Nhưng mấy anh em vốn quý anh Văn Sắc lại thấy anh chưa bao giờ có việc mè nheo yêu sách phiền toái gì nên đồng thanh xin hộ.
Với lại khi ấy, địa danh Ngã Ba Đồng Lộc lịch sử dường như chưa lưu mấy trong tâm trí nhiều người, kể cả đám làm báo chúng tôi.
Ngã Ba Đồng Lộc khi đó đường còn nham nhở. Chưa có đoạn nào được trải nhựa. Không gian như mênh mang hơn vì thông trồng mới loi thoi xanh chưa khép tán mát mướt như bây giờ. Anh Văn Sắc lanh lẹ xuống xe nghiêng ngược ngó xuôi một hồi. Rồi phải hỏi đến cái quán nước thứ tư ở Ngã Ba, anh mới trở lại xe dẫn theo một cậu bé. Lúc này, cả bọn mới biết anh dẫn chúng tôi đến thắp hương cho 10 cô gái TNXP hy sinh ở Ngã Ba Đồng Lộc mà anh từng chụp ảnh trước lúc họ hy sinh. Chú bé này biết phần mộ của họ.
Một bức tường bao thâm thấp bằng gạch sơ sài bao lấy những ngôi mộ xây cũng giản dị. Kể khi ấy cũng đã là tươm lắm. Lại có mấy cây vạn tuế mới trồng bên cạnh. Tôi để ý, khi cắm hương lên từng ngôi mộ, anh Văn Sắc cứ rì rầm gì đó.
Non trưa tháng bảy miền Trung. Ngằn ngặt vòi vọi xanh không một gợn mây trên đầu. Trời mô xanh bằng trời Can Lộc. Không có chủ đích gì, tôi nhớ mình khi đó đã bâng quơ hướng ống kính cái máy ảnh còm về phía anh Văn Sắc mũ trắng áo caro đương nghiêm ngắn giữa chang chang nắng khấn khứa điều gì. Trong lúc cả bọn đều mau chóng tót lên xe vì nắng.
Trên xe, anh Văn Sắc im lặng như bản tính cố hữu mặc cho cả bọn đương rôm lên chuyện này chuyện khác.
Chỉ tối đó dừng nghỉ ở Quảng Bình, anh Văn Sắc mới nhẩn nha về cái việc trưa nay dừng ở Ngã Ba Đồng Lộc.
Năm 1968, địch đánh phá Quốc lộ 1A và cắt đứt toàn bộ tuyến, buộc ta phải tìm con đường khác để vượt Trường Sơn. Ngã Ba Đồng Lộc chính là con đường tắt để vào Nam. Phóng viên Văn Sắc được cử vào khu Tư. Từng vác máy ảnh mấy tháng ở tuyến giao thông Trường Sơn năm 1967 nhưng đến Ngã Ba Đồng Lộc, Văn Sắc chưa thấy nơi đâu máy bay Mỹ đánh khốc hại như nơi này. Bom tọa độ, bom phá, bom xuyên, bom bi san bằng cả một vùng mênh mông, tả tơi, trụi lúi. Thế mà lực lượng TNXP Hà Tĩnh vẫn ngày đêm trụ bám. San lấp hố bom.
Đếm bom tọa độ. Phá bom. Thời kỳ này, nơi đây đã xuất hiện rất nhiều những tấm gương như anh hùng La Thị Tám đếm bom tọa độ, Nguyễn Văn Nhỏ phá bom từ trường…
Theo lịch trình, Văn Sắc có 3 ngày công tác ở tọa độ lửa này. Tổng đội TNXP Hà Tĩnh bố trí anh cùng ăn cùng ở với một đại đội TNXP. Kể tới đây, anh lục trong túi ra một cuốn sổ tay còn mới nhưng có ghi tên một địa chỉ cũ tiểu đội 4 - đại đội 552 - tổng đội 55 Thanh niên xung phong.
Ba ngày đêm. Khoảng thời gian ấy chỉ là chớp mắt của một đời người. Nhưng với Văn Sắc là một lát chém hằn sâu trong ký ức. Mỗi khi nhớ lại là hiển hiện những cô gái TNXP nhỏ thó - mà các cậu ạ, hồi đó dẫu là vào lực lượng TNXP nhưng các cô gái miền Trung hình như sức ăn sức lớn chưa có…
Ban ngày tranh thủ có lúc nào vắng bom thì quần quật kéo xe bò, xe cải tiến, gồng gánh để san lấp hố bom. Còn ban đêm thì hầu như trắng đêm cũng với công việc ấy.
Nhà báo Văn Sắc (ảnh chụp 7/1992). Ảnh: Xuân Ba
Những phút hiếm hoi ban ngày vì quá mệt, nhiều cô gái đương sức ăn sức lớn vừa ríu ran chuyện đó mà đã đổ gục xuống vì cơn buồn ngủ khó cưỡng.
Trong những căn hầm chữ A chật chội, ngó giọt nước miếng nhễu xuống cặp má phinh phính lông tơ mà như anh Văn Sắc nói, chỉ có trẻ con mới có kiểu say ngủ hồn nhiên như thế...
Vậy mà mới lơ mơ được ít phút thì không gian như xé vụn bởi tiếng rít ghê rợn của động cơ phản lực Mỹ và những căn hầm chao đảo trong tiếng bom dậy đất.
Đến đêm, trên đường đi làm, nói chuyện với chị Tần-tiểu đội trưởng, tôi hỏi:
- Làm việc nơi này có sợ không?
- Sợ chứ. Bất cứ ai đi qua nơi “cửa tử” này cũng phải chạy, không dám đi thong thả. Địch có thể đến bất cứ lúc nào.
- Sợ sao lại làm?
Tần hồn nhiên:
- Thực ra, địch đánh ở đây không phải lúc nào bom bỏ cũng trúng.
- Nếu trúng thì sao?
- Nếu trúng thì chưa chắc đã bị thương. Mà bị thương chưa chắc đã chết.
Trên đây là đoạn đối thoại của Văn Sắc với tiểu đội trưởng tiểu đội 4 Võ Thị Tần mà sau này một tờ báo đã đăng khi phỏng vấn.
Vậy mà, những cô gái nhỏ thó ấy khi thao tác lấp hố bom vào buổi chiều có nắng đã gây cho Văn Sắc một hiệu ứng hoành tráng. Vừa may buổi chiều cuối cùng ở tọa độ lửa không có tiếng máy bay. Văn Sắc bảo các cô làm lại việc cũ. Nhưng không phải mấy người mà 12 cô gái một lúc cùng san lấp hố bom.
Trong tay Văn Sắc là chiếc Pratika quen thuộc thông dụng. Lủng lẳng bên hông là chiếc Roleiflex cỡ phim 6x6 như cái tráp vuông. Như vậy là sang, chỉ có phóng viên chiến trường của TTXVN mới có của quý ấy.
Hướng ống kính về phía hố bom. Bấm vài kiểu Pratika với ống kính thường, Văn Sắc thấy chưa ổn. Phải cỡ phim và ống kính rộng hơn để ôm trọn hình ảnh hoành tráng kia? Văn Sắc cúi xuống khuôn hình chiếc Roleiflex…
Ngay trong đêm ấy, Văn Sắc trở lại Hà Nội, trụ sở TTXVN. Và 20 ngày sau, nghe bên Ban tin các đồng nghiệp nói chuyện vừa nhận được tin có 10 cô gái TNXP anh dũng hy sinh ở Ngã Ba Đồng Lộc, nhất là cụ thể phiên hiệu đơn vị tiểu đội 4 - đại đội 552 - tổng đội 55 TNXP Hà Tĩnh, Văn Sắc choáng người.
…Thì ra bữa ấy không tùy hứng và ngẫu nhiên mà Văn Sắc, trong chuyến xuôi Nam đã sắp sẵn một kế hoạch là phải ghé Ngã Ba Đồng Lộc! Từ ngày máu lửa bấm máy ấy, anh chưa có dịp qua. Bằng cớ anh Văn Sắc có cho coi tấm ảnh cỡ 9x12cm mang theo.
Ngắm tấm hình, chợt thấy quen quen, không biết đã đăng ở những báo nào? Các cậu có biết bức ảnh có gì lạ? Tôi chịu. Chỉ thấy bắt mắt. Hoành tráng…
Anh Văn Sắc giảng giải thêm: Lúc bấy giờ, tôi không nghĩ bức ảnh mình chụp có tới 3 bóng, dưới hố bom là nước, hình các cô in bóng trên mặt nước, rồi mặt trời rọi vào lưng họ in bóng lên mặt đất, lúc in ảnh, tôi thực sự bất ngờ. Bình thường, ảnh chỉ có hai bóng mà thôi. Nếu là các máy thông thường, có lẽ tôi không thể chụp được bức ảnh ấy. May sao hôm đó mang theo cái Roleiflex 6x6 mới bao hết được miệng hố bom…
Anh Văn Sắc cũng cho biết, cuối năm 1968, tấm ảnh được đăng trên Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội mới, Giao thông Vận tải… Và nhiều năm sau, thi thoảng cũng được dùng lại.
Qua câu chuyện của anh Văn Sắc thời điểm ấy, không phải con mắt nhà nghề cũng chỉ biết hiệu ứng của bức ảnh là lớn. Nhưng đến năm 2006, phóng viên Văn Sắc được trao tặng Giải thưởng Nhà nước thì mới biết giá trị thế nào. Rồi sau đó, bức ảnh được phóng to trưng ở Khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc…
…Ở tuổi 80, ơn giời, ông lão HoàngVăn Sắc còn khỏe mạnh vui vầy với con cháu cùng 6 đứa chắt. Hơn một năm trước, ông đến Bát Tràng mang theo tấm ảnh mười cô gái… Những người thợ tài hoa làng Bát Tràng đã tỷ mẩn truyền thần khuôn hình sang chất liệu sứ. Khi biết việc, cảm cái tình lẫn cái tài của ông khách, họ chỉ lấy công 12 triệu đồng một bức. Tiền ấy, nhỏ thôi nhưng có lẽ cũng khấu đi kha khá lương hưu của ông lão Văn Sắc.
Xong xuôi, ông thuê xe con cẩn thận rinh hai bức sứ cao 1m, rộng 1,2m vào Khu di tích Đồng Lộc. Bữa ấy, Ban quản lý Khu di tích tá hỏa khi thấy một ông lão tóc bạc trắng cùng người nhà khệ nệ bê hai bức ảnh vào tặng… Mãi một hồi lâu mới khiêm tốn giới thiệu mình là tác giả.
Cựu phóng viên TTXVN Văn Sắc đang hoàn thành ma-két cuốn sách ảnh về đề tài chiến tranh với 200 tấm ảnh đen trắng mà ông từng nhiều năm cầm máy trên các chiến trường trong đó có những nẻo đường máu lửa khu Tư.
(Còn nữa)