Chuyện về cựu chiến binh 'Phò Đại'

Chuyện về cựu chiến binh 'Phò Đại'
TPO - Hơn 5 năm chiến đấu, 18 năm làm ăn trên đất nước triệu voi, cựu chiến binh Trần Đức Lung được người dân Lào đặt tên là “Phò Đại – Người ân nhân, mang trong mình hai quê hương Việt – Lào”.

Theo cựu chiến binh Trần Đức Lung (SN 1954, trú tại xóm 6, xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu, Nghệ An), ông là con thứ hai trong gia đình có sáu anh em. Gần 20 tuổi, ông tham gia dân quân hỏa tuyến ở địa phương, sau đó cưới vợ. Năm 1974, ông Lung trở thành chiến sĩ của đơn vị C2, K4, E2, S324, chiến đấu tại vùng biên giới huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế).

Sau giải phóng, cựu binh Trần Đức Lung xung phong sang Lào giúp đỡ nước bạn chống quân thổ phỉ Vàng Pao.

Chuyện về cựu chiến binh 'Phò Đại' ảnh 1 Vợ chồng "Phò Đại".

“Thời gian ấy, vừa chiến đấu chống thổ phỉ Vàng Pao, vừa cùng dân bản lên rẫy gặt lúa, kiếm củi. Tình quân dân thêm thắm thiết nên tiểu đội quyết định kết nghĩa với dân bản Nậm Nhiếp. Tôi nhớ như in hình ảnh mẹ Chăn Na, người chăm sóc tôi trong quá trình bị thương. Mẹ dạy tôi tiếng Lào, chăm tôi từng giấc ngủ, dành chăn tôi đắp...”, ông Lung chia sẻ. Năm 1981, Trần Đức Lung phục viên rời quân ngũ.

Chuyện về cựu chiến binh 'Phò Đại' ảnh 2 "Phò Đại" và những huân, huy chương của nhà nước Việt Nam và Lào trao tặng.

Trở lại địa phương, ông Trần Đức Lung được bầu làm đội trưởng đội sản xuất, Phó trưởng Công an xã, Xã đội trưởng của xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Với những thành tích, đóng góp khi được chính quyền và nhân dân giao phó, ông Trần Đức Lung tiếp tục được bầu vào làm Phó Chủ tịch xã kiêm Trưởng Công an.

Đến năm 1995, ông Lung cùng vợ, 3 người con quyết định chọn huyện Kà Lườm, tỉnh Xê Kòng làm nơi thường trú, lập cơ sở kinh doanh.

Chuyện về cựu chiến binh 'Phò Đại' ảnh 3 Huân chương và Bằng khen Tấm lòng vàng mà nhà nước Lào trao tặng cho Phò Đại.

Kinh tế ổn định, nền móng kinh doanh dần vững chắc, ông Lung quyết định tham gia vào công tác an sinh xã hội tại địa phương. “Tôi tặng gạo, muối, các vật phẩm dân dụng cho người dân nghèo khó. Tôi dạy họ cách làm ăn, phát triển sản xuất. Dành tiền chữa trị cho các cháu nhỏ, người già ở bệnh viện. Những bữa cơm miễn phí cho người neo đơn. Tôi ủng hộ xây dựng các công trình dân sinh.

Ghi nhận tấm thiện tình, người dân Kà Lườm đặt tên tôi là 'Phò Đại', cái tên đó dành cho ân nhân, người anh cả trên địa bàn. Tôi thương họ, họ quý tôi. Những lúc ốm đau, người dân cả bản kéo đến thăm, mang theo con gà, củ khoai, ấm áp lắm. Ngày tết kéo gia đình tôi tới nhà mổ bò ăn mừng. Với gia đình, với những người dân Kà Lườm, chúng tôi là người hai quê hương Việt – Lào”, ông Trần Đức Lung chia sẻ.

Đảng và nhà nước Lào tặng Huân chương Cống hiến, tặng bằng khen Tấm lòng vàng cho ông Trần Đức Lung... Năm 2010, ông Lung bị bệnh tiểu đường nên phải về quê chữa trị. Người dân xóm 6, xã Diễn Tháp lại tín nhiệm bầu ông làm bí thư chi bộ. Tình cảm của người cựu chiến binh, doanh nhân ấy cùng với người dân Lào đến nay vẫn đượm tình sắt son.

Ông Đậu Xuân Mạnh – Phó Chủ tịch xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho biết: “Toàn xã có 1.400 người làm ăn, kinh doanh ở Lào. Chính quyền luôn tạo điều kiện cho người dân hoàn thành các thủ tục hợp pháp để họ an tâm phát triển sản xuất kinh tế. Đa số người dân Diễn Tháp đều coi một số địa phương ở Lào là quê hương thứ hai của họ.  Có người lấy vợ sinh con, nhập bên đó...”.

MỚI - NÓNG