Chuyện về 'bà mẹ của nghìn con'

Sau 20 năm gắn bó với nghề ở lĩnh vực hiếm muộn, TS-BS Vương Thị Ngọc Lan đã giúp cho ra đời 10 nghìn đứa trẻ bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm.
Sau 20 năm gắn bó với nghề ở lĩnh vực hiếm muộn, TS-BS Vương Thị Ngọc Lan đã giúp cho ra đời 10 nghìn đứa trẻ bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm.
TP - “Xin đừng nghĩ nghiên cứu khoa học là phải phát minh ra những thứ cao siêu, những điều vĩ đại mà quên đi cái giá trị cuối cùng của nó là phục vụ cho người bệnh, cho nhân dân. Suy cho cùng, con diều nghiên cứu dù có bay cao đến đâu, vẫn phải gắn với lợi ích của con người bằng một sợi dây vững chắc…”, TS- BS Vương Thị Ngọc Lan- Phó chủ nhiệm bộ môn Phụ sản ĐH Y Dược TPHCM tâm niệm.

Một cây bút, một tờ giấy A4 trên bàn, TS Vương Thị Ngọc Lan mở đầu buổi trò chuyện bằng một nụ cười nồng ấm. Tôi đến Đơn vị Thụ tinh ống nghiệm Bệnh viện Mỹ Đức ở quận Tân Bình, TPHCM -  nơi bác sĩ Lan đang công tác vài ngày sau khi bài nghiên cứu của nữ bác sĩ này được đăng trên tạp chí NEJM, một tạp chí đứng hàng đầu về y khoa thế giới. Tận sâu trong ánh mắt của người phụ nữ với dáng người mảnh khảnh ấy không giấu được những niềm vui, nó lan tỏa ra xung quanh và tự dưng khiến tôi cũng hân hoan vì một điều gì đó mà bản thân không giải thích nổi. Chị mỉm cười khi tôi hỏi về cảm giác hiện tại: “Chị hạnh phúc lắm em ơi!”.

3 năm với hàng nghìn vất vả

Dù trước đây, vị nữ bác sĩ cùng các cộng sự đã từng đăng rất nhiều bài viết trên các tạp chí chuyên ngành về y khoa thế giới. Thế nhưng, việc được công bố nghiên cứu trên một tạp chí được mệnh danh là “Kinh thánh” của giới y khoa là điều mà chị chưa từng dám nghĩ đến.

Công trình nghiên cứu của BS Ngọc Lan được thai nghén từ cuối năm 2014, trước thực trạng  mỗi năm trên thế giới có đến khoảng vài triệu cặp vợ chồng cần thụ tinh ống nghiệm. Thực tế cho đến hiện tại, các BS vẫn không thể trả lời cho câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản của bệnh nhân sau khi thụ tinh: “Tôi nên chuyển phôi tươi hay chuyển phôi đông lạnh, thưa BS?”.

BS Lan cẩn thận phân tích ra giấy cho tôi ưu và nhược điểm của từng phương pháp. Theo đó, BS Lan cho biết khi mới bắt đầu làm thụ tinh ống nghiệm, mỗi lần thụ tinh sẽ cho khoảng 5-7 phôi, lúc đó kỹ thuật đông lạnh phôi chưa phát triển nên các BS trên thế giới tiến hành chuyển phôi tươi. Nếu sử dụng số phôi quá ít thì tỉ lệ có thai sẽ không cao, do đó các BS chuyển  tăng số phôi tươi vào buồng tử cung cho bệnh nhân, tỉ lệ thành công tăng lên, nhưng đồng nghĩa với nguy cơ đa thai cũng cao hơn. Cho đến khi kỹ thuật đông lạnh hoàn chỉnh, nhiều trung tâm trên thế giới nhận thấy kỹ thuật này giúp tăng tỉ lệ mang thai nên không thực hiện chuyển phôi tươi nữa mà đông lạnh toàn bộ số phôi có được và chuyển phôi rã đông sau đó. Thế nhưng, việc dùng phôi đông lạnh vô tình kéo dài thêm thời gian chờ đợi của các cặp vợ chồng, chi phí cũng tăng theo.

Đây thật sự là một câu hỏi mà bất kỳ vị BS chuyên lĩnh vực hiếm muộn nào cũng phải đối diện với bệnh nhân. Thế nhưng, việc đi tìm câu hỏi cho bài toán thụ tinh này không hề dễ dàng. “3 năm, 782 bệnh nhân và hàng nghìn những vất vả”, BS Lan chia sẻ và đó cũng là điều kiện cần và đủ để giải bài toán thành công.

Bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, một trong 50 Phụ nữ Ảnh hưởng nhất Việt Nam 2017 do tạp chí Forbes bình chọn. Trước đó, năm 1998, nữ bác sĩ này đã được vinh danh tại giải thưởng Kovalevskaya vì công trình thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam.

BS Lan và các cộng sự đã bắt đầu nghiên cứu bằng việc theo dõi, đánh giá trên 782 bệnh nhân, ghi nhận một cách chính xác các biến chứng thai kỳ cho đến lúc thai phụ sinh con.

“Thời gian theo dõi kéo dài trên 1 năm, việc quản lí dữ liệu bệnh nhân không phải chuyện dễ dàng, thế nhưng thông tin thu thập về bắt buộc chính xác đến tuyệt đối. Làm sao để so sánh được kết quả của hai phương pháp trên về nhiều khía cạnh như hiệu quả, biến chứng liên quan đến điều trị, biến chứng khi mang thai, thời gian điều trị để đạt kết quả và chi phí điều trị là một điều công phu và khó khăn thật sự”, BS Lan kể lại.

Công trình nghiên cứu bước đầu đã hoàn tất.  Nghiên cứu này trải qua 17 lần phản biện, chỉnh sửa nghiêm ngặt trước khi được gửi đến tạp chí NEJM. Theo BS Lan, mỗi tuần NEJM nhận khoảng vài ngàn bài nghiên cứu từ khắp các nước gửi về, và chỉ 5% trong số đó được lựa chọn để công bố.

“Mỗi vòng kiểm duyệt từ đội ngũ biên tập của “Kinh thánh” là đồng nghĩa với việc những yêu cầu khó khăn và tỉ mỉ lại được tăng lên. Tận đến khi bản thảo được duyệt vẫn phải trải qua thêm 64 yêu cầu điều chỉnh. Và thử thách cuối cùng của chúng tôi là làm sao khi người đại diện NEJM gửi bản thảo đi cho 2 người bất kì: 1 BS không chuyên lĩnh vực hiếm muộn và một độc giả bình thường xem, họ không còn thắc mắc nào nữa là chúng tôi đã hoàn thành”, vị bác sĩ nhớ lại.

Sau khi công trình nghiên cứu về chuyển phôi trong thụ tinh ống nghiệm của nhóm BS Việt Nam được chọn công bố, rất nhiều hãng thông tấn lớn của thế giới đã đưa tin về sự việc, đây là minh chứng rõ ràng nhất cho những nỗ lực tuyệt vời của nhóm BS Việt Nam. “Tôi không phủ nhận sự may mắn, thế nhưng chúng tôi cho rằng mình xứng đáng với thành quả này. May mắn chỉ đến một lần rồi sẽ không bao giờ đến nữa. Vì vậy, may mắn không tạo nên thành công. Chính sự đầu tư nghiêm túc, bền bỉ, không bỏ cuộc mới là con đường dẫn vững chắc đến vinh quang”, câu trả lời mạnh mẽ của vị nữ bác sĩ khiến tôi nghĩ nhiều hơn đến con số 95% thất bại mà người phụ mảnh khảnh ấy vẫn chấp nhận đương đầu.

“Bà mẹ” của hơn 10 nghìn đứa trẻ

Mạnh mẽ, bản lĩnh, nhẫn nại… đó là những gì mà mọi người vẫn nhắc đến  nữ bác sĩ Ngọc Lan. Hàng chục giải thưởng danh giá và mới đây là công trình nghiên cứu trên NEJM chính là những gì BS Lan có được trong nghề nghiệp. Thế nhưng trở về cuộc sống gia đình, gia tài của chị chỉ là tình yêu thương.

Người phụ nữ ấy bật khóc khi nói về mẹ, GS- BS Ngọc Phượng, người mẹ và cũng chính là người thầy của chị trong nghề. Chính câu chuyện mà cô bé Ngọc Lan nghe lỏm được khi lên  10 tuổi là chất xúc tác tuyệt vời để tạo nên một TS.BS Ngọc Lan tài năng và tình cảm của hiện tại.

Ngày ấy, mẹ chị- một GS- BS đầu ngành và nổi tiếng trong lĩnh vực phụ sản đã không chọn con đường ra nước ngoài để lập nghiệp mà chọn ở lại Việt Nam, lăn xả đến từng huyện lị xa xôi để chữa bệnh cho người nghèo. Chính câu trả lời lý giải về điều đó của người mẹ thân yêu đã khắc sâu vào tâm khảm cô bé 10 tuổi: “Thứ tôi để lại cho các con không phải là tiền, mà chính là tình yêu thương”.

Ngôi nhà nhỏ với cánh cổng màu xanh, nơi ba chị em cô bé Ngọc Lan đã phải tự lập từ nhỏ mỗi khi mẹ đi công tác xa chính là nơi ươm mầm cho những ước mơ và nuôi dưỡng những điều tuyệt vời trong tâm hồn non trẻ. Những bộ quần áo cũ được đồng nghiệp mẹ mang đến cho, những thiếu thốn vô vàn trong cuộc sống và cả những dư dả tình thương mà người mẹ trẻ cố vun vén cho các con, những sự quan tâm chắp vá và ngắt quãng trong những ngày nghỉ ít ỏi mà mẹ được ở nhà, hết thảy những điều đó đã phát họa nên bức tranh tuổi thơ đầy tươi đẹp của người bác sĩ mang tên loài hoa ngọc lan.

Những lặng im trên môi, những rưng rưng trên mi mắt ngày càng dồn dập khi người phụ nữ ấy kể về bệnh viện- nơi mà chị bảo đã in dấu cả tuổi thanh xuân của mình. Lễ cưới ngày ấy của chị chỉ diễn ra 4 ngày, không có cả tuần trăng mật vì số cặp vợ chồng chờ đợi tại BV để thụ tinh ngày một nhiều.

Chị kể về cô con gái năm nay lên 7 tuổi đã ghi vào sổ nhật ký những dòng chữ còn chưa ngay ngắn: “Con ước mẹ con có nhiều thời gian hơn để dành cho mẹ, và con muốn mẹ ở nhà với con nhiều hơn”. Hóa ra, trong ngôi nhà ba thế hệ ấy, những đứa con luôn tự chấp nhận việc người mẹ dành thời gian cho nghề và sống trọn với đam mê, mặc dù không dành được nhiều thời gian hơn cho gia đình như một điều vốn dĩ.

Chị tâm sự rằng mình học được ở mẹ bản lĩnh đương đầu và nhiều nhất là cái tâm và trách nhiệm với bệnh nhân. Không biết bao nhiêu lần người BS ấy đã rơi nước mắt một mình bên góc hành lang vì câu chuyện của những người phụ nữ không con. “Có những người tìm đến tôi khi hôn nhân đang ở trên bờ vực thẳm, họ tin tưởng và giao phó cả cuộc đời họ cho tôi”, chị tâm sự.

Điều quý giá nhất mà người phụ nữ ấy nhận được trong suốt 20 năm làm nghề  chính là hơn 10.000 đứa trẻ được ra đời trong niềm hạnh phúc tột cùng của cha mẹ, là tình yêu thương mà bệnh nhân trao tặng, đây cũng chính là bài học đầu tiên mà chị học được từ người mẹ của mình, bài học về giá trị của tình yêu thương.

TS. BS Vương Thị Ngọc Lan xuất thân trong một gia đình có truyền thống Y học, chị là con gái của GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực sản khoa tại Việt Nam. Chồng chị là BS Hồ Mạnh Tường hiện là tổng thư ký hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM. Công trình nghiên cứu được đăng trên tạp chí NEJM có cả sự tham gia của BS Mạnh Tường cùng các cộng sự.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.