Chuyện tư pháp ghi ở nước Nga

Chuyện tư pháp ghi ở nước Nga
TP - Nhiều cán bộ tư pháp của ta đào tạo ở Liên Xô. Các cơ quan tư pháp của ta cũng được tổ chức theo mô hình của Liên Xô. Tuy nhiên, Liên Xô không còn nữa, và pháp luật nhà nước Nga đã có nhiều thay đổi…
Thẩm phán và thư ký
Thẩm phán và thư ký.

Mênh mông rừng bạch dương, những cánh đồng ngút tầm mắt, những mái vòm nhà thờ sặc sỡ hình củ tỏi… Nước Nga gắn với thời sinh viên, nghiên cứu sinh trẻ trung, sôi nổi của nhiều cán bộ điều tra, kiểm sát, tòa án Việt Nam.

Có thời kỳ dài, từ cơ sở lý luận, phương pháp làm việc, đến cơ cấu tổ chức các cơ quan tư pháp của ta đều học theo làm theo các bạn Liên Xô. Những thập niên gần đây nước bạn và chúng ta đều có nhiều thay đổi, song với số đông người Việt Nam, nước Nga vẫn gần gũi, thân thiết, như những ngày còn gian khó…

Có dịp đến nước Nga, chúng tôi cố gắng tiếp cận, tìm hiểu những thay đổi về Hiến pháp và pháp luật của bạn. Thời gian ngắn và hàng rào ngôn ngữ chỉ cho phép chúng tôi điểm qua những nét phù hợp với mục tiêu cải cách tư pháp Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện.

Tòa án giữ quyền tư pháp

Trước khi sang Nga, chúng tôi đã tìm hiểu Hiến pháp nước bạn. Nó khá ngắn gọn, gồm 137 điều, được toàn dân Nga phúc quyết thông qua ngày 12/12/1993. Các Chương II (các quyền và tự do của con người và công dân), chương VII (quyền lực tư pháp) cho thấy nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân, và quyền lực tư pháp nói chung, thuộc về tòa án.

Hiến pháp Nga quy định chỉ tòa án mới có quyền ra quyết định bắt, tạm giam nghi can; hạn chế quyền bí mật thư tín của công dân; khám xét chỗ ở của công dân… Những quyền tư pháp này thời Xô viết thuộc về cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát.

 Các quyền và tự do của con người và công dân có hiệu lực trực tiếp. Các quyền và tự do xác định ý nghĩa, nội dung và việc áp dụng các đạo luật, hoạt động của lập pháp và hành pháp, chính quyền tự quản địa phương, và được đảm bảo bởi tòa án 

Theo Hiến pháp Nga, thẩm phán không thể bị bãi miễn; hưởng đặc quyền bất khả xâm phạm; không bị truy cứu hình sự; độc lập và chỉ tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Hoạt động xét xử diễn ra công khai, trên cơ sở tranh tụng và bình đẳng giữa tất cả các bên. Chức năng của viện kiểm sát (bảo vệ lợi ích nhà nước, giữ quyền công tố tại các phiên tòa hình sự) được quy định bởi một đạo luật liên bang.

Dễ thấy việc cải cách tư pháp, sửa đổi Hiến pháp chúng ta đang tiến hành khiến hệ thống pháp luật của ta xích gần hơn với nước bạn Nga (điển hình là quy định xét xử phải trên cơ sở tranh tụng). Tuy nhiên, quyền lực tư pháp của ta hiện chưa tập trung vào tòa án. Theo nhiều chuyên gia, chỉ khi tòa án nắm quyền tư pháp, vai trò giám sát của người dân đối với các hoạt động tố tụng mới được phát huy đầy đủ.

Thực tế ở Nga cho thấy khi tòa án nắm quyền tư pháp, nhiều thủ tục tố tụng và việc giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp sẽ dân chủ, công khai, theo trình tự chặt chẽ và kịp thời, nhờ đó các quyền cơ bản của con người, của công dân được bảo vệ tốt hơn. Chúng tôi sẽ đề cập tiếp chuyện này khi nói về một vụ án hình sự liên quan đến người Việt ở Nga.

Tôn trọng pháp luật và danh dự

Tại thành phố Krasnođa thuộc miền nam Nga, một người Việt tốt nghiệp đại học luật ở Nga là anh Nguyễn Đình Tú đã rất nhiệt tình giúp chúng tôi tìm hiểu các tòa án của bạn.

Anh Tú cho biết hệ thống tòa án của Nga cơ bản phân cấp giống Việt Nam, điểm khác là có thêm tòa án khu vực, và đặc biệt là có Tòa án Hiến pháp nhằm bảo đảm tất cả các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp đều phải tuân thủ Hiến pháp.

Nữ thẩm phán Nga chụp ảnh chung với tác giả
Nữ thẩm phán Nga chụp ảnh chung với tác giả.

Hỏi vui anh Tú (người Việt ta ở nước ngoài hỏi nhau chuyện tế nhị cứ oang oang chẳng chút ngại ngần): Thẩm phán Nga có… mua được không? Anh Tú cười: “Tôi chưa được tham gia nhiều vụ án, nhưng tôi nhớ có một vụ người Việt mình bị truy tố ra tòa hình sự. Chúng tôi thử đặt vấn đề, thẩm phán cương quyết lắc đầu. Từ năm 2010, nhà nước Nga nâng lương thẩm phán lên 9 lần. Tôi thấy các thẩm phán ở đây thực sự tôn trọng pháp luật và tôn trọng danh dự”.

Anh Tú kể, trừ trường hợp đặc biệt phải lập bồi thẩm đoàn, phiên tòa hình sự, dân sự của bạn chỉ một thẩm phán (không có hội thẩm). Trong phiên tòa hình sự, thẩm phán ngồi ở vị trí cao nhất. Luật sư ngồi phía có bị cáo, công tố ngồi phía đối diện, ngang bằng nhau. Khi thẩm vấn, công tố hỏi trước, đến luật sư, rồi đến thẩm phán. Tranh luận không ai e dè ai, đi thẳng vào trọng tâm không lan man. Thẩm phán đưa ra phán quyết trên cơ sở công tâm, khách quan, và niềm tin.

Theo đề nghị của chúng tôi, anh Tú đặt vấn đề với các thẩm phán Nga anh có quen biết, xin dự một phiên tòa. Kết quả, nữ thẩm phán một tòa án cấp quận đồng ý cho chúng tôi dự một phiên tòa dân sự.

Đơn giản mà trang nghiêm

Tòa án anh Tú đưa chúng tôi đến đặt tại tòa nhà bốn tầng bề ngoài khá khiêm tốn. Ấn tượng đầu tiên, qua cửa có kiểm tra an ninh, và chỉ từng người một được vào. Ấn tượng tiếp theo, có rất đông người ở các hành lang rộng, sáng và ấm (có camera giám sát), họ đang chờ để được gọi vào các phòng. Mọi người đều mặc lịch sự, nói chuyện rất khẽ để giữ trật tự chung.

Cô thư ký tòa nhỏ nhắn, đi lại nhanh thoăn thoắt, dẫn chúng tôi vào phòng. Nữ thẩm phán tuyên bố ngắn gọn: Nhà báo được dự phiên tòa, được ghi âm, không được chụp ảnh, không được phiên dịch (tránh làm ồn, bởi phiên tòa được ghi hình, ghi âm).

Phiên tòa diễn ra ngay tại phòng làm việc của thẩm phán. “Quan tòa” áo thụng đen, ngồi cuối phòng, trên bàn có quốc kỳ, trên tường có quốc huy Nga. Đương sự có ba người: Một đại diện cho viện kiểm sát, nguyên đơn; một đại diện cho chính quyền quận, bị đơn; một nữa đại diện cho doanh nghiệp, có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan.

Đây là vụ tranh chấp hợp đồng. Chính quyền quận bán trạm biến áp điện cho doanh nghiệp. Kiểm tra hồ sơ, viện kiểm sát cho rằng bán tài sản trên đất không gắn với bán đất gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, nên khởi kiện ra tòa, đề nghị tuyên hủy hợp đồng. Trước tòa, chính quyền khẳng định họ chỉ bán tài sản trên đất, và đó là quyền của họ, còn doanh nghiệp trình bày họ thực hiện hợp đồng đã ký theo sự thống nhất ý chí của đôi bên.

“Thẩm phán kết luận tài liệu các bên đưa ra chưa đầy đủ, tạm hoãn xét xử và phiên tòa sẽ tiếp tục vào một buổi khác”, anh Tú dịch cho chúng tôi khi phiên tòa kết thúc. Nữ thẩm phán tỏ ra cởi mở, bà đồng ý chụp ảnh với nhà báo đến từ Việt Nam.

(Còn nữa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.