Chuyện về chàng tiến sĩ văn học trẻ nhất xứ Nghệ

Chuyện về chàng tiến sĩ văn học trẻ nhất xứ Nghệ
TP- Trở thành tiến sĩ văn học trẻ nhất xứ Nghệ lúc chưa đầy 30 tuổi, Lê Thanh Nga - chàng trai của miền quê Thanh Chương đã không phụ tấm lòng gia đình, bạn bè, thầy cô.

Gặp Lê Thanh Nga một chiều đầy nắng và gió ở thị trấn miền núi Nghĩa Đàn (Nghệ An), ấn tượng đầu tiên anh để lại trong tôi là khuôn mặt đầy ý chí, nhiệt huyết.

Nga tốt nghiệp thủ khoa cao học, khoa Văn, Đại học Vinh, khóa 2000 - 2003 với số điểm trung bình môn 8,53 và được chuyển tiếp làm tiến sĩ.

Anh còn nhớ như in lời nhận xét của PGS - T.S Đinh Trí Dũng - Trưởng khoa Văn: “Luận văn của Lê Thanh Nga đã vượt tầm một luận văn thạc sĩ, có dáng dấp của một luận án Tiến sĩ”. Câu nói như một lời động viên, nhen nhóm thêm quyết tâm của Nga trên con đường học tập.

Năm 2004, Nga bắt đầu ra Hà Nội làm nghiên cứu sinh, bạn bè tặc lưỡi bảo “cái thằng ngu ngơ chỉ biết học, không hiểu ra ngoài ấy có sống, làm việc được không?”. Và không phải là họ quá lo xa. “Tôi cảm thấy mình đúng như một người nhà quê, đi đâu cũng bị lừa” - Nga trầm ngâm nhớ lại.

Thì ra, trong thời gian làm luận án tiến sĩ tại Viện Văn học Việt Nam, để có tiền ăn học, chi tiêu, Nga cũng phải lăn lộn với cuộc sống. Không dám xin dạy ở các lò luyện thi, anh tìm đến các trung tâm giới thiệu việc làm, mong tìm được công việc gia sư, nhưng thật trớ trêu khi bị lừa hết lần này đến lần khác. Lần đó, Nga được giới thiệu công việc gia sư với mức lương 480 nghìn đồng/tháng.

Phấn khởi, Nga đóng ngay 240 nghìn đồng - nửa tháng lương đầu tiên cho Trung tâm làm lệ phí, nhưng lúc đến nhận dạy, mới té ngửa khi người ta chỉ trả cho anh 120 nghìn đồng/tháng.

Quay lại Trung tâm “hỏi cho ra nhẽ” thì Nga nhận được cái “nháy mắt” cùng lời khuyến khích “cứ nhận việc đi, rồi sẽ được tăng lương”. Tức mình vì bị lừa, Nga không đồng ý và khoản lệ phí vừa nộp trở thành “lệ phí sống” đầu tiên của anh ở Hà Nội.

Đó cũng chưa phải lần tìm việc “choáng” nhất của Nga. Lần khác, anh tới một trung tâm giới thiệu việc làm có biển quảng cáo khá to và hoành tráng. Các nhân viên trung tâm lại tỏ vẻ nhiệt tình và đặc biệt có rất nhiều công việc với mức lương hấp dẫn, khiến Nga không chút nghi ngờ khi đóng lệ phí.

Vậy mà, hôm nay vừa đóng tiền, ngày mai quay lại thì trung tâm đã “lặn mất tăm”. Tổng cộng “lệ phí sống” Nga đóng cho các trung tâm lên tới gần 3 triệu đồng - món tiền không nhỏ với anh lúc đó.

Rốt cuộc, phải nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, anh mới tìm được việc. Nhưng làm được bao nhiêu tiền, anh lại dồn tất cả vào mua sách. Để tiết kiệm tiền, mỗi lần về quê, Nga thường mang tương hoặc nhút ra ăn; chính vì vậy mà có những tuần, anh không biết mùi rau, mùi thịt.

Và hậu quả việc nhịn ăn mua sách là một trận ốm kịch liệt, khiến gia đình phải thay nhau ra chăm sóc cả tháng trời.

“Mỗi lần đi qua hiệu sách, tôi phải nhắm mắt, gò lưng, đạp thật nhanh cho xe vượt qua. Vì chỉ cần dừng lại, bước chân vào thế giới của sách, tôi khó lòng kiềm chế được sự say mê, kiểu gì cũng mua vài quyển, mà như thế là “mất đứt” cả tháng lương tiền gia sư” - Nga nhớ lại.

Sau bao nhiêu khó khăn, vất vả, ngày 6/12/2007 Lê Thanh Nga đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ văn học (chuyên ngành Lý luận Văn học). Đặc biệt, Nga trở thành Tiến sĩ Văn học trẻ nhất xứ Nghệ khi chưa đầy 30 tuổi.

Động lực từ gia đình

Ngôi nhà nhỏ yên bình ở miền quê Thanh Chương nghèo là nơi Lê Thanh Nga đã sinh ra và lớn lên. Mồ côi cha từ năm ba tuổi, nhà có sáu anh chị em. Nga là con út và một người anh bị loà cả hai mắt vì tai nạn, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn.

Mẹ chỉ là cô giáo làng, ngoài giờ dạy học lại lặn lội lên Tương Dương, Con Cuông (Nghệ An) đốn củi, tối về thắp đèn cặm cụi đan rổ, nón. Anh trai Nga tuy loà nhưng cũng suốt ngày quần quật bên chuồng lợn.

Lăn lộn đủ nghề mà vẫn không đủ ăn. Có những ngày tháng, cả gia đình phải ăn khoai trừ bữa, là đứa bé nhất trong nhà nên Nga được ưu tiên, dành cho ít cơm dưới đáy nồi.

Cuộc sống vất vả là vậy, nhưng mẹ Nga nhất định không cho các con nghỉ học vì bất kỳ lý do gì. Trước quyết tâm của mẹ, anh em Nga đều được học hành đến nơi đến chốn, trong đó có bốn người học đại học.

Bây giờ, mỗi lần ngồi với anh chị, Nga vẫn thường bảo “Có được ngày hôm nay là nhờ sự tần tảo, kiên cường của mẹ”.  

MỚI - NÓNG